Thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW: Nhà đầu tư giao thông đề xuất loạt ý tưởng đột phá

0:00 / 0:00
0:00
Được cổ vũ bởi “ánh sáng soi đường” từ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân đã mạnh dạn đề xuất đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn - vốn được đánh giá là những việc khó, việc lớn của đất nước.
Tập đoàn Đèo Cả thi công Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tập đoàn Đèo Cả thi công Dự án PPP cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Những đề xuất mới

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Công ty Phương Thành - một trong những nhà đầu tư hạ tầng lớn và thành công nhất Việt Nam hiện nay với tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) là doanh nghiệp tư nhân mới nhất có hành động cụ thể hưởng ứng tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.

Theo đó, giữa tuần này, Công ty Phương Thành đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng cho phép doanh nghiệp này được lập đề xuất Dự án Đầu tư hoàn chỉnh cao tốc CT.07 đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đáp ứng quy mô cao tốc 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh theo phương thức PPP với 2 phương án đầu tư.

Với phương án 1, Công ty Phương Thành đề xuất đầu tư mở rộng đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (từ nút giao vành đai 3 TP. Hà Nội đến nút giao Tân Lập - Thái Nguyên) từ 4 làn xe lên quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh. Phương án có chiều dài đoạn tuyến được đề xuất nâng cấp khoảng 63,76 km này có tổng mức đầu tư khoảng 6.790 tỷ đồng (đã bao gồm lãi vay).

“Với phương án này, Nhà nước không phải hỗ trợ vốn, nhà đầu tư sẽ tự huy động vốn để thực hiện toàn bộ Dự án. Nếu được lựa chọn, nhà đầu tư cam kết thi công hoàn thành Dự án trong năm 2026, đưa vào khai thác từ năm 2027”, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Công ty Phương Thành cho biết.

Với phương án 2, Công ty Phương Thành đề xuất đầu tư mở rộng đoạn Hà Nội - Thái Nguyên lên quy mô 6 và mở rộng đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới từ 2 làn xe lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Phương án có tổng chiều dài khoảng 100,69 km này sẽ có tổng mức đầu tư (đã bao gồm lãi vay) khoảng 16.798 tỷ đồng, trong đó đoạn Hà Nội - Thái Nguyên là 6.790 tỷ đồng, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới là 10.008 tỷ đồng.

Khi hoàn thành, Dự án sẽ hình thành tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới - Bắc Kạn với tổng chiều dài khoảng 128 km, quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh, tạo sự đồng bộ, kết nối giao thông và phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh từ Hà Nội đến Cao Bằng.

“Ưu điểm của phương án này là Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 5.363 tỷ đồng (khoảng 54% nếu thực hiện bằng đầu tư công) đã có 100 km đường cao tốc với quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh. Nguồn vốn còn lại, Nhà nước có thể tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, dự án quan trọng quốc gia, như tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, nhà máy điện hạt nhân”, đại diện Công ty Phương Thành cho biết.

Theo ông Phạm Văn Khôi, mặc dù CT07 là một trong những tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội, nhưng việc nâng cấp cao tốc này theo phương thức PPP có nhiều rủi ro do lưu lượng xe không quá lớn. Trong quá khứ, từng có một số nhà đầu tư bắt tay thăm dò nghiên cứu, nhưng đều bỏ cuộc giữa chừng.

“Bản thân Công ty Phương Thành cũng chỉ thực sự quyết tâm thực hiện việc nâng cấp, hoàn thiện cao tốc CT07 sau khi tìm hiểu, nghiên cứu kỹ Nghị quyết số 68-NQ/TW. Nghị quyết này không chỉ là sự cổ vũ, động viên, mà còn mang lại cho các doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi một niềm tin lớn về việc được bảo vệ, chia sẻ trong trường hợp gặp phải những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các dự án PPP hạ tầng giao thông”, ông Phạm Văn Khôi chia sẻ.

Để hiện thực hóa quyết tâm triển khai nâng cấp tuyến cao tốc CT07 và các dự án cao tốc khác, Công ty Phương Thành vừa ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Ngân hàng VietinBank. Cùng với nguồn vốn chủ sở hữu được tích lũy sau mấy chục năm bươn chải trên các công trường, nguồn vốn tín dụng từ một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp tư nhân này có thêm trợ lực quan trọng để triển khai các dự án hạ tầng giao thông trong thời gian tới.

Chỉ sớm hơn Công ty Phương Thành 1 ngày, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cũng có Văn bản số 615/2025/DCG gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW thông qua đề xuất đầu tư mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo phương thức PPP.

Cụ thể, nhà đầu tư này đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức cuộc họp cùng các bộ, ngành liên quan để xem xét giao Tập đoàn Đèo Cả thống nhất với Bộ Xây dựng nghiên cứu triển khai mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn I từ quy mô 4 làn xe lên 6 làn xe theo phương thức PPP trên nguyên tắc doanh nghiệp chủ động thu xếp tài chính (từ các nguồn vốn hợp pháp trong nước), không sử dụng ngân sách nhà nước.

Đón đợi cuộc cách mạng về đầu tư

Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 có 5 đoạn cao tốc được đầu tư bằng vốn nhà nước có quy mô 4 làn xe hạn chế, với tổng chiều dài 356 km, cần được mở rộng lên 6 làn xe để đáp ứng nhu cầu giao thông.

Nếu đầu tư mở rộng 5 đoạn tuyến này theo phương thức PPP, không sử dụng ngân sách nhà nước, sẽ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 37.000 tỷ đồng. Trường hợp đầu tư mở rộng toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam dài hơn 1.100 km theo hình thức PPP, dù vẫn cần sự tham gia của vốn nhà nước, vẫn sẽ tiết giảm cho ngân sách gần 150.000 tỷ đồng.

Tại Văn bản số 615/2025/DCG, Tập đoàn Đèo Cả đề xuất với Thủ tướng được đứng lên chủ trì nghiên cứu lập đề xuất Dự án Đầu tư mở rộng toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam và thực hiện kết nối các doanh nghiệp trong nước cùng hợp lực thực hiện. Nếu được chỉ định làm nhà đầu tư thực hiện Dự án, Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh cam kết sớm khởi công công trình, nhằm chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2025) và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.

“Tập đoàn Đèo Cả cam kết thực hiện toàn bộ các nội dung trên theo tinh thần ‘đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân đong, đo đếm được...’ như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành các công việc theo đúng tiến độ”, ông Nguyễn Quang Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả nêu rõ.

Là một trong số ít lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân có vinh dự tham gia Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân tại Hội trường Diên Hồng vào cuối tuần trước, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đánh giá, Nghị quyết số 68-NQ/TW thực sự là “ngọn đuốc soi đường” cho kinh tế tư nhân.

“Qua Hội nghị, chúng tôi càng rõ hơn lý luận của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đó, chúng tôi ý thức được rằng, sẽ làm việc tận tâm, tận hiến như thế nào để thể hiện trách nhiệm đối với đất nước, đối với người dân, đối với niềm tin của Đảng và Nhà nước đặt ra”, ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Tập đoàn Đèo Cả, với tinh thần, trách nhiệm tham gia thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW, nhận thức rõ rằng, doanh nghiệp không chỉ đứng đợi tháo gỡ xong các rào cản, hạn chế, định kiến, mà phải đồng hành ngay từ đầu để góp phần tạo nên thành công của một chủ trương lớn và chưa có tiền lệ của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đánh giá rất cao việc Nghị quyết số 68-NQ/TW đã mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia thông qua việc Nhà nước chủ động có chính sách đặt hàng, đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc có chính sách ưu đãi khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia cùng Nhà nước vào các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia (như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, công nghiệp quốc phòng, an ninh...).

“Đây sẽ là một động lực to lớn để các doanh nghiệp tư nhân tự tin đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn vốn được đánh giá là những việc khó, việc lớn của đất nước”, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định.

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Tư vấn thiết kế Giao thông vận tải (TEDI), tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 68 -NQ/TW và được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 198/2025-QH15 của Quốc hội; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ, đang tạo sự hứng khởi lớn trong các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

Cùng với các đề xuất đầu tư vào hệ thống đường cao tốc của Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Phương Thành, ông Phạm Hữu Sơn đánh giá rất cao sự quyết tâm, táo bạo, vượt qua những suy nghĩ, khuôn khổ thông thường đối với đề xuất đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed, với vốn đầu tư khoảng 1.562.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.

“Dù còn một số nội dung cần phải tiếp tục làm rõ, trong đó có phương án tài chính, nhưng nếu Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được giao cho doanh nghiệp tư nhân thực hiện, thì chắc chắn sẽ tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong đầu tư các dự án hạ tầng quy mô lớn hoặc siêu lớn - lĩnh vực xưa nay vốn mặc định là sân chơi không dành cho các doanh nghiệp dân doanh”, Chủ tịch TEDI nhận định.

Tại Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ giao Bộ Tài chính trình Chính phủ văn bản hướng dẫn chính sách về việc:

- Mở rộng sự tham gia của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế - xã hội, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật.

- Người có thẩm quyền, chủ đầu tư được lựa chọn áp dụng một trong các hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu hạn chế hoặc chỉ định thầu hoặc hình thức phù hợp khác theo quy định của pháp luật để thực hiện đối với các lĩnh vực chiến lược, các dự án, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh và những nhiệm vụ khẩn cấp, cấp bách trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, tiến độ, hiệu quả và trách nhiệm giải trình; hoàn thành trong năm 2025.

Tin bài liên quan