Việt Nam cần chuyển dịch mạnh cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, hướng đến những lĩnh vực có thể bám sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Việt Nam cần chuyển dịch mạnh cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, hướng đến những lĩnh vực có thể bám sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thương chiến Mỹ - Trung: Động lực để Việt Nam vượt lên

(ĐTCK) Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, có khả năng kéo dài và tác động mạnh tới thương mại toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có những thách thức lớn cần phải vượt qua để phát triển bền vững. 

Tình thế thử thách

Tại diễn đàn kinh doanh “Tiến vào kỷ nguyên số” do Forbes vừa tổ chức, ông Chua Hak Bin, chuyên gia kinh tế cao cấp Maybank Kim Eng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Nhưng trong bức tranh chung, Việt Nam đang được hưởng lợi, các doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cơ hội từ sự chuyển hướng giao dịch sang Việt Nam.

Về dòng vốn FDI, ông Hak Bin nhận xét, dòng vốn này vào Việt Nam ổn định hàng chục năm qua; đa dạng, không phụ thuộc vào quốc gia nào. Việt Nam cũng đã thành công trong việc ký kết nhiều hiệp định thương mại quan trọng.

Tuy nhiên, Việt Nam cần có cơ chế chính sách thúc đẩy dòng vốn FDI vào hoạt động sản xuất, đa dạng hơn nữa nguồn vốn, đồng thời có sự chuẩn bị cho việc hấp thụ hiệu quả dòng vốn FDI đang chuyển hướng vào Việt Nam và tạo ra làn sóng thay đổi theo chiều hướng gia tăng về giá nhân công, thuế, đất đai…

Ông Trần Ðình Thiên, uỷ viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhìn nhận, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển tốt, ổn định trong khoảng 3 năm trở lại đây, chứ không phải nhờ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung mà tốt lên. Thành quả này đến từ quá trình cải cách cách đây vài năm, giúp Việt Nam trở thành nơi trú ẩn đáng tin cậy của dòng tiền đầu tư thế giới.

Theo ông Thiên, yếu tố nền tảng và sẽ có tác động trong dài hạn giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn chính là việc ký kết nhiều hiệp định thương mại đẳng cấp cao, với các đối tác lớn, như Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam..., là yếu tố đảm bảo cho một tương lai cải cách của Việt Nam. Càng cải cách tốt thì niềm tin của nhà đầu tư, đối tác nước ngoài đối với Việt Nam càng tăng lên.

Thương chiến Mỹ - Trung có những tác động tích cực đến Việt Nam, nhưng “Việt Nam cũng là tâm điểm của cuộc xung đột giữa 2 cường quốc lớn nhất thế giới, đồng thời là 2 đối tác lớn nhất của Việt Nam”, ông Thiên nói.

Nếu xung đột căng thẳng hơn, ông Thiên cho rằng, Việt Nam còn bị ảnh hưởng mạnh hơn nhiều nước trên thế giới. Ðây là điểm mà Việt Nam phải lường đến những tiêu cực dài hạn, chứ không hẳn là cơ hội trong ngắn hạn, đặc biệt trong điều kiện nền tảng Việt Nam chưa thực sự tốt, thực lực chưa mạnh, cấu trúc doanh nghiệp có nhiều vấn đề, hệ thống thể chế cần có sự cải thiện.

“Ðiều này đặt cho Việt Nam một tình thế thử thách, không chỉ để vượt qua khó khăn, mà còn đạt tới đẳng cấp phát triển cao hơn rất nhiều”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.

Ðây là cơ hội lịch sử để Việt Nam cải cách thể chế, cải cách năng lực. “Là cơ hội để Việt Nam thoát ra khỏi cái cũ để bước vào trạng thái mới, giai đoạn mới”, ông Thiên nhấn mạnh.

Thế giới đã bước vào kỷ nguyên số, đòi hỏi năng lực, cơ chế vận hành khác hẳn, lại được đặt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, là bài toán khó cho Việt Nam. Cái khó mà ông Thiên nói ở đây là nhìn từ 10 năm đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu của Việt Nam, kết quả chưa thực sự đột phá, theo đó cần cách thức làm mới để “thoát khỏi chính mình”.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tạo cho Việt Nam cơ hội để thoát khỏi cái cũ. Thoát khỏi cái cũ có nghĩa là có năng lực để bước vào thời đại mới. Hiện là thời đại số, cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang dịch chuyển, nếu Việt Nam không kịp thời có cơ chế mới để thích nghi với cuộc chơi mới, bước vào kinh tế số thì sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi, chứ không chỉ là tụt hậu.

Cải thiện năng suất lao động, quản trị dựa trên nền tảng số hoá

Dệt may, da giày là hai trong những lĩnh vực, ngành nghề của Việt Nam được đánh giá hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, theo các diễn giả, vấn đề cốt yếu cần giải quyết là năng suất lao động và áp dụng số hoá vào quản trị.

Ông Nguyễn Ðức Thuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TBS Group cho biết, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam quá thấp, chỉ 2.500 USD, năng suất lao động tổng hợp khá hơn, GDP/lao động khoảng 5.000 USD. Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá đang có nguồn lực lao động dồi dào trong thời kỳ dân số vàng. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, có khoảng 53 triệu người đang nằm trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có chưa đầy 30% lực lượng lao động tạo ra giá trị gia tăng.

Do đó, ông Thuấn cho rằng, Việt Nam cần chuyển dịch mạnh cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp, hướng đến những lĩnh vực có thể bám sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quá trình ăn sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thường trải qua ít nhất 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, các doanh nghiệp chủ yếu làm theo hình thức OCM - gia công đơn thuần, là giai đoạn Việt Nam mở cửa những năm 1990. Giai đoạn 2, các doanh nghiệp đang làm là OEM - sản xuất thiết bị gốc, có thêm nghiên cứu phát triển. Giai đoạn 3, sản xuất ODM - có thêm yếu tố thiết kế, tạo chuỗi cung ứng mà hầu như tất cả các thương hiệu trên thế giới đều cần.

Theo lãnh đạo TBS Group, Việt Nam có vị trí địa lý gần Trung Quốc nên tiếp cận các chuỗi cung ứng thuận lợi. Tuy nhiên, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp làm trong ngành phụ trợ nhỏ như da giày, túi xách liên kết với nhau để hình thành chuỗi nguyên phụ liệu.

Hiện ngành công nghiệp thời trang thế giới có giá trị khoảng 600 tỷ USD (giá trị mua bán giữa các nước), Trung Quốc chiếm trên 50% thị phần trong các nước sản xuất và cung ứng cho thị trường 600 tỷ USD này. Ðối với Việt Nam, lĩnh vực da giày, túi xách đứng thứ hai, dệt may đứng thứ ba. Không phải ngẫu nhiên mà ngành công nghiệp thời trang luôn vững vàng, năm nay, tổng doanh số mang lại cho ngành dự kiến đạt khoảng 60 tỷ USD.

Trong ngành công nghiệp thời trang, xuất khẩu da giày đạt khoảng 20 tỷ USD, trong đó nguyên liệu chiếm 48 - 52%. Muốn ngành công nghiệp thời trang nâng cạnh tranh cả trong trước mắt lẫn lâu dài thì phải quản trị trên nền tảng số, đẩy năng suất lao động lên ngang bằng các quốc gia cạnh tranh dữ dội với Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar. Ông Thuấn cho hay, hiện thuế xuất khẩu dệt may, da giày sang EU của các nước Bangladesh, Myanmar... đang bằng 0%, trong khi chi phí lao động của họ chỉ bằng một nửa ở Việt Nam.

Ðối với TBS Group, doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống quản trị tích hợp dựa trên nền tảng số, dựa trên dữ liệu (data) của tất cả sản phẩm, dịch vụ. Data cho biết sản phẩm bán trong chuỗi toàn cầu có giá tốt hơn, giao hàng tốt hơn hay không, giá bán sao cho cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI trong nước cũng như doanh nghiệp của các nước Bangladesh, Myanmar…

Thông tin tích cực cho các doanh nghiệp là theo hiệp định thương mại tự do mà Liên minh châu Âu và Việt Nam đã ký kết, nếu so sánh năng suất lao động Trung Quốc là 100% thì các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 70 - 75%, Myanmar thấp hơn Việt Nam khoảng 20 - 30%.

Khi thuế xuất khẩu sang EU của Việt Nam giảm còn 0% thì đây là cơ hội "ngàn năm có một”. Ông Thuấn cho rằng, các doanh nghiệp nên mạnh dạn đầu tư cho công nghệ và quản trị để đón đầu cơ hội lớn.

Tin bài liên quan