Sầu riêng Việt Nam là loại quả mới được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch.

Sầu riêng Việt Nam là loại quả mới được Trung Quốc cấp phép nhập khẩu chính ngạch.

Thương mại Việt Nam-Trung Quốc 10 tháng đạt gần 148 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển ổn định và đi vào chiều sâu, 10 tháng 2022, thương mại 2 chiều đạt 147,7 tỷ USD, Việt Nam nhập siêu 53,7 tỷ USD.

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có bước phát triển đáng kể, đạt 147,7 tỷ USD sau 10 tháng. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, chỉ sau Mỹ với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 47 tỷ USD, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 100,7 tỷ USD, nhập siêu 10 tháng từ Trung Quốc là 53,7 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập siêu từ thị trường này 10 tháng đã gần bằng cả năm ngoái. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc rất nhiều mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bên cạnh đó là rau củ quả, thực phẩm, hàng tiêu dùng…

"Mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và những biến động địa - chính trị trên thế giới song quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương. Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam ", Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Với vị trí địa lý gần gũi, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử, đồng thời nhập khẩu từ Trung Quốc các mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, nông sản ôn đới...

Hiện, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam (thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với nhóm hàng rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su; thị trường xuất khẩu lớn thứ ba với nhóm hàng thủy sản, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản).

Một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong tốp 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc, nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều đều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu. Điều đó cho thấy nhiều sản phẩm, ngành hàng của Việt Nam có thế mạnh khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, qua đó càng tạo điều kiện hơn cho hàng hóa, nhất là hàng nông thủy sản của Việt Nam thâm nhập thị trường hơn 1,4 tỷ dân này.

Gần nhất, Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu chính ngạch với sầu riêng của Việt Nam, đồng thời sau gần 6 năm đàm phán, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2022. Tới đây dự kiên là khoai lang và một số sản phẩm nông nghiệp khác cũng được xem xét nhập khẩu chính ngạch.

Việc có thêm nhiều sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch, từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng của nông sản Việt trên thị trường Trung Quốc

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020. Trong đó: xuất khẩu 56 tỷ USD, tăng 14,5%, chiếm 16,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 109,9 tỷ USD, tăng 30,5% so với năm 2020.

Tin bài liên quan