Tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế là “liều thuốc bổ” cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Việc tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất sẽ là “liều thuốc bổ” giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, qua đó tạo “cú hích” để GDP năm 2021 có thể tăng trưởng ít nhất 6,5%.
TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

TS. Đặng Đức Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, việc tiếp tục gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất sẽ là “liều thuốc bổ” giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, qua đó tạo “cú hích” để GDP năm 2021 có thể tăng trưởng ít nhất 6,5% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, thậm chí cao hơn.

Ông đánh giá thế nào về bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý đầu năm và dự báo tăng trưởng trong cả năm 2021?

Khoảng 10 ngày nữa, Tổng cục Thống kê sẽ công bố Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021, nhưng đến thời điểm này, có thể khẳng định, trong 3 tháng đầu năm 2021, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng; thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định, lãi suất ngân hàng sau một thời gian giảm liên tục hiện ở mức khá thấp; hoạt động đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực; giải ngân vốn đầu tư công so với cùng kỳ các năm trước đạt kết quả ấn tượng...

Bức tranh kinh tế quý I năm nay khá sáng sủa, đặc biệt là hoạt động xuất - nhập khẩu. Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong 2 tháng đầu năm, tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt 95,85 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu đạt 48,74 tỷ USD (tăng 23,7%) và nhập khẩu đạt 47,11 tỷ USD (tăng 25,5%), qua đó cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Mặc dù Covid-19 quay trở lại, nhưng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, số vốn đăng ký và số lao động mà doanh nghiệp mới đăng ký tuyển dụng, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Đó là minh chứng về niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phát triển kinh tế trong năm nay.

Những kết quả ấn tượng đã đạt được trong năm 2020 cũng là một trong những cơ sở vững chắc để tin rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm nay sẽ ở mức cao, có thể đạt tới 6,7%.

Để đạt được những kết quả ấn tượng trong năm 2020 như ông vừa đề cập, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được Chính phủ thực hiện. Theo ông, các chính sách này có tiếp tục được duy trì trong năm nay?

Bối cảnh năm 2021 khác năm 2020. Covid-19 đã 3 lần “đổ bộ” vào Việt Nam, nhưng đều được kiểm soát, nên việc giãn cách toàn xã hội đã từng thực hiện cách đây một năm sẽ không tái diễn. Vì vậy, không thể “bê” nguyên những chính sách đã thực hiện trong năm 2020 để “áp” cho năm nay.

Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục thực hiện một số chính sách như miễn, giảm một số loại phí, lệ phí; đặc biệt là tiếp tục gia hạn tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Rất nhiều doanh nghiệp như người bệnh sau khi qua cơn nguy kịch và cần phải bồi bổ để phục hồi sức khỏe. Việc gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất chính là một trong những “liều thuốc bổ” giúp doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi.

Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về tác động của Covid-19 (thực hiện tháng 9/2020), có tới 84% số doanh nghiệp bị tác động tiêu cực; 33,5% giảm số lượng lao động với mức giảm 30,8% so với cùng kỳ năm 2019; 66,4% doanh nghiệp sụt giảm doanh thu với mức giảm bình quân 34,6%...

Nhưng, với 91% doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, kết thúc năm 2020, có tới 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 12% so với năm 2019.

Như vậy, có thể nói, gói hỗ trợ gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất rất hiệu quả. Hơn nữa, thực hiện chính sách hỗ trợ này, chi phí ngân sách nhà nước bỏ ra rất ít. Vì thực ra, đây chỉ là số tiền ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp nợ 5 tháng, cuối năm vẫn thu hồi gần hết.

Thế còn giải pháp giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng đã từng áp dụng năm 2020 thì sao, thưa ông?

Tôi cho rằng, đây là giải pháp rất hiệu quả, vì không hỗ trợ tràn lan mà có chọn lọc, đặc biệt là không hỗ trợ đối với những doanh nghiệp thua lỗ, đứng trên bờ vực phá sản. Những doanh nghiệp này nên để thị trường sàng lọc.

Tuy nhiên, việc giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nên nếu có thể tiếp tục chính sách giảm thuế như đã từng thực hiện, thì phải đợi đến tháng 10, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nội dung này mới có thể được đề cập. Nhưng, khi đó đã quá muộn, vì năm tài chính 2021 sắp kết thúc, doanh nghiệp cũng đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu năm rồi.

Tuần tới, Dự thảo Nghị định về gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ. Ông đặt kỳ vọng gì khi nghị định này được ban hành?

Hy vọng, Chính phủ sẽ sớm thông qua nghị định này, vì ngày 31/3/2021 là thời hạn cuối cùng quyết toán thuế năm 2020 và cũng là thời hạn cuối cùng tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng của quý I/2021. Nếu Nghị định sớm được thông qua và có hiệu lực trước ngày 31/3/2021, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính để tiếp tục phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và là một trong những cơ sở quan trọng để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 ít nhất 6,5% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Tin bài liên quan