Tiêu dùng nội địa phục hồi, cả quy mô và tốc độ quay trở về thời trước Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
Tháng Tám, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước.
Du lịch nội địa đang phục hồi mạnh, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao.

Du lịch nội địa đang phục hồi mạnh, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao.

“Phục hồi ở tất cả các ngành” là cụm từ đã được Tổng cục Thống kê dùng để nói về xu hướng tích cực của sức mua nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động thương mại và dịch vụ đã ghi nhận mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần và dịch vụ du lịch lữ hành gấp 65,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Thực ra, điều này là dễ hiểu bởi tháng 8/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, khiến sức mua lao dốc. Nên tháng Tám năm nay, mức tăng cao là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, điều quan trọng, theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2018 chỉ đạt 369,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước; còn tháng 8/2019, con số đạt được là 416 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%.

Với kết quả này, tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%).

Như vậy, con số đạt được là tích cực, cho thấy sức mua của nền kinh tế đã được cải thiện rất nhiều, sau khi nhịp sống bình thường quay trở lại, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

Ước tính

tháng 8

năm 2022

Ước tính

8 tháng

năm 2022

Tốc độ tăng so với

cùng kỳ năm trước (%)

Tháng 8

năm 2022

8 tháng

năm 2022

Tổng số

481,2

3,679,2

50,2

19,3

Bán lẻ hàng hóa

376,6

2,925,0

31,9

15,4

Dịch vụ lưu trú, ăn uống

53,5

377,8

185,3

48,1

Du lịch lữ hành

3,3

15,4

6,436,9

240,1

Dịch vụ khác

47,8

361,0

197,2

24,2

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 tăng 13,9% so với 8 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng qua, có thể thấy, cả bán lẻ hàng hóa, dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành đều đạt tốc độ hồi phục tích cực.

Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước đạt 2.925 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá vẫn tăng 11,3%. Tất nhiên, mức tăng cao này cũng chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm 2022 ước đạt 377,8 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè sau hơn 2 năm hạn chế đi du lịch và ăn uống ngoài gia đình.

Đặc biệt, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng qua tăng cao ở nhiều địa phương. Chẳng hạn, Cần Thơ tăng 95,5%; Đà Nẵng tăng 84%; TP.HCM tăng 76,3%; Quảng Ninh tăng 72%; Hà Nội tăng 65,2%; Đồng Nai tăng 37,2%; Bình Dương tăng 36,4%.

Doanh thu dịch vụ lữ hành cũng tăng trưởng tích cực, 8 tháng ước đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch nội địa.

Doanh thu dịch vụ lữ hành 8 tháng năm 2022 của một số địa phương cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Chẳng hạn, Cần Thơ tăng 621,5%; Đà Nẵng tăng 471,3%; Hà Nội tăng 335,8%; Hải Phòng tăng 177,9%; TP.HCM tăng 127,6%.

Tuy nhiên, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm nay mới chỉ bằng 47,7% so với cùng kỳ năm 2019.​

Sức mua của nền kinh tế đã hồi phục tích cực, song khó khăn vẫn còn lớn. Doanh thu dịch vụ lữ hành vẫn chưa thể quay trở về thời điểm trước dịch. Lĩnh vực du lịch cũng mới chỉ có du lịch nội địa phục hồi mạnh, còn du lịch quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Tin bài liên quan