Tìm được động lực, giới đầu tư ồ ạt xuống tiền

Tìm được động lực, giới đầu tư ồ ạt xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 2 phiên bán tháo trên diện rộng, Phố Wall khởi đầu tháng 3 bằng một phiên giao dịch khởi sắc vào ngày thứ Hai (1/3).

Đầu tuần, chứng khoán Mỹ nhận được động lực mạnh mẽ từ việc vắc-xin của Johnson & Johnson trở thành loại vắc-xin thứ ba được cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp của Mỹ, đồng thời gói viện trợ tài chính của chính quyền Tổng thống Joe Biden củng cố kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế một cách nhanh chóng.

Cuối tuần qua, các chuyên gia tư vấn của Ủy ban tư vấn về thực hiện tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã bỏ phiếu ủng hộ khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson cho người dân Mỹ từ 18 tuổi trở lên.

Khuyến nghị trên được đưa ra sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với loại vắc-xin này vào ngày 27/2. Johnson & Johnson dự kiến sẽ xuất xưởng lô vắc-xin đầu tiên với 4 triệu liều.

Trước đó, vào đầu ngày thứ Bảy, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD và hiện dự luật đã được chuyển đến Thượng viện.

Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ phiên đêm qua đã giảm sau khi tăng mạnh trong tháng trước do thị trường lo ngại lạm phát tăng nhanh trước sự phục hồi của nền kinh tế sẽ khiến các nhà quản lý thắt chặt chính sách cho vay. Lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống còn 1,449% sau rút khỏi mức cao nhất trong một năm là 1,614% ghi nhận vào tuần trước. Đà tăng của lợi suất trái phiếu gần đây đã làm xáo trộn thị trường.

Về dữ liệu kinh tế, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã tăng lên mức 60,8 vào tháng 2, từ mức 58,7 vào tháng 1, đánh bại mức 58,8 mà thị trường kỳ vọng, đồng thời đánh dấu mức cao nhất ghi nhận được từ tháng 2/2018, theo Viện Quản lý Cung ứng (ISM).

Hoạt động sản xuất của Mỹ tăng trong bối cảnh lượng đơn đặt hàng mới tăng vọt, song các nhà máy tiếp tục phải đối mặt với chi phí nguyên liệu thô và các yếu tố đầu vào khác cao hơn trong bối cảnh thiếu lao động tại các nhà cung cấp khi đại dịch kéo dài.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Dow Jones tăng 603,14 điểm (+1,95%), lên 31.535,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 90,67 điểm (+2,38%), lên 3.901,82 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 398,48 điểm (+3,01%), lên 13.588,83 điểm.

Chứng khoán châu Âu đóng cửa tăng điểm vào ngày thứ Hai, sau khi có phiên giao dịch tốt nhất ghi nhận được trong vòng 4 tháng trong bối cảnh thị trường trái phiếu ổn định, đồng thời thị trường lạc quan về chương trình tiêm chủng Covid-19 và gói kích thích tài chính lớn của Mỹ.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 105,10 điểm (+1,62%), lên 6.599,53 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 226,53 điểm (+1,64%), lên 14.012,82 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 89,57 điểm (+1,57%), lên 5.792,79 điểm.

Sắc xanh cũng bao phủ chứng khoán châu Á phiên đầu tuần. Chứng khoán Nhật Bản và chứng khoán Trung Quốc cùng phục hồi nhờ lực mua bắt đáy sau ngày bán tháo trước đó.

Chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên khởi sắc sau đợt lao dốc của tuần trước nhờ thị trường trái phiếu hạ nhiệt, bên cạnh tiến độ gói kích thích của Mỹ đã thúc đẩy tâm lý giới đầu tư.

Chứng khoán Hàn Quốc nghỉ giao dịch Ngày Độc lập.

Kết thúc phiên 1/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 697,49 điểm (+2,41%), lên 29.663,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 42,32 điểm (+1,21%), lên 3.551,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 472,36 điểm (+1,63%), lên 29.452,57 điểm.

Giá vàng phiên ngày thứ Hai vẫn chưa thoát khỏi đà lao dốc do đồng USD tăng nhẹ và dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 1/3, giá vàng giao ngay giảm 10,80 USD (-o,63%), xuống 1.724,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 5,80 USD (-0,34%) 1.723,00 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên ngày thứ Hai do lo ngại, tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc đang chậm lại và OPEC có thể tăng nguồn cung toàn cầu sau cuộc họp trong tuần này.

Tăng trưởng hoạt động nhà máy của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng vào tháng 2, gây ra những cảnh báo về việc việc tiêu thụ dầu thô từ thị trường này và gây áp lực lên giá dầu.

Tuần này, thị trường đổ dồn về cuộc họp của OPEC+ vào ngày 4/3 tới.

Kết thúc phiên 1/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,86 USD (-1,4%), xuống 60,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,73 USD USD (-1,1%), xuống 63,69 USD/thùng.

Tin bài liên quan