Mục tiêu là tạo điều kiện kinh doanh tối đa cho các DN trong những lĩnh vực pháp luật không cấm

Mục tiêu là tạo điều kiện kinh doanh tối đa cho các DN trong những lĩnh vực pháp luật không cấm

Tìm lời giải cho bài toán năng lực cạnh tranh

(ĐTCK) Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia chính thức khởi động.

Với mục tiêu hỗ trợ Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhằm thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao tính minh bạch trong các quy định kinh doanh và thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần tạo ra những chuyển biến mang tính tổng thể và đột phá để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cải thiện thứ hạng quốc gia về các chỉ số môi trường kinh doanh, nhằm tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đánh giá về tình hình triển khai Đề án Tái cơ cấu kinh tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, quá trình cải cách bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, song nền kinh tế vẫn gặp rất nhiều thách thức nội tại. Tăng trưởng GDP đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

“Đáng lo ngại là trong khi tốc độ tăng trưởng giảm sút thì lạm phát luôn ở mức cao. Các cân đối vĩ mô bao gồm các nhân tố cân đối cán cân vãng lai, cân đối ngân sách, cân đối tiết kiệm nội địa và đầu tư xã hội, dự trữ ngoại tệ quốc gia vẫn chưa vững chắc, nợ nước ngoài và nợ công ở mức cao, nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng”, ông Đông nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Đông, những thách thức nội tại này đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu đến năm 2020, đảm bảo nâng cao hiệu quả năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, tái cơ cấu tập trung theo định hướng phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường theo hướng giảm thiểu các rào cản, thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tích cực chủ động hội nhập quốc tế và phát huy các lợi thế về xuất khẩu.

Cụ thể hóa các mục tiêu này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam sẽ tập trung hỗ trợ những hoạt động định hướng chính sách và đổi mới thể chế, bao gồm giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí, tăng tính tự chủ và tự do kinh doanh cho DN, đặc biệt là khu vực DN tư nhân trong nước. Đặc biệt, theo ông Cung, nhóm giải pháp hỗ trợ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh được coi là một trong những cấu phần quan trọng nhất trong Dự án, nhằm đạt được mục tiêu thuận lợi hóa môi trường kinh doanh và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Nhóm giải pháp này tập trung vào các hạng mục chính đang triển khai gồm soạn thảo và ban hành Luật DN sửa đổi và Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó đặc biệt chú trọng tới mục tiêu đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm rào cản gia nhập thị trường, rà soát giảm bớt nhiều loại thủ tục hành chính, giảm rủi ro pháp lý, rủi ro thương mại và chi phí tuân thủ cho DN, tạo điều kiện thuận lợi và tự do tối đa cho DN kinh doanh tất cả các ngành nghề pháp luật không cấm, hoàn thiện khung quản trị công ty theo thông lệ quốc tế, cải thiện chỉ số bảo vệ nhà đầu tư để nâng thứ hạng của Việt Nam trong xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu”, ông Cung nói.

Theo ông Cung, nếu triển khai tốt các hạng mục này, kết quả sẽ thể hiện rõ rệt thông qua việc cải thiện thứ hạng của Việt Nam, dự báo thăng hạng từ vị trí 109 lên 60 về xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia và từ thứ 157 lên thứ hạng 52 về chỉ số bảo vệ đầu tư trong Báo cáo xếp hạng kinh doanh toàn cầu. 

Cũng theo ông Cung, ngay sau hợp phần này, Dự án tiếp tục tập trung hỗ trợ triển khai việc thực hiện Luật DN và Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó, tập trung đẩy mạnh việc rà soát, tập hợp và xác định các danh mục ngành nghề cấm kinh doanh một cách hợp lý, rõ ràng để quy định thành một nội dung của Luật.

Về cải cách cơ cấu thành phần kinh tế và đẩy mạnh hội nhập, ông Hugh Borrowman, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, Dự án sẽ dành riêng một cấu phần để hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực này. Theo đó, hỗ trợ gắn liền với các ưu tiên chiến lược của Australia tại Việt Nam trong cải cách khu vực DN Nhà nước, phát triển khu vực tư nhân, hỗ trợ Việt Nam tham gia vào các hiệp định kinh tế quốc tế và khu vực cũng như hội nhập sâu vào thương mại toàn cầu.  

Tin bài liên quan