Tìm “thuốc” chữa bệnh "chây ì" công  bố thông tin

Tìm “thuốc” chữa bệnh "chây ì" công bố thông tin

(ĐTCK-online) Trong tháng 9 này, báo chí lại tiếp tục phản ánh vấn đề chậm nộp báo cáo tài chính của nhiều công ty niêm yết, có bài báo gọi các DN là "chây ì" công bố thông tin. Số công ty bị cảnh cáo, tạm dừng giao dịch vì chuyện này cũng đang tăng lên. Căn bệnh chậm công bố thông tin ngày càng trầm trọng và tuy cơ quan quản lý đang có vẻ mạnh tay hơn trong chuyện xử lý, việc chữa căn bệnh này có lẽ là một quá trình lâu dài.

Chữa bệnh phải đúng thuốc

Trước tiên, cần nhận thấy việc chậm trễ công bố thông tin hoặc cố tình phù phép số liệu ở nước nào cũng có và mỗi một đợt khủng hoảng thì lại thấy các vụ gian dối kế toán, bê bối về thiếu minh bạch thông tin trở nên nhiều hơn. Các công ty đến từ những nước đang phát triển, nơi yêu cầu minh bạch thông tin còn lỏng lẻo thì cũng dễ tiến hành những hoạt động "phù phép" số liệu hơn. Gần đây, một người bạn Trung Quốc của người viết đã kể chuyện một công ty của Trung Quốc là China Century Dragon Media bị Sở giao dịch NYSE Amex đề nghị hủy niêm yết trong tháng 3 năm nay (đã xin xem xét lại và vẫn bị "y án" hủy niêm yết vào đầu tháng 9 này) vì nhiều sai phạm trong công bố thông tin, trong đó có chuyện gian dối số liệu kế toán, trì hoãn công bố thông tin và che giấu thông tin, đến mức công ty chịu trách nhiệm kiểm toán cho DN này là MaloneBailey đã phải quyết định từ bỏ việc kiểm toán tại công ty này và rút lại ý kiến kiểm toán của mình. Điều này cũng đồng nghĩa báo cáo tài chính công bố trước đó của China Century Dragon Media bị nghi ngờ về độ tin cậy và khiến NYSE AMEX quyết định đề nghị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) cho hủy niêm yết China Century Dragon Media.  

Câu chuyện của công ty Trung Quốc không làm người viết bất ngờ vì việc nộp báo cáo trễ, số liệu kiểm toán lệch xa với số liệu chưa kiểm toán, thiếu rõ ràng trong các con số chi phí, lợi nhuận là chuyện không xa lạ gì trên TTCK xứ ta. Nó cũng không phải là chuyện chỉ có ở Trung Quốc hay Việt Nam mà Mỹ cũng có. Vấn đề là ở Việt Nam hiện nay là cần phải có một khuôn khổ xử lý có hệ thống và mạnh tay với các trường hợp vi phạm công bố thông tin, nóng nhất hiện nay là việc trì hoãn nộp báo cáo tài chính.

Thông thường, trong trường hợp DN niêm yết cần trì hoãn nộp báo cáo tài chính tại Mỹ thì công ty cần phải nộp một mẫu thông cáo nộp trễ báo cáo (Notification of Late Filing) cho SEC. Sau đó, tùy theo loại sở giao dịch mà công ty này niêm yết sẽ có phương thức xử lý khác nhau, nhưng nguyên tắc chung là tùy vào lý do nộp trễ và nỗ lực của công ty trong việc khắc phục để cho phép gia hạn thời gian nộp báo cáo, công bố vi phạm và tạm ngưng giao dịch hoặc đề nghị hủy niêm yết.

Dù là kết quả nào, trong quá trình đó, công ty này cũng sẽ nằm trong danh sách các công ty vi phạm (List of Non-compliant issues) được công bố hàng ngày trên các sở giao dịch. Như trường hợp của NYSE Amex, sở này sẽ xếp loại hành vi vi phạm vào một số nhóm như BC (dưới chuẩn được tiếp tục niêm yết - Below Continued Listing Standards) hay nhóm LF (nộp báo cáo trễ - Late Filing). Điều này vừa tạo áp lực cho công ty vi phạm phải cố gắng tiến hành các bước để xóa tên mình trên "danh sách đen", đồng thời là một bước cảnh báo công chúng đầu tư đối với các loại cổ phiếu đang trong tình trạng "báo động". Điều này cũng tạo một khung thời gian đủ cho nhà đầu tư có thể xem xét có muốn bán các cổ phiếu có vấn đề này hay không và tạo cho DN niêm yết sức ép phải giải trình hợp lý cho nhà đầu tư. Nếu DN không làm gì cả và vẫn "chây lì", thì Sở giao dịch có đủ lý do để có thể đề nghị hủy niêm yết các công ty như vậy.

Với những công ty không chịu nộp mẫu đơn báo trước sẽ nộp trễ báo cáo hoặc lý do không được chấp thuận thì hệ quả trước tiên là sẽ không thể thực hiện một số loại hoạt động phát hành cổ phiếu huy động vốn trong thời gian chờ đợi được xử lý. Như vậy, ít ra những loại công ty như vậy sẽ bị giới hạn trong chuyện vi phạm quyền lợi cổ đông hiện hữu và không làm tổn thất thêm cho cổ đông tiềm năng cho đến khi họ công bố thông tin đàng hoàng trở lại.

Một khuôn khổ xử lý mạnh tay và kịp thời với các công ty trì hoãn nộp báo cáo với những nguyên tắc như trên, thiết nghĩ cần được xem xét để lập lại trật tự trong việc chậm nộp báo cáo. Nó giống như việc muốn chữa căn bệnh trì hoãn nộp báo cáo này thì phải lập ra một phác đồ điều trị hiệu quả và có hệ thống rồi theo đó mà chữa trị, không phải là cứ bệnh tái phát thì uống vội một loại thuốc mạnh nào đó, tạm hết bệnh (hoặc phát hiện ra bệnh khác nguy hơn) thì… không uống thuốc nữa.  

 

Cần khuyến khích vai trò của các công cụ quan hệ cổ đông

Bên cạnh việc tăng mạnh áp lực chế tài bao gồm hạn chế huy động vốn, giới hạn giao dịch hoặc là hủy niêm yết các công ty nộp báo cáo trễ, cơ quan quản lý còn có thể hạn chế tác động của việc công bố thông tin chậm bằng cách khuyến khích các công ty niêm yết gia tăng sử dụng các công cụ quan hệ cổ đông làm một kênh công bố thông tin bổ trợ, chẳng hạn tăng cường việc tiếp xúc cổ đông qua các chương trình đối thoại dưới dạng các buổi hội thảo với công chúng đầu tư (conference call) như ở nước ngoài. Điều này giúp các cổ đông trực tiếp đối thoại và hiểu hơn về tình hình công ty.

Trong bối cảnh thị trường có nhiều nhà đầu tư nhỏ và không phải ai cũng có điều kiện trực tiếp đến trao đổi và hỏi thăm tình hình kinh doanh tại công ty, sử dụng các phương thức đối thoại như kiểu hội thảo với công chúng đầu tư và sử dụng công cụ thông tin trên mạng là một cách để tạo quan hệ với cổ đông và cũng giúp xử lý khủng hoảng trong trường hợp cần nộp trễ báo cáo, vì tình huống bất khả kháng thì cổ đông cũng đã chuẩn bị tâm lý rồi. Tất nhiên, sử dụng công cụ quan hệ cổ đông tốt thì ban lãnh đạo phải thành thật, không che giấu, nếu không, cũng dễ bị cổ đông "làm khó" trong những buổi đối thoại. Tuy nhiên, nếu biến hoạt động này trở thành một xu thế trên thị trường, những công ty tốt đều chịu làm tốt quan hệ cổ đông, chịu khó gặp mặt đối thoại với nhà đầu tư, thì tự nhiên sẽ có một sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm công ty với độ minh bạch khác nhau. Theo những nghiên cứu của nước ngoài, công ty có độ minh bạch cao hơn thì chi phí huy động vốn sẽ thấp hơn, nghĩa là đảm bảo cho các hoạt động thu hút vốn qua TTCK thành công hơn.

Tóm lại, trong bối cảnh hiện nay, TTCK đang cần một sự thay đổi lớn để làm lại diện mạo của mình, biến thị trường không phải là một sàn cổ phiếu - người ta đến đầu tư chỉ với mục tiêu "chơi cổ phiếu" giống như chơi đánh bạc, mà còn có chỗ cho dòng tiền "đầu tư cổ phiếu", đầu tư vào những công ty làm ăn tốt, thực sự nhắm đến giá trị lâu dài của công ty. Điều đầu tiên tất yếu là phải làm tốt "hàng rào về chất lượng thông tin", đảm bảo ai xé rào thì phải bị đẩy ra khỏi "ngôi nhà chất lượng cao" của thị trường để rớt sang nhóm "nhà chất lượng chưa cao" - dành riêng cho những người thích mạo hiểm. Có như vậy, người muốn đầu tư lâu dài vào thị trường mới có thể yên tâm và các quỹ đầu tư nhắm vào yếu tố ổn định và dài hạn mới có thể tồn tại ở Việt Nam.

Cái hàng rào chất lượng thông tin này không chỉ cần được xây dựng bởi ban quản lý dự án nhà chất lượng cao này là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch, mà còn nhờ vào vai trò tự thân vận động của hoạt động quan hệ công chúng của các công ty niêm yết. Và có lẽ đã đến lúc để các công ty niêm yết có vai trò cao hơn trong việc cùng tham gia quản lý ngôi nhà này, cử ra đại diện cùng tham gia soạn thảo và góp ý những chuẩn mực về công bố thông tin, quản trị công ty và quan hệ cổ đông với các Sở giao dịch, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau trong hoạt động công bố thông tin và phát hiện sai phạm để "làm sạch" ngôi nhà chất lượng cao.