Tín dụng phi sản xuất, cần làm rõ khái niệm

Tín dụng phi sản xuất, cần làm rõ khái niệm

(ĐTCK-online) Ngày 1/3/2011, NHNN ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN quy định, đến ngày 30/6, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 22% và đến ngày 31/12, tỷ trọng này tối đa là 16%, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN, đến ngày 31/5 còn khoảng 20 ngân hàng có tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất trên 22%, trong đó 2 ngân hàng có tỷ trọng này lên đến 50% và 52%.

Khi thời hạn 30/6 đang đến gần và nhiều khả năng mục tiêu hạ tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đối với một số ngân hàng không thực hiện được, thì vấn đề này nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là khi cho vay lĩnh vực chứng khoán và bất động sản (BĐS) được đánh đồng chung chung là cho vay lĩnh vực phi sản xuất.

Ở góc độ kinh tế và an sinh xã hội thì ngành BĐS phải được xem xét ở nhiều khía cạnh và chia thành nhiều loại, nghiệp vụ đầu tư khác nhau. Ví dụ, nếu xem nhà ở, chung cư, căn hộ dành cho người có thu nhập thấp... là một sản phẩm hàng hóa do DN làm ra, xây dựng nên, thì nó không thể gọi là phi sản xuất được và vốn dành cho nó cũng không thể gọi là vốn vào lĩnh vực phi sản xuất, vì nó đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân. Hơn thế, BĐS có đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP hàng năm của nền kinh tế và quan trọng hơn là nó đang chiếm dụng một nguồn vốn đáng kể, một lực lượng lao động lớn, một mắt xích quan trọng trong chuỗi tiêu thụ hàng hóa vật liệu xây dựng và các dịch vụ đi kèm. Thị trường BĐS không chỉ là ngành tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm và thúc đẩy các ngành sản xuất khác phát triển như vật liệu xây dựng, kiến trúc, nội thất.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, để xây dựng 1 m2 nhà ở phải cần từ 17 - 25 ngày công lao động, chưa kể lao động sản xuất ra các loại vật liệu xây dựng, trang trí nội thất và các sản phẩm, dịch vụ khác đi kèm. Mỗi một khối nhà chung cư khi đưa vào sử dụng sẽ tạo ra thêm trung bình 10 chỗ làm việc mới cho công tác quản lý vận hành nó. Đó là chưa kể một số ngân hàng như Ngân hàng Nhà Hà Nội (HabuBank), Ngân hàng Phát triển nhà TP. HCM (HDBank), Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL (MHB)… có đối tượng khách hàng cũng như sản phẩm cho vay chính là xây dựng nhà ở, các sản phẩm BĐS, các công ty phát triển nhà, công ty BĐS.

Do đó, cần xem ngành nghề BĐS cũng là một ngành sản xuất (trừ các dịch vụ liên quan như sàn giao dịch hay hoạt động đầu cơ gián tiếp chia lô bán nền, bán dự án).

Đối với lĩnh vực chứng khoán, được xem là lĩnh vực gián tiếp huy động vốn cho DN sản xuất. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, một trường hợp cụ thể nhất định thì nó lại mang nguồn vốn trực tiếp đến DN sản xuất. Ví dụ, một DN phát hành cổ phiếu, vốn huy động được sử dụng để trồng và chế biến cà phê xuất khẩu. Nếu cổ đông vay ngân hàng để nộp tiền mua cổ phiếu thì sẽ được ngân hàng tính là vay phi sản xuất và bị ngân hàng hạn chế cho vay, dù 100% tiền vay này sẽ được đầu tư trực tiếp vào việc trồng và chế biến cà phê để xuất khẩu, một lĩnh vực mà Chính phủ đang khuyến khích.

Với những lý do nêu trên, chủ trương siết chặt tín dụng phi sản xuất chung chung cho cả hai ngành BĐS và chứng khoán là chưa thỏa đáng, thậm chí có thể có tác dụng ngược, làm giá cả hàng hóa tiếp tục tăng cao, vì nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng hiện chiếm gần 10% trong rổ tính CPI hàng tháng của Tổng cục Thống kê. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nên có cơ chế nới lỏng tín dụng cho các DN làm ăn chân chính, có dự án minh bạch, khả thi, dự án phục vụ nhà ở cho số đông người tiêu dùng, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho số đông người lao động, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội như trong Nghị quyết 11 mà Chính phủ đã đề ra.