Tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - Bài 3: “Lọc” từ đầu vào để có được dự án tốt

0:00 / 0:00
0:00
Một bộ tiêu chí để lựa chọn các dự án FDI đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, với kỳ vọng sẽ có đủ công cụ kiểm soát và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.
Thế giới đã thay đổi quá nhiều buộc Việt Nam phải xây dựng chiến lược thu hút FDI trong tình hình mới. Trong ảnh: Nhà máy GTFV của nhà đầu tư Hồng Kông

Thế giới đã thay đổi quá nhiều buộc Việt Nam phải xây dựng chiến lược thu hút FDI trong tình hình mới. Trong ảnh: Nhà máy GTFV của nhà đầu tư Hồng Kông

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng thực tế là không phải dự án nào cũng đầu tư, kinh doanh hiệu quả và đóng góp tích cực cho kinh tế - xã hội Việt Nam. Bởi vậy, bài toán hiện nay là làm sao lựa chọn được dự án tốt và tối ưu hóa được lợi ích dòng vốn quý giá này.

Bài 3: “Lọc” từ đầu vào để có được dự án tốt

Một bộ tiêu chí để lựa chọn các dự án FDI đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, với kỳ vọng sẽ có đủ công cụ kiểm soát và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.

Hai dự án, hai số phận

Hơn một tháng trước, Dự án 1,32 tỷ USD của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) đã được Bình Dương trao chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án ngay lập tức được lấy làm ví dụ điển hình cho một xu hướng đầu tư mới - đầu tư xanh, trong bối cảnh các cam kết đưa phát thải ròng về ‘0’ vào năm 2050 đã được nhiều nước đưa ra, bao gồm Việt Nam, tại Hội nghị COP26.

Lý do rất dễ hiểu, bởi nhà máy ở Việt Nam chính là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của LEGO trên toàn cầu. Dự án này được chào đón không chỉ vì có quy mô lớn, mà hơn hết, đó là một dự án “xanh”, điều mà Việt Nam trông chờ lâu nay.

Trong khi đó, cách đây ít năm, Vĩnh Phúc thẳng tay từ chối dự án 300 triệu USD của Tập đoàn TAL. Đó là một khoản vốn không nhỏ, nhưng lý do Vĩnh Phúc từ chối, đó là dự án của TAL là trong lĩnh vực dệt nhuộm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

“Thực ra, chúng tôi không đặt ra các tiêu chí để nói ‘không’ với các dự án, mà từ nhiều năm trước, đã đưa ra các tiêu chí để lựa chọn đầu tư. Đó là dự án đó phải thân thiện với môi trường, mang hàm lượng công nghệ cao, suất đầu tư cao và giúp nâng cao mức sống của người dân”, ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết.

Lựa chọn dự án tốt, nên như báo cáo của Bộ Tài chính, các dự án FDI ở Vĩnh Phúc đã đạt hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tương tự, ở khu vực phía Bắc, Bắc Ninh là một trong những tỉnh đi đầu về thu hút FDI trong những năm gần đây. Các dự án quy mô lớn như Samsung, Canon, Goertek... không chỉ giúp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mà còn đưa Bắc Ninh trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu...

“Thời gian qua, chúng tôi đã kiên định thực hiện tiêu chí ‘hai ít, ba cao’ trong thu hút đầu tư. Hai ít là sử dụng ít lao động và đất đai; ba cao là suất vốn đầu tư cao, hiệu quả kinh tế cao và công nghệ cao”, ông Nguyễn Quang Thành, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Ninh nói.

Tất nhiên, cùng với việc đưa ra các tiêu chí này, để thu hút đầu tư, Bắc Ninh còn thực hiện cả 5 sẵn sàng, đặc biệt là sẵn sàng về mặt bằng, nhân lực, cũng như luôn hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư.

Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu từ nhiều năm nay cũng đã tuân thủ chặt chẽ các tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư mà mình đặt ra. Là một tỉnh có lợi thế về phát triển du lịch, Bà Rịa - Vũng Tàu càng coi trọng hơn các yếu tố về môi trường và từng từ chối dự án có quy mô vốn tới 1 tỷ USD chỉ vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường.

“Các cơ quan chức năng của tỉnh đã thể hiện quyết tâm cao trong việc đổi mới chính sách về FDI. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả các dự án nâng lên rõ rệt, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh và giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động”, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.

Rất nhiều địa phương đã chủ động đặt ra tiêu chí để lựa chọn dự án FDI như vậy và điều đó đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy vậy, việc thiếu vắng một “bộ lọc” mang tính chất định lượng, cụ thể, áp dụng chung trong cả nước khiến cho chất lượng dòng vốn FDI chưa được như kỳ vọng.

Việc lựa chọn được dự án có vốn đầu tư nước ngoài tốt tất yếu sẽ mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Việc lựa chọn được dự án có vốn đầu tư nước ngoài tốt tất yếu sẽ mang lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Xây bộ lọc chuẩn để đón dự án chất lượng

Chuyện có hơn 16.000 doanh nghiệp FDI có số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, tính đến hết năm 2020, theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thấy chất lượng vốn FDI vào Việt Nam chưa như kỳ vọng.

Trong báo cáo trình Chính phủ về việc cần thiết xây dựng bộ tiêu chí để thu hút FDI có chọn lọc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn chỉ ra một loạt hạn chế khác. Một trong số đó chính là hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1 ha đất sử dụng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo chỉ đạt bình quân 3,7 triệu USD/ha.

Chưa kể, công nghệ sử dụng tại doanh nghiệp FDI được đánh giá là không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước, thậm chí vẫn tồn tại một tỷ lệ khá lớn (15%) là công nghệ thấp, lạc hậu, còn phần lớn (80%) là công nghệ trung bình... Việc chuyển giao công nghệ còn hạn chế, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước cũng vậy, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao.

Thậm chí, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một số trường hợp, việc thu hút FDI còn chưa cân nhắc đầy đủ, toàn diện các yếu tố liên quan tới quốc phòng, an ninh. Hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho điều hành, quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.

Từ thực tế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 7 tiêu chí thu hút FDI có chọn lọc. Hầu hết các tiêu chí đã được thể chế hóa trong các chính sách pháp luật của nhà nước và giờ được xếp chung “một rổ”, để trở thành bộ lọc các dự án FDI cho Việt Nam.

“Lựa chọn dự án và địa điểm đầu tư có hiệu quả kinh tế là quyền của nhà đầu tư. Quyết định chọn nhà đầu tư thực hiện dự án FDI có hiệu quả kinh tế - xã hội là quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Khi lợi ích của hai bên gặp nhau, hài hòa với nhau thì dự án FDI được chấp thuận và tiến hành thuận lợi”, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI đã nói vậy về quyền lựa chọn dự án FDI của Việt Nam, sự cần thiết phải xây dựng tiêu chí lựa chọn cũng như tiêu chí đánh giá hiệu quả của dự án FDI.

Lấy ví dụ về tiêu chí suất đầu tư, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho biết, đấy là một tiêu chí quan trọng, song nhiều địa phương lại chưa quan tâm đúng mức đến hiệu quả kinh tế trên 1 ha đất, nên đã cấp quá nhiều diện tích cho những dự án quy mô nhỏ và trung bình. Thậm chí, không hiếm các dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư nhưng chỉ với mục đích “xí” đất, nên cả chục năm trôi qua, đất đai vẫn bỏ hoang, lãng phí vô cùng.

Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhiều lần nhấn mạnh điều này. Ông luôn khuyến nghị lãnh đạo các địa phương phải thận trọng trong việc cấp đất cho các dự án bởi đây là nguồn lực có hạn. “Nếu cấp quá nhiều thì sau này không còn đất cho các dự án tốt, chúng ta sẽ mất đi nhiều cơ hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đánh giá cao việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các tiêu chí để chọn lọc dự án FDI, bởi nó phù hợp với định hướng chủ động thu hút và hợp tác FDI có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm trọng, song ông Nguyễn Đình Nam, nhà sáng lập và CEO IPA Việt Nam cho rằng, việc áp dụng các tiêu chí cần linh hoạt, nếu khắt khe và máy móc, thì có thể sẽ gây cản trở để tình hình thu hút FDI vào Việt Nam.

Trên thực tế, không chỉ Việt Nam, mà nhiều quốc gia, như Malaysia, Thái Lan, Singapore... đều có bộ lọc FDI.

Thời cơ cho sự thay đổi

“Nếu Việt Nam muốn thu hút vốn FDI chất lượng cao, mang lại nhiều giá trị gia tăng, thì cần chú ý đến các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị”, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen nói.

Theo Đại sứ, Việt Nam cũng cần quan tâm đến các dự án xanh, ít phát thải khí nhà kính. Nhưng điều quan trọng là, để thu hút bất kỳ khoản đầu tư nào, cần phải thiết lập một chính sách rõ ràng, dài hạn và một khuôn khổ pháp lý với tính dự đoán cao, để các nhà đầu tư có thể dễ dàng hoạch định kế hoạch và đưa ra các cam kết.

Đại diện EuroCham, khi trao đổi với Báo Đầu tư, cũng nhấn mạnh các vấn đề sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính mà Việt Nam cần thực hiện. Đó chính là xu hướng đầu tư trong tương lai.

Thế giới đã thay đổi quá nhiều, đặc biệt kể từ sau khi Covid-19 xảy ra. Điều này buộc Việt Nam phải thay đổi và xây dựng chiến lược thu hút FDI trong tình hình mới. Dự thảo Đề án Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đang được hoàn thiện, trình Chính phủ và chắc chắn, những định hướng quan trọng sẽ thống nhất với bộ 7 tiêu chí thu hút FDI chọn lọc và bộ 26 tiêu chí đánh giá chất lượng dự án FDI, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ.

Đây không chỉ là cơ sở để “lọc” dự án từ đầu vào, mà còn để đánh giá dự án ở “đầu ra”, cũng là cơ sở để xây dựng chính sách thu hút FDI trong tình hình mới, bao gồm cả vấn đề ưu đãi đầu tư. Không còn ưu đãi cào bằng như trước, các chính sách ưu đãi đầu tư hiện đều được thiết kế dựa trên các tiêu chí về công nghệ, về tính kết nối và tác động lan tỏa... Quan trọng hơn, dù cam kết ưu đãi được cơ quan nhà nước đưa ra, nhưng “hậu kiểm”, nếu không đạt, nhà đầu tư có thể bị từ chối cho hưởng ưu đãi.

Ở góc độ khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để cải thiện chất lượng dòng vốn FDI, cần làm tốt cả công tác định hướng thu hút đầu tư theo địa bàn và theo cả đối tác đầu tư.

Một thông tin thú vị trong báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình tài chính năm 2020 của các doanh nghiệp FDI. Đó là, nhóm doanh nghiệp đến từ châu Âu có chỉ số ROE (tỷ suất lợi tức trên vốn chủ sở hữu) ở mức cao. Nhóm các nhà đầu tư châu Á có đầu tư lớn vào Việt Nam, như Hàn Quốc, Nhật Bản, có khả năng sinh lời thấp hơn so với khu vực châu Âu, nhưng cũng ở mức hợp lý. Trong khi đó, chỉ số này ở các doanh nghiệp đến từ Hồng Kông, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, British West Indies... có khả năng sinh lời thấp.

Rõ ràng, có rất nhiều điều cần quan tâm, để làm sao tối ưu hóa được lợi ích dòng vốn FDI. Đề án Chiến lược Hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đang được hoàn thiện và sẽ mang tới thời cơ cho sự thay đổi trong hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam.

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tiêu chí trên được xây dựng dựa trên cơ sở: năng lực nội tại của nền kinh tế; quan điểm, định hướng thu hút FDI của Việt Nam là lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, tác động lan tỏa và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo phù hợp với phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên; có tính khả thi, tính thống nhất, tính định lượng, tính cụ thể cho các cơ quan quản lý nhà nước có thể xem xét, đánh giá trong quá trình thẩm định các dự án FDI.

Tin bài liên quan