Tín hiệu thuận cho đề xuất đầu tư sân bay tại Ninh Bình

0:00 / 0:00
0:00
Khả năng hình thành một cảng hàng không, thậm chí là cảng hàng không quốc tế theo phương thức đối tác công - tư (PPP) tại tỉnh Ninh Bình hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Vị trí dự kiến xây dựng sân bay Ninh Bình là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (trước sáp nhập) hoặc địa điểm khác do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất (Ảnh: AI)

Vị trí dự kiến xây dựng sân bay Ninh Bình là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (trước sáp nhập) hoặc địa điểm khác do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất (Ảnh: AI)

Sớm chốt vị trí tiềm năng

Tròn hai tuần sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, cuối tuần trước, Bộ Xây dựng đã có Công văn số 6227/VPCP-CN gửi Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về đề xuất xây dựng cảng hàng không quốc tế và các cầu bắc qua sông Đáy, sông Hoàng Long nối liền trung tâm Ninh Bình với Nam Định và Phủ Lý, Hà Nam.

Trước đó, tại Công văn số 5675/VPCP-CN ngày 23/6/2025, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh) và các cơ quan liên quan nghiên cứu kiến nghị của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường về đề xuất xây dựng cảng hàng không quốc tế và các cầu bắc qua sông Đáy, sông Hoàng Long nối liền trung tâm Ninh Bình với Nam Định và Phủ Lý, Hà Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản trong tháng 6/2025.

Tại Công văn số 6227/VPCP-CN, Bộ Xây dựng cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh đã mở ra hướng phát triển mới, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và dịch vụ vận tải, nên nhu cầu quy hoạch và đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là chính đáng.

Theo thống kê, Ninh Bình sau khi sắp xếp đơn vị hành chính là địa phương có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không với quy mô dân số trên 4,4 triệu người, đứng thứ 6/34 tỉnh, thành phố; quy mô nền kinh tế đứng thứ 11/34 tỉnh, thành phố; lượng khách du lịch trong và ngoài nước 6 tháng đầu năm 2025 gần 14 triệu lượt.

“Do vậy, Bộ Xây dựng ủng hộ chủ trương nghiên cứu, bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới tại tỉnh Ninh Bình sau khi sáp nhập”, Công văn số 6227/VPCP-CN do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn nêu.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, Quy hoạch hệ thống cảng hàng không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 đã xác định 12 vị trí cảng hàng không tiềm năng. Đây là các vị trí đã được nghiên cứu, đánh giá sơ bộ các yếu tố kỹ thuật để hình thành cảng hàng không.

Trong đó, 3/12 vị trí đã được các địa phương phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không (Gia Bình - Bắc Ninh, Măng Đen - Kon Tum, Vân Phong - Khánh Hòa) và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung trong Quy hoạch hệ thống cảng hàng không. Nội dung các đề án đã đánh giá kỹ lưỡng các tiêu chí hình thành cảng hàng không, bảo đảm tính khả thi để bổ sung quy hoạch và làm cơ sở nghiên cứu đầu tư.

Theo Bộ Xây dựng, tại khu vực tỉnh Ninh Bình (sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh), Quy hoạch hệ thống cảng hàng không chưa xác định vị trí tiềm năng quy hoạch cảng hàng không. Vì vậy, để bảo đảm đầy đủ cơ sở bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức lập Đề án nghiên cứu khả năng hình thành cảng hàng không tại Ninh Bình gửi Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng quyết định việc bổ sung quy hoạch theo hướng dẫn tại Quyết định số 648/QĐ-TTg.

Trong quá trình triển khai, Bộ Xây dựng sẽ thành lập Tổ công tác chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ UBND tỉnh Ninh Bình và tư vấn lập, trình duyệt Đề án bảo đảm chất lượng, tiến độ. UBND tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Doanh nghiệp Xuân Trường kiểm tra, rà soát các dự án đã và đang triển khai để tránh trùng lắp và chồng lấn, có tính đến phương án kết nối hạ tầng hợp lý để triển khai dự án tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, tạo đột phá về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định, bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030 là yếu tố dẫn tới thay đổi về nhu cầu, thị phần vận tải. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ chủ động triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng hàng không để phù hợp với tình hình mới.

Bên cạnh đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi toàn diện Luật Quy hoạch, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thời gian tới. “Do vậy, cùng với kết quả nghiên cứu tại Đề án do UBND tỉnh Ninh Bình lập, Bộ Xây dựng sẽ triển khai thủ tục điều chỉnh Quy hoạch hệ thống cảng hàng không theo quy định của pháp luật về quy hoạch để bổ sung cảng hàng không tại Ninh Bình”, lãnh đạo Bộ Xây dựng thông tin.

Sẽ rà soát, điều chỉnh quy hoạch các sân bay

Ngoài các cảng hàng không nằm trong quy hoạch, Quyết định số 648/QĐ-TTg đã mở cho các địa phương, trong đó có Ninh Bình, được bổ sung vào quy hoạch các cảng hàng không, sân bay mới. Cụ thể, điểm c, khoản 1, mục II, Điều 1 của quyết định này xác định: Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch thành cảng hàng không đối với một số sân bay phục vụ quốc phòng, an ninh; một số vị trí quan trọng về khẩn nguy, cứu trợ, có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ và các vị trí khác có thể xây dựng, khai thác cảng hàng không; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch khi đủ điều kiện, trong đó đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu, yêu cầu kỹ thuật, nguồn lực đầu tư và các tác động liên quan

Điểm c, khoản 3, Điều 2 của Quyết định số 648/QĐ-TTg quy định: UBND các tỉnh nêu tại điểm c, khoản 1, mục II, Điều 1 tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không, trong đó đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan, huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức PPP, gửi Bộ Giao thông - Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.

Trước đó, trong Công văn số 1100/UBND-VP4 gửi Bộ Xây dựng ngày 30/6/2025, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của Doanh nghiệp Xuân Trường và đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, báo cáo Thủ tướng cho phép bổ sung sân bay quốc tế tại tỉnh Ninh Bình (mới) vào Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đầu tư thực hiện trong giai đoạn tới.

Vị trí dự kiến xây dựng sân bay Ninh Bình là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định (trước sáp nhập) hoặc địa điểm khác do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất. “Hiện khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng vẫn là ‘vùng trũng’ về hạ tầng logistics, chưa có sân bay và cảng nước sâu. Với các cơ hội mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh Ninh Bình - Nam Định - Hà Nam, sẽ mở ra hướng phát triển mới, với tầm nhìn hướng biển, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và dịch vụ vận tải nhằm phát huy mạnh mẽ các tiềm năng, lợi thế”, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đánh giá.

Được biết, đầu tháng 7/2025, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 68/TTr-BXD đề nghị Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ Xây dựng, ngành hàng không nói chung và kết cấu hạ tầng hàng không nói riêng có tính đặc thù cao và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bộ phận quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, được quy hoạch theo hướng đồng bộ, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới.

Quan điểm phát triển đối với việc điều chỉnh Quy hoạch Tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là phải có tính động và mở, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền; gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng trời; hỗ trợ hiệu quả công tác khẩn nguy cứu trợ; kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác.

“Với việc nâng cấp mở rộng các cảng hàng không hiện hữu hoặc phát triển các sân bay mới, cần huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp”, Tờ trình số 68/TTr-BXD của Bộ Xây dựng nêu rõ.

Những đề xuất nổi bật của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường

Đầu tháng 6/2025, ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có Tờ trình số 225/TTr-NDXT gửi Tổng Bí thư Tô Lâm đề xuất xây dựng sân bay quốc tế và xây dựng 9 cây cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long, nối liền trung tâm Ninh Bình với Nam Định và Hà Nam. Cụ thể, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đề xuất được đầu tư và kêu gọi đầu tư 1 sân bay quốc tế tại khu vực huyện Ý Yên (Nam Định) hoặc địa điểm do Bộ Xây dựng khảo sát và đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Trường cho biết, tỉnh Ninh Bình hợp nhất là trung tâm văn hóa và du lịch của Việt Nam trong tương lai. Hiện tại, lượng khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Ninh Bình trong năm 2024 là 12 triệu lượt khách, phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 20 triệu lượt khách/năm, nên có nhu cầu đầu tư sân bay trên địa bàn. Nguồn vốn đầu tư sân bay quốc tế tại Ninh Bình là vốn ngân sách tỉnh Ninh Bình mới và vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, không sử dụng vốn ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường còn đề xuất cùng với tỉnh Ninh Bình mới xây dựng 2 trục đường chính từ Di sản Tràng An, Bái Đính (trung tâm Ninh Bình đến Nam Định và Phủ Lý, Hà Nam) với 8 làn xe và xây dựng 9 cây cầu bắc qua sông Đáy và sông Hoàng Long, để thực hiện ý tưởng Ninh Bình trở thành trung tâm văn hóa, du lịch của cả nước.

Thời gian thi công của 2 trục đường là không quá 12 tháng sẽ hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng.

Tin bài liên quan