Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhiều cổ phiếu đã bay hơn 90% giá trị từ đỉnh

Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Nhiều cổ phiếu đã bay hơn 90% giá trị từ đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuỗi ngày u ám trên thị trường chưa kết thúc với nhiều nhóm ngành đua nhau lao dốc trong tuần qua như thép, bất động sản, công ty chứng khoán, hóa chất và đáng chú ý, tính tới thời điểm này, một số cổ phiếu từng là những "đứa con cưng" của nhà đầu tư như DIG, L14, YEG đã bị bào mòn hơn 90% giá trị.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 42,62 điểm (-4,27%), xuống 954,53 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm nhẹ 0,6% so với tuần trước xuống 52.702 tỷ đồng, nhưng khối lượng tăng 10,1% lên 3.110 triệu cổ phiếu.

HNX-Index giảm 14,75 điểm (-7,21%), xuống 189,81 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 15,1% so với tuần trước lên 4.534 tỷ đồng, khối lượng tăng 12,6% lên 315 triệu cổ phiếu.

Tuần qua, nhiều nhóm cổ phiếu giảm rất mạnh, trong đó, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng là tâm điểm xả hàng với NVL (-30,1%), PDR (-30,1%), DIG (-29,8%), CTD (-26,3%), HBC (-25,5%), FCN (-25,05%), QCG (-24,7%), NHA (-23,8%), DXG (-22,1%), HPX (-21,9%), các cổ phiếu CII, TDH, HUB, HHV, PTC, LGL, SCR, ITC giảm từ 18% đến hơn 21%.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu cũng giảm sâu, với các cổ phiếu thép với HPG (-16%), HSG (-27%), NKG (-29,9%), TLH (-14,3%), SMC (-11,1%). Các cổ phiếu hóa chất cũng giảm rất mạnh với các mã tiêu biểu như DGC (- 13,5%), DPM (-2,7%), DCM (-2,4%) ...

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán lao dốc với với SSI (- 8,1%), VCI (-18,6%), VND (-12,5%), HCM (-14,7%), VIX (- 13,1%) ...

Trên sàn HOSE, phản ảnh mức độ tiêu cực của thị trường, khi có đến 9 trên 10 cổ phiếu tăng tốt nhất sàn cũng chỉ nhích vỏn vẹn từ hơn 5% đến hơn 8%.

Riêng cổ phiếu SVI tăng vọt hơn 23%, tuy nhiên, cổ phiếu này giao dịch thưa thớt trong các phiên với khối lượng khớp lệnh chỉ vài trăm đơn vị.

Ở chiều ngược lại, cặp đôi bluechip ngành bất động sản là NVL và PDR góp mặt. Trong đó, cổ phiếu PDR ghi nhận chuỗi 18 phiên giảm liên tiếp từ 19/10 đến 11/11, với 6 phiên gần nhất giảm sàn.

Đối với NVL, cổ phiếu này cũng đang trải qua những ngày giao dịch đáng quên, khi 7 phiên gần nhất đều giảm sàn.

Đáng chú ý là lượng cổ phiếu dư bán giá sàn của PDR và NVL trong phiên cuối tuần đã ở mức kỷ lục với lần lượt 55,1 triệu và 58 triệu đơn vị.

Một cổ phiếu khác cũng chao đảo mạnh và bào mòn tài khoản của nhà đầu tư là DIG với 6 phiên gần nhất đều giảm sàn. Tính từ mức giá đỉnh gần 100.000 đồng/cổ phiếu (đã điều chỉnh), cổ phiếu này đã giảm gần 90% cho đến nay.

Thông tin đáng chú ý liên quan đến DIG là vào ngày cuối tuần 11/11, DIG đã thông báo việc mua lại 1.600 trái phiếu trước hạn với tổng mệnh giá 1.600 tỷ đồng.

Trong tuần còn xuất hiện những cái tên khác ở nhóm bất động sản, xây dựng là TDC và TCD, trong khi nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán có FTS, thép có NKG và thủy sản là ANV và GIL.

Trong khi đó, giảm mạnh nhất sàn là YEG, với 6 phiên gần nhất đều bị bán tháo và giảm sàn. Cổ phiếu này có lẽ là mã giảm với tốc độ thuộc top nhanh và sâu nhất thị trường cho tới nay từ mức đỉnh.

Theo đó, tính từ mức đỉnh từ những ngày đầu lên sàn vào cuối tháng 6/2018 khoảng 343.000 đồng, thì cổ phiếu YEG đã để mất tới gần 98% giá trị cho đến nay.

Trên sàn HNX, trong số những cổ phiếu tăng, giảm mạnh nhất nổi lên L14, khi 5 trên 6 phiên gần đây đều đóng cửa ở mức giá sàn và cổ phiếu này đã về đáy trong hơn 2 năm tại quanh mức 22.000 đồng.

Thêm vào đó, nếu tính từ đỉnh lịch sử ở mức khó tin tại hơn 350.000 đồng (đã điều chỉnh) thiết lập vào cuối tháng 1/2022, thì cổ phiếu L14 đã bị thổi bay hơn 93% giá trị cho đến phiên cuối tuần này.

Trên UpCoM, cổ phiếu đáng chú ý là SIP, khi có khối lượng giao dịch tương đối cao trong các phiên, với trên dưới 200.000 đơn vị khớp lệnh/phiên.

Cổ phiếu SIP đã 16 phiên liên tiếp gần nhất đều giảm điểm, trong đó hai phiên gần nhất đóng cửa ở mức giá sàn.

Tuần này, UpCoM chào đón tân binh CMM của CTCP Camimex với gần 57 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, giá tham chiếu 13.900 đồng trong phiên đầu tiên ngày 08/11.

Dù vậy, cổ phiếu này có màn ra mắt không được như ý, khi ngay lập tức giảm sàn -39,6% và giảm tiếp 13,1% trong phiên tiếp theo. Hai phiên còn lại, CMM đứng tham chiếu và giảm nhẹ 1,3%.

Tin bài liên quan