TP.HCM muốn dùng ngân sách đầu tư start-up ngay từ khâu "ươm mầm"

0:00 / 0:00
0:00
UBND TP.HCM đề nghị ngân sách hỗ trợ tối đa tới 400 triệu đồng/dự án ươm mầm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

UBND TP.HCM vừa có tờ trình đề nghị HĐND Thành phố xây dựng Nghị quyết quy định mức hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.

Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM được đánh giá là năng động nhất trong cả nước với gần 2.000 start-up (65% tập trung ở lĩnh vực công nghệ thông tin) hơn 43 cơ sở ươm tạo, tăng tốc, gần 200 quỹ đầu tư mạo hiểm, 500 sự kiện về đổi mới sáng tạo mỗi năm và gần 100 trường đại học, cao đẳng có hoạt động đổi mới sáng tạo. Mỗi năm TP.HCM có hơn 50 cuộc thi về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo thu hút hơn 2.000 dự án đăng ký tham gia và lựa chọn được hơn 300 dự án để ươm tạo.

Vì vậy, năm 2022, cùng với Hà Nội, TP.HCM nằm trong top 200 hệ sinh thái năng động nhất toàn cầu (ở vị trí 111 tăng 68 bậc so với năm 2021).

Trong quá trình phát triển, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) cần trải qua rất nhiều giai đoạn, gồm: Ý tưởng - giai đoạn nghiên cứu và phát triển - tiền ươm tạo - ươm tạo - tăng tốc - phát triển và tăng trưởng, nhân rộng mô hình.

Trong đó ở các giai đoạn nghiên cứu và phát triển - tiền ươm tạo - ươm tạo là giai đoạn vô cùng quan trọng để tạo ra nguồn dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và là đầu vào cho các chương trình của các tổ chức hỗ trợ tư nhân, là nhóm đối tượng tiềm năng để phát triển thành start-up.

Nhưng theo quy định hiện hành, đối tượng được ngân sách hỗ trợ chủ yếu là các start-up. Nhưng thực tiễn, số lượng doanh nghiệp đạt các yêu cầu trên rất ít.

Các chính sách nhà nước đối với start-up khoa học và công nghệ hiện nay thì đang tập trung chủ yếu cho giai đoạn hoạt động nghiên cứu phát triển, các giai đoạn còn lại như tiền ươm tạo, ươm tạo và tăng tốc chưa được cụ thể và đầy đủ so với thực tiễn phát triển của các start-up tại TP.HCM.

Còn nguồn vốn tư nhân thì cũng không rót vào giai đoạn nghiên cứu và phát triển - tiền ươm tạo - ươm tạo mà chủ yếu giai đoạn start-up, do e ngại rủi ro quá lớn.

Thực tế TP.HCM có tới 99% start-up có thành tích xuất sắc, đạt thứ hạng cao tại cuộc thi khởi nghiệp đã có sản phẩm hoàn thiện, mô hình kinh doanh phù hợp và được thị trường chấp nhận, các nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng đầu tư, hầu hết không cần sự hỗ trợ của nhà nước.

Vì vậy, UBND TP.HCM đề xuất HĐND chấp thuận hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố cho chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo, với mức không quá 40 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng/dự án đối với dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn tiền ươm tạo; không quá 80 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án ở giai đoạn ươm tạo; không quá 400 triệu đồng/dự án và thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng/dự án ở giai đoạn tăng tốc.

Đối tượng được hỗ trợ là cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp có dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố; Tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.

Việc hỗ trợ ưu tiên các lĩnh vực như thương mại điện tử; công nghệ tài chính; logistic; công nghệ giáo dục; y tế và chăm sóc sức khỏe; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển bền vững; chuyển đổi số; an ninh mạng.

Dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo được chọn lựa phải theo các tiêu chí như: Tính sáng tạo; năng lực tổ chức thực hiện; hiệu quả kinh tế hoặc tác động xã hội; thị trường tiềm năng; ứng dụng công nghệ.

Tin bài liên quan