Chung cư Trúc Giang đang đứng trước nguy cơ “chờ sập”

Chung cư Trúc Giang đang đứng trước nguy cơ “chờ sập”

TP.HCM: Sống bất an tại chung cư cũ

(ĐTCK) Được ví như những “ngọn đèn treo trước gió”, hàng trăm hộ dân sống tại các chung cư cũ trước năm 1975 đều cảm thấy bất an bởi sự xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ kết cấu của các chung cư đều biến dạng.

Tại các quận trung tâm của TP.HCM, bên cạnh những tòa nhà chọc trời, những chung cư mới được xây dựng khang trang, người đi đường rất dễ bắt gặp những khu nhà chung cư cũ nát, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân cũng như cảnh quan đô thị.

Các cư dân sống nơi đây vẫn đang hy vọng vào dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ để có được cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, ngày qua ngày, các cư dân vẫn cứ phải sống chung với những căn phòng xập xệ, cũ nát và ô nhiễm.

Những chung cư “ổ chuột”

Báo cáo mới đây của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, hiện toàn Thành phố có hơn 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, trong đó có 15 chung cư cấp D (xuống cấp nghiêm trọng), không đáp ứng khả năng chịu lực để sử dụng bình thường.

iều đáng lo ngại là 5 chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, cần phải di dời, phá dỡ khẩn cấp để bảo đảm an toàn cho người dân. Đó là khu chung cư Vĩnh Hội, chung cư Trúc Giang (quận 4), chung cư 756 Bến Bình Đông (quận 8), Cư xá Thanh Đa (Bình Thạnh)...

Ngoài nỗi lo về sự xuống cấp, các cư dân ở chung cư Vĩnh Hội còn đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường 

Tiếp phóng viên tại căn hộ cũ nát tại khu chung cư Vĩnh Hội, bà Mai Thị Thúy (80 tuổi) cho biết, gia đình bà ở đây từ lúc chung cư mới được xây xong, căn hộ cũng đã che nắng, che mưa cho 3 thế hệ gia đình.

“Hiện chung cư đã xuống cấp, nhưng vì không có tiền nên muốn chuyển cũng không chuyển được, biết là nguy hiểm nhưng chấp nhận sống qua ngày”, bà Thúy nói và cho biết thêm, vừa rồi UBND quận 4 có thông báo đến cuối tháng 3 sẽ tổ chức họp dân để bàn phương án đền bù, di dời người dân, nhưng đã qua đến tháng 4 vẫn chưa thấy rục rịch gì.

Nằm ở vị trí đắc địa ở quận 4, ngoài việc đối mặt với sự xuống cấp nghiêm trọng của chung cư, những cư dân sống ở đây lại có nỗi khổ khá đặc trưng. Khuôn viên của chung cư là chợ dân sinh nên nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân phải luôn sống chung với ô nhiễm.

 Tình trạng đấu nối các đường dây điện rất dễ xảy ra tình trạng cháy, nỗ tại chung cư

“Ngay tại tầng một chung cư, người ta thuê làm cửa hàng bán thực phẩm tươi sống như gà, vịt, thịt lợn, thịt bò, hải sản... Nhiều loại rau củ bị chất đống ở dưới, vào ngày nắng mùi hôi bốc lên hôi thối, cộng với ruồi muỗi, làm cho môi trường sống của cư dân quanh chợ ngột ngạt và ô nhiễm nặng”, một cư dân cho biết.

Ngoài ra, theo quan sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, toàn bộ chung cư xây trước năm 1975 đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, sau này một số block được lắp đặt bổ sung hệ thống chữa cháy vách tường nhưng nhiều trường hợp không còn hoạt động. Ngoài ra, hiện tượng tự ý cơi nới ban công, đấu nối các đường dây điện khiến nguy hiểm luôn rình rập xung quanh.

Rời Vĩnh Hội, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tìm đến chung cư Trúc Giang (phường 13, quận 4). Chung cư này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng từ hơn 10 năm trước, nhiều lớp bê tông đã rơi ra ngoài, để lộ nhưng khung sắt gỉ sét khiến ai nhìn vào cũng cảm thấy rùng mình.

Tình trạng xuống cấp này biến các chung cư cũ thành khu “ổ chuột” 

Chị Hương, một cư dân ở đây cho biết: “Việc từng mảng bê tông rơi xuống là điều quen thuộc với hầu hết các cư dân ở đây. Cách đây mấy tháng, khi tôi đang đứng chơi với mấy người hàng xóm, một mảng bê tông lớn rơi xuống nhưng may mắn không trúng vào ai”.

Cũng theo chị Hương, việc di dời đi nơi khác chắc còn lâu lắm, bởi cư dân đã nhiều lần mừng hụt vì có nhà đầu tư quan tâm đến việc xây mới chung cư và tái định cư tại chỗ cho cư dân. Thế nhưng, sau lần họp dân hồi tháng 1 vừa qua, theo phương án của nhà đầu tư, nếu người dân đồng ý bố trí tái định cư tại chỗ, tỷ lệ quy đổi là 1 m2 nhà cũ sẽ bằng 1,1 m2 nhà mới xây, nếu chủ nhà không muốn tái định cư tại chỗ thì bán cho chủ đầu tư giá 27,5 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, theo chị Hương, so với mặt bằng giá chung ở khu vực thì mức giá bán cho chủ đầu tư vẫn chưa hợp lý, bởi hiện một số chung cư ở quận 4 đã có mức giá từ 50 - 60 triệu đồng/m2.

“Như vậy là bất công cho nhiều cư dân quá. Vì vậy, chúng tôi mong chính quyền, nhà đầu tư có chính sách hỗ trợ cư dân bằng mức giá ưu đãi để cư dân có thể an cư tại chính chung cư cũ của mình", chị Hương nói.

Vẫn chậm di dời

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những chung cư xuống cấp không đảm bảo được điều kiện sống cho dân cư, bởi kiến trúc cũ kỹ và lạc hậu, việc duy tu, bảo dưỡng hàng năm không được quan tâm đầu tư, cộng với chung cư nào cũng có “tuổi thọ” vài chục năm. Thêm vào đó, công trình phụ không khép kín. Nhà ở một nơi, tiện ích nằm một nẻo, rất bất tiện trong sinh hoạt.

Thực tế, việc cải tạo, sửa chữa và xây dựng chung cư cũ trước năm 1975 đã được TP.HCM xem là một trong 7 chương trình đột phá của TP.HCM, được thông qua tại Đại hội Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2016 - 2020. Theo đó, Thành phố phấn đấu đến năm 2020, nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo và xây mới phải đạt ít nhất 50% trong tổng số 474 chung cư cũ.

Những thanh trụ chịu lực nay đã bong tróc, để lộ những thanh sắt gỉ sét 

Trước yêu cầu cấp bách phải thực hiện nhanh quá trình cải tạo và xây mới chung cư cũ, UBND TP.HCM đã ủy quyền, phân công cho UBND các quận/huyện thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến thủ tục đầu tư cải tạo, sửa chữa chung cư cũ và xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ trên địa bàn. Cụ thể, các UBND quận/huyện chịu trách nhiệm kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực, kiểm định; sửa chữa, cải tạo chung cư, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu hỗn hợp. Đôn đốc các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được Sở Xây dựng phân bổ trong năm.

Tuy nhiên, dường như cơ quan chức năng các quận/huyện và Thành phố vẫn ì ạch triển khai. Nhiều chung cư đến nay vẫn chưa tổ chức họp dân, chưa tìm được chủ đầu tư triển khai dự án, mặc dù hiện nay, rất nhiều chung cư cũ được đánh giá là nằm ở vị trí “vàng”. Điều này được chứng minh bởi trong suốt 10 năm qua Thành phố chỉ mới tháo dỡ được 32 chung cư cũ, trong khi đó, chỉ còn 9 tháng nữa là phải hoàn thành mục tiêu đề ra.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu giải quyết 50% chung cư cũ trước năm 1975 của UBND TP.HCM là khó khả thi. Bởi nhiều doanh nghiệp không mấy mặn do chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, thêm vào đó là sự ì ạch trong việc thực hiện của các cơ quan có trách nhiệm.

Trong khi đó, hàng loạt những chung cư cấp D vẫn đang còn xếp hàng dài chờ sửa chữa và danh sách chung cư xuống cấp nặng nề ngày một dài thêm.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan