Sân golf sân bay Tân Sơn Nhất được đề xuất loại bỏ. Ảnh: Gia Huy

Sân golf sân bay Tân Sơn Nhất được đề xuất loại bỏ. Ảnh: Gia Huy

TP.HCM xóa sổ và thu hẹp nhiều dự án sân golf

(ĐTCK) Trong 5 dự án sân golf trong quy hoạch của TP.HCM có những dự án chục năm vẫn còn trên giấy, có dự án giảm quy mô, thậm chí bị xóa sổ, chuyển đổi công năng.

Nhiều dự án bị thu hẹp

Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn. Theo Sở này, ngày 26/5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 795/QĐ-TTg về điều chỉnh bổ sung danh mục sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020.

Theo quyết định này, TP.HCM định hướng quy hoạch 5 dự án sân golf gồm sân golf GS Củ Chi (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi), khu sân golf và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), sân golf Lâm Viên (quận 9), sân golf tại khu hỗn hợp sân golf thể thao, nhà ở tại phường An Phú (quận 2), sân golf Sing-Việt (huyện Bình Chánh).

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, trong 5 sân golf nêu trên, hiện đã xóa quy hoạch và điều chỉnh chức năng của 2 sân golf là sân tại phường An Phú, quận 2 và tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong đó, sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất có quy mô gần 160 ha, năm 2010 được quy hoạch với chức năng là sân golf 36 lỗ kết hợp các dịch vụ đa dạng: vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn 5 sao, khu nhà ở cho thuê và công trình công cộng.

Tháng 8/2018, Bộ Giao thông và Vận tải đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo đó, xóa sân golf và thay bằng việc bố trí nhà ga, khu hàng và một phần cây xanh hồ điều tiết. Như vậy, theo đúng kế hoạch, sân golf này sẽ bị xóa bỏ để phục vụ mở rộng sân bay.

Trước đó, ngày 28/3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ, thống nhất phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất theo phương án của Công ty Tư vấn độc lập của Pháp ADPI. Theo đó, sẽ thu hẹp diện tích sân golf Tân Sơn Nhất.

Còn Dự án sân golf tại phường An Phú, quận 2 đã được Chính phủ cho chuyển công năng thành Khu đô thị Sài Gòn Bình An vào năm 2015.

Riêng sân golf GS Củ Chi đã điều chỉnh giảm quy mô từ 36 lỗ (200 ha) xuống còn 18 lỗ (90 ha). Sân golf Sing-Việt có quy mô 70 ha tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) đang trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch 1/500, chưa triển khai xây dựng công trình. Sân golf Lâm Viên, quận 9 có quy mô 300 ha đang hoạt động.

Cũng theo sở này, năm 2016, UBND TP.HCM đã có báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp trình Chính phủ chấp thuận đưa vào danh mục quy hoạch phát triển sân golf trên địa bàn TP.HCM tại xã Long Hòa, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Sân golf này có quy mô hơn 146 ha.

Tháng 10/2018, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM đã hoàn chỉnh hồ sơ bổ sung quy hoạch này vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Cũng theo báo cáo trình UBND TP.HCM của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, ngoài những mặt tích cực như khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra việc làm, hình thành điểm du lịch cho người có thu nhập cao, hoặc khách du lịch kết hợp chơi golf, thì của các dự án sân golf cũng có những hạn chế, như vấn đề ô nhiễm môi trường do các hóa chất trồng cỏ chảy xuống mạch nước ngầm, lan vào khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Về điều kiện sử dụng đất để xây dựng sân golf, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, có thể xem xét sử dụng đất lúa có năng suất thấp để chuyển mục đích sang làm sân golf. Điều kiện kèm theo là phù hợp quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, do sân golf là một loại hình dịch vụ cao cấp không dành cho đa phần dân cư, dự án này thường sử dụng nhiều đất đai, nên điều kiện đầu tư kinh doanh phải hết sức chặt chẽ, tránh lãng phí quỹ đất. Ngoài ra, việc quy hoạch sân golf cần được tính toán hợp lý, tránh việc quy hoạch sau đó xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất đô thị với lý do kinh doanh không hiệu quả.

Những dự án bất động cả chục năm trời

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, trong các dự án sân golf trên, thì Dự án sân golf thể thao, nhà ở tại phường An Phú (quận 2) là dự án do Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam làm chủ đầu tư. Dự án này được hình thành từ đầu năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03-CP về việc thành lập các quận, phường mới thuộc TP.HCM, trong đó có quận 2, nơi tọa lạc của dự án.

Ngày 12/1/2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 57/QĐ-TTg cho chủ đầu tư sử dụng đất để đầu tư xây dựng khu liên hợp sân golf - thể dục thể thao và nhà ở tại phường An Phú, quận 2, TP.HCM.

Dự án khu liên hợp sân golf - thể dục thể thao và nhà ở này (tên thương mại là Saigon Golf, Country Club and
Residences - SGCCR) chính là tiền thân của Dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An hiện nay. Tuy nhiên, tới nay dự án này vẫn án binh bất động.

Trong khi đó, Dự án sân golf Sing-Việt có quy mô 70 ha tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) nằm trong Khu đô thị Sing - Việt quy mô 300 ha, đã “treo” suốt gần 20 năm nay.

Cụ thể, tháng 12/1999, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty liên doanh Đô thị Sing Việt. Theo đó, liên doanh này sẽ đầu tư xây dựng, kinh doanh một khu liên hợp thể thao (gồm sân quần vợt, sân golf, sân tập, câu lạc bộ, trường đua ngựa - ô tô - mô tô, trường đua xe đạp, bể bơi, hồ lặn, trung tâm bowling, bida Marinas…), bán thẻ hội viên các câu lạc bộ thể thao và thiết lập hệ thống kinh doanh vé số đặt cược đua ngựa trong và ngoài trường đua trên địa bàn TP.HCM.

Ngoài ra, nơi đây sẽ được xây dựng thành một khu liên hợp du lịch, thương mại (nhà hàng, khách sạn, biệt thự, trung tâm thương mại) và các căn hộ chung cư dành cho người thu nhập trung bình - thấp. Vốn đầu tư của công ty liên doanh này là 120 triệu USD.

Thế nhưng, từ khi có giấy chứng nhận đầu tư đến nay, dự án này đứng im tại chỗ, không có bất kỳ hoạt động đầu tư đáng kể nào. Cả khu đất rộng lớn hơn 300 ha nằm trong vùng quy hoạch dự án - phần lớn là đất nông nghiệp - bị bỏ hoang hóa.

Năm 2007, phía Việt Nam đã rút khỏi liên doanh này, chỉ còn 4 công ty nước ngoài đầu tư vào dự án. Công ty liên doanh Đô thị Sing Việt chuyển thành Công ty TNHH Đô thị Sing Việt (Sing Viet City LTD), tiếp tục được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án này vào tháng 3/2008.

Tuy nhiên, UBND TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư thực hiện dự án phải đảm bảo tiến độ được giao. Cụ thể, trong năm 2008 thanh toán tiền đền bù giải tỏa, thiết kế và xây dựng 1.300 căn hộ; từ tháng 9/2008 xây dựng 3.000 căn hộ và trường học; từ tháng 7/2009 xây dựng sân golf và bệnh viện; từ tháng 9/2009 xây dựng 4.000 căn hộ và trung tâm thương mại; đến tháng 1/2011 xây dựng trường đua ngựa; từ tháng 5/2011 xây dựng 6.700 căn hộ, khách sạn, nhà hành chính.

Thế nhưng thực tế, từ năm 2003 đến nay, chủ đầu tư vẫn chưa thỏa thuận được giá đền bù và thu hồi xong phần đất xây dựng dự án. Mọi thủ tục liên quan đến bồi thường chỉ thông qua vài cán bộ địa phương, người dân hoàn toàn mù tịt thông tin về chủ đầu tư.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com 

Tin bài liên quan