NĐT cá nhân chủ yếu lướt sóng nên không quan tâm đến hoạt động của DN qua ĐHCĐ (Ảnh: Hoài Nam)

NĐT cá nhân chủ yếu lướt sóng nên không quan tâm đến hoạt động của DN qua ĐHCĐ (Ảnh: Hoài Nam)

Trách nhiệm cổ đông?

(ĐTCK-online) 9h40 sáng 19/3, ĐHCĐ của CTCP Chứng khoán Kim Long (KLS) bị hủy bỏ, do chỉ có gần 800 cổ đông, đại diện cho 33% tổng số phiếu tham dự, trong tổng số hơn 28.000 cổ đông.

Mặc dù thông tin về đại hội đã được KLS loan báo từ nhiều ngày trước đó, việc chốt quyền tham dự cũng diễn ra từ 2 tháng trước, nhưng số người tham dự chưa đầy 3% số cổ đông tại ngày chốt quyền. Trong khi đó, chương trình đại hội sẽ đưa ra một quyết định vô cùng quan trọng với Công ty, đánh dấu một sự kiện hy hữu trong lịch sử TTCK là xóa bỏ ngành nghề kinh doanh chính. Có vẻ như với đa số cổ đông, chuyện quyết định đường lối phát triển của công ty là chuyện của riêng HĐQT, chứ không phải chuyện của chính mình!

Trước đó, tôi đã từng tham dự nhiều ĐHCĐ và gặp không ít chuyện "cười ra nước mắt". Tại ĐHCĐ của một CTCK lớn, tôi khá bất ngờ khi 2 cổ đông trẻ măng bên cạnh vừa tốt nghiệp PTTH đang ngồi tán chuyện. Hỏi ra mới biết, hai bạn trẻ này được bố mẹ ủy quyền họp ĐHCĐ, với mục đích duy nhất là để xem có phong bì hay quà!? Không đọc nổi báo cáo tài chính, chẳng biết những con số doanh thu, lợi nhuận, nhưng những cổ đông này vẫn có quyền bỏ phiếu như mọi người.

Tại một ĐHCĐ khác, sau khi nghe lần lượt từng vị lãnh đạo doanh nghiệp đọc bài diễn văn vài trang giấy, một cổ đông giật mình tỉnh giấc. Bước vào phần hỏi đáp và chất vấn, cổ đông này đứng lên hỏi lại toàn bộ những thông tin vừa được lãnh đạo doanh nghiệp đọc xong, khiến không ít người ngán ngẩm lắc đầu.

Thực tế, ĐHCĐ của KLS diễn ra không thành do có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, trong khi ban lãnh đạo Công ty nắm giữ chưa đến 20% số phiếu. Có thể nhiều cổ đông ở các tỉnh, thành khác muốn tham dự đại hội, nhưng không có điều kiện về Hà Nội. Giải quyết vấn đề này có lẽ cần sự cải tiến trong quy trình tổ chức ĐHCĐ như tổ chức cầu truyền hình, tổ chức đại hội trực tuyến. Khi mà công nghệ hiện đại như hiện nay, nhà đầu tư có thể ngồi nhà click chuột để đặt lệnh mua bán chứng khoán, thì việc click chuột bỏ phiếu chắc cũng đơn giản. Phải chăng chưa có công ty nào thực hiện vì chưa có quy định pháp lý hỗ trợ? Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần xem xét.

Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót khi bỏ qua nguyên nhân là nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam hiện nay chủ yếu đầu tư lướt sóng. Họ chỉ quan tâm đến sóng lên, sóng xuống của cổ phiếu, chứ không quan tâm đến hoạt động thực sự của doanh nghiệp. Chính việc đầu tư ngắn hạn, lướt sóng T+ liên tục khiến các cổ đông không còn gắn bó thực sự với doanh nghiệp. Vì vậy, việc chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội trước 2 tháng là khoảng thời gian quá dài. Trong thời gian này, đã có hơn 98 triệu cổ phiếu KLS được chuyển nhượng, chiếm hơn 48% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Như vậy, không ít nhà đầu tư có tên trong ngày chốt quyền dự họp, nhưng không còn nắm giữ cổ phiếu KLS, nên họ không có lý do để đi dự ĐHCĐ.

Gần đây, mỗi ngày, lịch sự kiện của các CTCK đều đăng tải hàng chục thông báo chốt quyền dự ĐHCĐ. Như vậy, trong 2 tháng tới sẽ có rất nhiều đại hội diễn ra. Hy vọng, các doanh nghiệp tiên liệu được tình hình để có phương án tổ chức ĐHCĐ phù hợp. Còn cổ đông thì cần thực hiện quyền dự họp đầy đủ để ít nhất là doanh nghiệp không phải tốn chi phí tổ chức lần 2, lần 3.