Tracodi (TCD) lấy lại vị thế trong chuỗi đầu tư công

Tracodi (TCD) lấy lại vị thế trong chuỗi đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, trọng điểm đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ với tổng vốn cần giải ngân lên đến 700.000 tỷ đồng, trong đó chú trọng khu vực ĐBSCL, sẽ là động lực cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, thi công dự án và cung cấp đá như Tracodi (mã TCD).

Đón đầu cơ hội đầu tư hạ tầng và thi công xây lắp

Giai đoạn 2021-2025, 55% trong tổng số 2,3 triệu tỷ đồng vốn đầu tư xã hội sẽ được dùng để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông. Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, thì khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quy hoạch 6 tuyến, đến năm 2026, khu vực ĐBSCL sẽ có khoảng 554 km đường cao tốc. Riêng năm 2023, sẽ giải ngân gần 100.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông.

Từ các năm trước, Tracodi đã nhìn nhận rõ cơ hội từ định hướng ưu tiên cho đầu tư công của Chính phủ và đã chuyển hướng, chuẩn bị nguồn lực nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực này. Lãnh đạo Tracodi cho biết, từ năm 2022, Công ty đặt trọng tâm tìm kiếm và tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông và các dự án đầu tư công. Tracodi tập trung vào các dự án có tính khả thi cao và tiềm năng sinh lợi lớn, đặc biệt là các loại hình dự án như Dự án đầu tư PPP về lĩnh vực giao thông cầu đường bộ. Cụ thể, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát dài 70 km, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m có giá trị đầu tư khoảng 6.300 tỷ đồng; Đường tỉnh ĐT 935C, với chiều dài 40 Km, 6 làn xe, bề rộng nền đường 27,5 m, tổng mức đầu tư là 2.257 tỷ đồng; Trục động lực Đức Hoà 24 km (3.500 tỷ); Cảng Vĩnh Hải tại Tỉnh Sóc Trăng (500 tỷ đồng).

Việc tích cực tham gia các gói thầu thi công đường cao tốc, đường tỉnh, cảng thuỷ, công trình công nghiệp, thuỷ lợi… sẽ giúp Công ty duy trì tỷ trọng doanh thu mảng xây lắp và có dòng tiền chủ động trong thời gian tới.

TCD đã đầu tư cho công nghệ hiện đại trong lĩnh vực xây dựng như phần mềm quản lý trang thiết bị vật tư. Công nghệ này cho phép giám sát nguồn nguyên liệu đang sử dụng nhằm đảm bảo tiến độ dự án theo yêu cầu. Tracodi hiện có năng lực thi công và quản trị dự án cấp I, chứng chỉ dành cho các nhà thầu đủ năng lực thi công các dự án hạ tầng quy mô lớn, có độ phức tạp cao.

Thực tế, Công ty đã thi công hàng loạt dự án có quy mô lớn như sân bay Phú Quốc, đường xuyên á Xà Xía, BOT ĐT 830 & 824, Tỉnh lộ 645, đường tỉnh 839, nâng cấp Quốc lộ 62 Long An, cầu Cần Thơ, sân bay Cần Thơ, đường sân bay Phú Bài, cầu Vàm Cống, cầu Tam Trà Tam Sơn, đường nối Hầm Hải Vân - Túy Loan, dự án Hội An D’or, King Crown Infinity, Malibu Hội An, King Crown Village, Casa Marina, Casa Marina Mũi Né. Một số gói thầu đang triển khai gồm Gói XL10 thuộc dự án xây dựng sân bay tại Phan Thiết, Dự án xây dựng tuyến đường Quốc lộ 3 cũ đến tuyến đường Võ Nguyên Giáp, huyện Đông Anh.

Với năng lực thi công và hệ thống máy móc, công nghệ được đầu tư hiện đại, Tracodi có thể tự tin thi công những công trình hạ tầng giao thông lớn. Công ty đã hoàn thành công trình BOT 830 có tổng giá trị 1.079 tỷ đồng, đang thi công gói thầu đường lăn sân bay Phan Thiết có tổng giá trị 406 tỷ đồng, gói thầu đường nối Quốc lộ 3 và đường Võ Nguyên Giáp (huyện Đông Anh, Hà Nội) giá trị 136 tỷ đồng.

Sức bật từ mảng đá xây dựng

Theo tính toán, nhu cầu về đá xây dựng tại ĐBSCL trong giai đoạn 2023 - 2025 rơi vào khoảng 21,5 triệu m3, với một loạt dự án giao thông đang thi công và sắp khởi công. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu như Dự án Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ được khởi công vào ngày 4/1/2021 với tổng chiều dài 23 km dự kiến hoàn thành trong năm 2023.

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được khởi công vào ngày 1/1/2023, có chiều dài gần 110 km, đi qua Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Nhu cầu đá ở dự án này ước tính lên tới 3,5 triệu m3.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dự kiến khởi công trong năm 2023, dự án có tổng chiều dài 188 km, là một trong ba tuyến cao tốc trục ngang, nhu cầu đá lên tới gần 7 triệu m3.

Dự án tuyến tránh Long Xuyên An Giang được khởi công ngày 18/1/2022, có chiều dài 15 km, nối Quốc lộ 91 với cầu Vàm Cống, nhằm mục đích giảm áp lực giao thông cho TP. Long Xuyên. Dự án cầu Rạch Miễu 2 - Bến Tre khởi công xây dựng ngày 29/3/2022, với tổng chiều dài 17,6 km, dự án nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2025. Hay dự án nâng cấp tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dự kiến khởi công vào đầu quý III/2023, với tổng chiều dài 51 km, nâng cấp thảm nhựa lại toàn tuyến nối liền 3 tỉnh Kiên Giang với An Giang và Cần Thơ.

Khai thác đá trên công trường Antraco.
Khai thác đá trên công trường Antraco.

Tracodi hiện là thành viên chi phối 51% Liên danh của Mỏ đá Antraco, nhờ vậy, có lợi thế lớn trong việc thúc đẩy mảng khai thác đá. Đây là mỏ đá duy nhất ở ĐBSCL đáp ứng các tiêu chuẩn về đá gốc và sản xuất, đáp ứng được tiêu chuẩn xây dựng đường cao tốc.

Mỏ đá Antraco có trữ lượng có thể khai thác là 26,8 triệu m3, diện tích khai thác 70 ha, với công suất sản xuất 2,2 triệu m3/năm.

Với vị trí đắc địa của mỏ đá ngay tại An Giang, thủ phủ ĐBSCL, Tracodi sẽ đạt được vị thế độc tôn trong việc cung cấp Đá cho các dự án trên. Mảng đá xây dựng của TCD do đó sẽ là mảng hưởng lợi rất lớn trong năm 2023.

Năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của Tracodi lần lượt đạt 2.945 tỷ đồng và 405,2 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu đến từ mảng xây dựng đóng góp 2.192 tỷ đồng và chiếm 74,44% tỷ trọng tổng doanh thu hợp nhất. Doanh thu hoạt động khai thác đá từ Liên doanh Antraco đạt 712 tỷ đồng, đóng góp 24,17% vào doanh thu hợp nhất Tracodi trong năm 2022.

Tin bài liên quan