Nhiều thông báo gia hạn trái phiếu đã được gửi đến trái chủ

Nhiều thông báo gia hạn trái phiếu đã được gửi đến trái chủ

Trái chủ kỳ vọng vào lối thoát mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhiều trái chủ đã tìm được tiếng nói đồng thuận với tổ chức phát hành trong việc gia hạn trái phiếu, thì số khác đang kỳ vọng thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ mở ra cho mình một lối thoát.

Hơn 42.000 tỷ đồng trái phiếu được gia hạn thanh toán

Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành đầu tháng 3/2023 cho đến nay, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ đã diễn ra sôi động. Tính đến ngày 26/6/2023, có hơn 30 tổ chức phát hành đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ và đã có báo cáo chính thức lên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tổng giá trị trái phiếu đã được gia hạn kỳ hạn là hơn 42.000 tỷ đồng.

Thời gian gia hạn của các lô trái phiếu đã được gia hạn đa dạng từ 1 - 24 tháng. Lãi suất trái phiếu được tính trong khoảng thời gian trái phiếu được gia hạn phần lớn cũng được thỏa thuận tăng so với lãi suất ban đầu của trái phiếu, với mức tăng từ 0,5 - 3%/năm tùy theo khoảng thời gian gia hạn của trái phiếu.

Những tổ chức phát hành đã đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn với lượng trái phiếu có giá trị lớn gồm: Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long đã đạt được thỏa thuận gia hạn 12 lô trái phiếu có tổng giá trị là 14.000 tỷ đồng, với thời gian gia hạn đều là 2 năm. Công ty cổ phần Tập đoàn Sovico đã đạt được thỏa thuận gia hạn 52 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 9.600 tỷ đồng, với thời gian gia hạn đều là 2 năm. Công ty cổ phần Sovico đã đạt được thỏa thuận gia hạn 6 lô trái phiếu có tổng giá trị 3.000 tỷ đồng, với thời gian gia hạn đều là 2 năm.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland) đã đạt được thỏa thuận gia hạn 3 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 2.750 tỷ đồng, với thời gian gia hạn từ 12 - 24 tháng. Công ty cổ phần Hưng Thịnh Land đã đạt được thỏa thuận gia hạn 3 lô trái phiếu có tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng, với thời gian gia hạn từ 6 - 7 tháng.

Trong bối cảnh vẫn đang khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp đàm phán với các trái chủ để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh, cũng như tạo ra đủ dòng tiền để thanh toán cho các khoản nợ trái phiếu của mình, mặc dù giải pháp này có thể khiến họ phải gia tăng thêm chi phí tài chính trong tương lai.

Chẳng hạn, Phát Đạt kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 3 tháng, lãi suất trái phiếu điều chỉnh tăng 2% lên 15%/năm, đồng thời bổ sung tiến độ mua lại trái phiếu. Công ty cổ phần Du lịch và Đầu tư xây dựng châu Á kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm 1 năm, lãi suất tăng 1,6% lên mức 12,6%/năm…

Kỳ vọng giải pháp cho các trái chủ còn lại

Tính đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục gia tăng trong 2 quý cuối năm nay. Trong bối cảnh nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà những doanh nghiệp này có thể lựa chọn ở thời điểm này để có thêm thời gian phục hồi sản xuất - kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình.

Đáng chú ý, trong quý III/2023 sẽ có khoảng 75.900 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn (tăng 14,9% so với quý II/2023). Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III/2023, đứng thứ 2 là nhóm tài chính - ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn. (đồ thị)

Tính đến ngày 26/6/2023, có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX. VNDirect ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 159.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp toàn thị trường.

Đáng chú ý, khoảng hơn 43.800 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp trong số này sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm.

Một số trường hợp không thực hiện thanh toán nghĩa vụ trái phiếu có thể kể tới như Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn chưa thanh toán tiền gốc của trái phiếu TTDCH2122001 và trái phiếu TTDCH2122002, lần lượt là 300 tỷ đồng và 500 tỷ đồng, dù thời gian đáo hạn đã qua đi. Số tiền lãi chưa thanh toán hơn 71 tỷ đồng.

Tương tự, Công ty cổ phần Kinh doanh Bất động sản S-Việt Nam chưa thanh toán 106 tỷ đồng tiền lãi cho trái chủ của lô trái phiếu SVNCH2124001, trong khi số tiền gốc là 2.500 tỷ đồng cũng chưa có thông tin thêm.

Theo kế hoạch, ngày 16/4/2023, Công ty TNHH Viễn thông Trịnh Gia Nguyễn sẽ trả lãi gần 576 tỷ đồng cho trái chủ (mã trái phiếu TRINHGIANGUYEN.BOND.2020), nhưng ngày 14/4, Công ty cho hay, chưa thực hiện nghĩa vụ thanh toán với lý do đang đàm phán với trái chủ.

Trong bối cảnh doanh nghiệp không thể thực hiện các nghĩa vụ với trái chủ, giải pháp duy nhất hiện tại kỳ vọng có thể “giải thoát” trái chủ khỏi các trái phiếu không mong muốn là thị trường giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã chính thức được vận hành. Trước đây, việc giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện tại các tổ chức lưu ký, trong đó hình thức giao dịch chủ yếu là chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư và chuyển nhượng giữa nhà đầu tư và tổ chức lưu ký.

Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ra đời là căn cứ cho việc đưa giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào quản lý tập trung. Cụ thể, theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, tất cả trái phiếu phát hành riêng lẻ phải được đưa vào giao dịch tập trung trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại Sở giao dịch chứng khoán.

Theo đó, việc đưa hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vào vận hành sẽ góp phần tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát triển bền vững hơn.

HNX cho biết, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho phép thành viên giao dịch kết nối và gửi lệnh lên hệ thống giao dịch của HNX. Hệ thống hiện hỗ trợ 2 loại lệnh là thỏa thuận điện tử và thỏa thuận thông thường (báo cáo giao dịch). Đối với lệnh điện tử, thành viên có thể lựa chọn gửi lệnh chào đến một số thành viên nhất định hoặc gửi lệnh đến tất cả các thành viên của thị trường và chỉ các thành viên nhận được lệnh chào mới có thể xác nhận lệnh.

Hệ thống cho phép trao đổi thông tin giao dịch, thông tin lưu ký với hệ thống của VSD. Việc thanh toán các giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được thực hiện theo phương thức thanh toán tức thời theo từng giao dịch (T+0), tương tự phương thức thanh toán đang áp dụng trên thị trường chứng khoán phái sinh, hoặc lệnh sẽ được thanh toán vào cuối ngày giao dịch theo lựa chọn của nhà đầu tư.

Tính đến ngày 22/6/2023, HNX ghi nhận toàn thị trường có 5.296 mã trái phiếu riêng lẻ đã đăng ký lưu ký. Trong số này có 2.353 mã đang ở trạng thái bình thường (các mã khác đã hủy toàn bộ hoặc hủy một phần). Đây là những hàng hóa tiềm năng giao dịch trên sàn trái phiếu riêng lẻ, không kể các mã do doanh nghiệp phát hành riêng với nhà đầu tư và không đăng ký với HNX.

Tuy nhiên, thanh khoản của các trái phiếu trên sàn giao dịch cũng là vấn đề nan giải, khi niềm tin của các nhà đầu tư chưa trở lại trong bối cảnh nhiều tổ chức phát hành vẫn gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền, dẫn tới tương lai bấp bênh.

Tin bài liên quan