Người mua trái phiếu doanh nghiệp là các tổ chức tài chính, trong đó các ngân hàng đóng vai trò chính.

Người mua trái phiếu doanh nghiệp là các tổ chức tài chính, trong đó các ngân hàng đóng vai trò chính.

Trái phiếu doanh nghiệp: Cất cánh trở lại

(ĐTCK) Sau năm 2008 khá ảm đạm, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang sôi động trở lại. Một ngân hàng cổ phần lớn tại TP. HCM vừa quyết định mua lô trái phiếu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới vài trăm tỷ đồng. Theo đuổi chính sách tín dụng thận trọng, ngân hàng này luôn dành một lượng vốn khá lớn đầu tư vào các loại trái phiếu. Một vị lãnh đạo ngân hàng này nhận định, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp để hưởng lợi suất cao trong năm nay có thể là một kênh giải ngân tốt nhất.

 Bắt đầu từ rơi rớt

Phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã diễn ra rất mạnh mẽ trong hai năm 2006 - 2007 và đa số trái phiếu doanh nghiệp lưu hành trên thị trường hiện nay đều được phát hành trong hai năm này.

Năm 2008, tình hình lãi suất tăng cao trong bối cảnh lạm phát đã khiến việc phát hành trái phiếu phải chịu lãi suất rất cao. Đây chính là lý do trong phần lớn thời gian của năm 2008 hầu như không có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào được tiến hành.

Từ cuối năm 2008 tới nay, có thể điểm qua bốn đợt phát hành trái phiếu được coi là thành công, dù mức độ và bản chất rất khác nhau: 1.000 tỷ đồng của Vinpearl, 3.000 tỷ đồng của Vinashin, 3.500 tỷ đồng của EVN và mới đây là 700 tỷ đồng của Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC). Ba đợt phát hành đầu tiên đã được bán hết.

Một đặc điểm chung của hầu hết đợt phát hành này là sự rơi rớt của những kế hoạch có từ năm 2008. Năm 2009, lãi suất thị trường ổn định đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Trong các đợt phát hành nêu trên, mua trái phiếu vẫn là các tổ chức tài chính, trong đó các ngân hàng một lần nữa đóng vai trò chính. Thậm chí, với  đợt phát hành của Vinpearl, ngân hàng bảo lãnh phát hành đã "ôm" phần lớn. Cũng là dễ hiểu khi mức lợi suất đã vượt khá xa mức 10%/năm cố định trong vòng 5 năm.

tới cất cánh thực sự

Lời nhận định của vị lãnh đạo ngân hàng ở đầu bài viết có thể là một sự giải thích rõ ràng cho tiềm năng phát hành thành công trái phiếu của doanh nghiệp.

Ví dụ như với trái phiếu EVN kỳ hạn 5 năm, ngoài mức lợi suất 10,4%/năm cho năm đầu tiên, các năm tiếp theo trái chủ sẽ nhận được mức lợi suất thả nổi. Mức lợi suất thả nổi được tính bằng lãi suất cho vay kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng quốc doanh cộng với 2,75%/năm.

Phải nhắc lại rằng, đây là cuộc chơi mà hai bên đều có lợi. Với các ngân hàng, việc mua trái phiếu của doanh nghiệp về bản chất cũng là cho doanh nghiệp vay vốn trung hạn (5 năm), nhưng mức lợi suất nhận được hàng năm đều cao hơn lãi suất trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, do lợi suất trái phiếu không bị chặn bởi trần lãi suất.

Về phía doanh nghiệp, phát hành trái phiếu cũng là một hình thức vay vốn, nhưng họ vay được dài hạn (thường là 5 năm), đồng thời có thể chủ động sử dụng nguồn vốn huy động từ phát hành mà không phải chịu sự giám sát chặt chẽ cho từng mục đích sử dụng vốn như đối với nguồn vốn đi vay ngân hàng.

Nhiều chuyên gia ngân hàng nhận định rằng, năm 2009 sẽ là năm tiềm năng cho việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sẽ còn nhiều doanh nghiệp phát hành trong năm nay.

Một lý do quan trọng để tin rằng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ thành công là sự "khó phát hành" của trái phiếu chính phủ.

Những đợt phát hành trái phiếu chính phủ gần đây đều thất bại (không tính các đợt phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ). Nguyên nhân chủ yếu vẫn là mức lợi suất thấp (dưới 8%/năm), không đủ hấp dẫn các tổ chức tham gia đấu thầu. Trong khi đó, doanh nghiệp sẵn sàng trả những mức lợi suất trái phiếu cao hơn nhiều.

Dù mục tiêu phát hành trái phiếu chính phủ năm nay rất lớn (55.000 tỷ đồng), nhưng Bộ Tài chính khó có thể tăng mức lợi suất cho trái phiếu vượt lãi suất cho vay của ngân hàng.

Nếu mức lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cao hơn sẽ khiến nguồn vốn ngân hàng tập trung vào trái phiếu, thay vì cho vay doanh nghiệp, do chứa đựng rủi ro nợ xấu. Khi đó, lãi suất cho vay trên thị trường sẽ phải cao hơn. Nhưng điều này rất khó xảy ra, vì hiện tại mức lãi suất vay vốn của Việt Nam đã là rất cao so với các nước trong khu vực. Tăng thêm lãi suất, doanh nghiệp sẽ khó khăn và không phù hợp với chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.

Mặc dù tính thanh khoản kém hơn so với trái phiếu chính phủ, nhưng chỉ riêng mức lợi suất cao của trái phiếu doanh nghiệp cũng đủ để hấp dẫn các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng. Xem ra, năm 2009 có lẽ là cơ hội của doanh nghiệp để phát hành trái phiếu khi Bộ Tài chính vẫn đang đứng giữa những lựa chọn khó khăn trong phát hành trái phiếu chính phủ.