Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang rất lớn

Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đang rất lớn

Tránh tạo cơ chế “xin - cho” xuất nhập khẩu vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế xung quanh câu chuyện xuất nhập khẩu vàng và đấu thầu vàng miếng.

Trên thị trường có nhiều góc nhìn xung quanh câu chuyện “vàng hóa” trong nền kinh tế. Ông có bình luận gì về việc này?

Tôi cho rằng, chúng ta đang hiểu sai về chữ “vàng hóa”, những gì thuộc về tiền tệ thì phải đưa vào ngân hàng thì mới “hóa” được. Cụ thể, nếu đề cập đến “đô-la hóa”, nghĩa là đô-la được đưa vào gửi tại ngân hàng và ngân hàng cho vay thì mới “hóa” được và điều này cũng tương tự với đồng tiền Việt. Tiền để trong túi 1 đồng thì vẫn là 1 đồng, nhưng 1 đồng đó nếu đưa vào ngân hàng sẽ không còn là 1 đồng nữa, mà là bội số của tiền hay nói cách khác, số nhân của tiền phụ thuộc vào tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng trung ương. “Đô-la hóa”, hay “nhân dân tệ hóa”, hay “vàng hóa” cũng vậy, đây là theo định nghĩa của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Hơn 10 năm trước, chúng ta cho phép các ngân hàng nhận gửi tiết kiệm và cho vay bằng vàng, thậm chí một số ngân hàng đã lợi dụng biến ngân hàng của mình thành sàn giao dịch, kinh doanh vàng và theo đó, vàng được nhân bội số lên. Trong xã hội, ở đâu cũng nói về vàng, giao dịch trên thị trường cũng được tham chiếu với giá vàng, thậm chí vàng còn trở thành một công cụ thanh toán.

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế

Điều này dẫn đến năm 2012, Nghị định số 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, trong đó nghiêm cấm việc sử dụng vàng như một công cụ tiền gửi và cho vay, hay nói cách khác, việc chống “vàng hóa” đã được thực hiện xong. Nghị định 24/2012 đã kịp thời chấn chỉnh tình trạng bất ổn định trên thị trường vàng vào thời điểm đó, khoảng cách chênh lệch giữa thị trường vàng trong nước và thế giới chỉ dao động từ 4-5 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, có những thời điểm gần đây, giá vàng trong nước có sự chênh lệch rất lớn so với vàng thế giới, có lúc lên đến 20 triệu đồng/lượng. Theo ông, vì sao có sự chênh lệch này?

Đúng là mức chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế hiện đang rất lớn, có những thời điểm lên tới 30% và đó là điều rất phi lý. Nguyên nhân đơn giản là vì dòng thương mại bị cắt đứt. Lâu nay, chúng ta không xuất nhập khẩu vàng miếng, trong khi nhu cầu trong nước luôn hiện hữu.

Theo thông báo của Hội đồng Vàng thế giới, mỗi năm Việt Nam được sản xuất khoảng 600 kg vàng, trong khi nhu cầu có thể lên tới 50 tấn. Để bù đắp nhu cầu bị thiếu hụt này thì chủ yếu là con đường nhập lậu, mà khi nhập lậu vẫn không đủ thì giá vàng trong nước ắt phải tăng lên.

Một nguyên nhân nữa đó là lãi suất huy động đang rất thấp trong bối cảnh hoạt động sản xuất - kinh doanh trì trệ, thị trường chứng khoán trồi sụt, thị trường bất động sản hồi phục chậm… dẫn đến tiền được “đổ” vào mua vàng để dự trữ.

Quan điểm của ông về kế hoạch cấp hạn mức cho phép xuất nhập khẩu vàng và câu chuyện đấu thầu vàng miếng?

Theo tôi, không nên cấp hạn mức xuất nhập khẩu vàng bởi sẽ tạo cơ chế “xin - cho” và khi đó, bên được hưởng lợi là doanh nghiệp, nhưng Nhà nước lại không thu được thuế. Biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp vì doanh nghiệp nào thắng thầu sẽ được độc quyền, đây là biện pháp thương mại đã lỗi thời. Vì vậy, cần tránh việc cấp hạn mức, hay nói cách khác là tránh “chạy” cấp hạn mức xuất nhập khẩu vàng.

Nhập khẩu vàng là hoạt động cần được nhận định là bình thường khi lượng ngoại tệ dùng để nhập khẩu vàng ước tính không lớn, chỉ khoảng 3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với nhập khẩu xăng dầu hay các loại nguyên nhiên liệu khác. Vì vậy, chúng ta không phải quan ngại về vấn đề tỷ giá khi cho nhập khẩu vàng. Có một thực tế là việc nhập lậu vàng diễn ra thời gian qua cũng dùng đến ngoại tệ, nhưng không gây sức ép lớn đến thị trường ngoại hối.

Liên quan đến câu chuyện đấu thầu vàng miếng có thể tạo ra được tác động tâm lý nào đó nhưng rất ngắn hạn, còn căn cơ nhất, dài hạn nhất và theo thông lệ quốc tế nhất là phải cho xuất nhập khẩu vàng tự do, sản xuất - kinh doanh vàng tự do và đánh thuế. Trước bối cảnh xung đột địa - chính trị trên thế giới ngày càng phức tạp như hiện nay, các ngân hàng trung ương dồn dập mua vàng để tăng dự trữ bởi đây cũng là công cụ quản lý rủi ro. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu tăng mua vàng dự trữ hơn là đưa vàng ra đấu thầu.

Vậy ông có đề xuất gì để điều tiết giá vàng cũng như quản lý thị trường vàng trong nước?

Muốn xóa bỏ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế, đơn giản nhất là dùng các biện pháp thương mại mà không cần đến các biện pháp tiền tệ như đấu giá vàng miếng. Nhà nước cho phép một số công ty kinh doanh vàng có đủ điều kiện tự xuất nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức nhằm đảm bảo được các mục tiêu ngắn và dài hạn, thông lệ quốc tế và cả mục tiêu quản lý giá vàng của Nhà nước.

Hải quan của Việt Nam bây giờ đã là hải quan điện tử, khai báo phải minh bạch… nên có thể quản lý rất chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu vàng. Do đó, Nhà nước sẽ dùng công cụ mạnh nhất là thuế để quản lý như hóa đơn điện tử xăng dầu. Điều này sẽ tương tự như thị trường vàng thế giới nói chung rất minh bạch khi mọi hoạt động kinh doanh đều thông qua hóa đơn điện tử .

Tóm lại, xử lý chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế là việc đơn giản bởi vàng không phải là vấn đề mấu chốt của nền kinh tế, mà chỉ là một mặt hàng vừa dự trữ, vừa làm đẹp và không có khả năng thanh toán.

Tôi muốn nhấn mạnh thêm rằng, hoạt động mua bán vàng trên thế giới không phải là người dân thực hiện, mà chủ yếu là các ngân hàng trung ương bởi vàng được dùng là công cụ quản lý rủi ro khi có những biến động về địa chính trị.

Những ngày qua, giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh cao mới do hoạt động mua ròng kéo dài của ngân hàng trung ương nhiều nước đã kích hoạt hành động mua vàng của các quỹ, các tổ chức và các nhà đầu tư cá nhân, thậm chí có nhiều nền kinh tế như Trung Quốc đã kiên trì mua vàng trong gần 2 năm qua.

Trong khi đó, sự “xốn xang” về vàng thời gian qua ở Việt Nam chủ yếu đến từ các nhà đầu cơ, cùng với đó là những nhận biết chưa chuẩn xác về thị trường vàng dẫn đến những lo ngại nhất định, còn thực tế không ảnh hưởng nhiều đến dân sinh.

Dự báo của ông về thị trường vàng trong nước và quốc tế thời gian tới?

Giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng do những biến động về địa chính trị và các cuộc bầu cử, do đó sẽ tác động đến thị trường vàng trong nước. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ ngày càng co hẹp nếu Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng thực hiện các biện pháp như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

Tại Thông báo số 160/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng, xử lý chênh lệch giá vàng, một trong những nội dung được Thủ tướng chỉ đạo là yêu cầu các bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24/2012 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.

Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.

Tin bài liên quan