Trí tuệ nhân tạo bắt đầu len chân vào lĩnh vực y tế, bác sĩ có bị thay thế?

Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là ứng dụng đơn thuần trong lĩnh vực lái xe tự hành, nhận diện giọng nói hay nhận diện hình ảnh, gương mặt nữa mà nó đã bước đầu len lỏi vào lĩnh vực y tế, lĩnh vực trước đây được đánh giá là khó có phương thức nào có thể thay thế được con người.

Mới đây, hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (Anh) vừa công bố bản hợp đồng trị giá 43 triệu USD với hãng công nghệ trí tuệ nhân tạo tư nhân Exscientia (Anh) với mục tiêu đưa công nghệ AI vào sản xuất thuốc.

Hãng tin Reuter cũng đã dẫn lời ông Andrew Hopkins, Giám đốc điều hành của hãng công nghệ trí tuệ nhân tạo tư nhân Exscientia khi cho rằng, nhiều doanh nghiệp sản xuất thuốc đã bắt đầu nhận ra tiềm năng của ứng dụng này trong việc giúp các doanh nghiệp sản xuất thuốc tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.

Ông Hopkins cũng khẳng định, công nghệ AI của Exscientia sẽ giúp các hãng dược phẩm tìm ra những loại thuốc tiềm năng chỉ với 1/4 thời gian và 1/4 chi phí so với các phương pháp truyền thống.

Trí tuệ nhân tạo bắt đầu len chân vào lĩnh vực y tế, bác sĩ có bị thay thế? ảnh 1

 Ứng dụng công nghệ Watson for Oncology đang được kỳ vọng sẽ giúp các bác sĩ Việt Nam giảm được sai sót trong chẩn đoán và điều trị ung thư. 

Trên thế giới, các ông lớn công nghệ đang tỏ rõ sự ảnh hưởng khi theo đuổi các mục tiêu khác nhau liên quan tới ứng dụng AI.

Trong khi Google đã và đang ứng dụng AI vào lĩnh vực xe tự hành; Facebook sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nhận diện hình ảnh; Google ứng dụng AI trong việc nhận diện giọng nói thì Microsoft đang theo đuổi dự án điều trị ung thư bằng AI.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của AI, cuộc chơi liên quan tới AI không chỉ thuộc về các ông lớn công nghệ và thị trường ngách được nhận định là sẽ đem lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp biết đi sâu khai thác.

Tại Việt Nam, Tập đoàn IBM đã phối hợp với Bệnh viện K giới thiệu ứng dụng công nghệ AI trong khám chữa bệnh.

Trong đó, công nghệ Watson for Oncology, công nghệ hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư trên nền tảng Điện toán biết nhận thức của IBM nhận được sự chú ý hơn cả.

Đây không phải là công nghệ mới vì trên thực tế nó đã được áp dụng tại Mỹ, Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Slovakia và Trung Quốc.

Mục tiêu của IBM là sẽ sớm triển khai công nghệ này ở Việt Nam để bổ sung một công cụ đắc lực hỗ trợ các bác sĩ.

Watson for Oncology được biết tới với khả năng hiểu ngôn ngữ tự nhiên và các dữ liệu phi cấu trúc, cùng với cơ sở dữ liệu về ung thư khổng lồ được nhập bởi các đơn vị y tế chuyên về ung thư trên thế giới. Do đó, công nghệ này có khả năng đọc và phân tích hàng chục triệu dữ liệu khác nhau để đưa ra gợi ý điều trị với xác suất thành công lớn nhất cho các bác sĩ.

Trong khi đó, các bác sĩ chuyên khoa ung thư Việt Nam cũng có thể tham khảo rất nhiều tài liệu y khoa khác nhau, các bằng chứng về những ca bệnh tương tự và các phác đồ điều trị tham khảo được đánh trọng số theo tình trạng sức khoẻ cụ thể của bệnh nhân.

Ông Eric CW Yeo, Tổng Giám đốc tập đoàn IBM Việt Nam cho biết, Watson for Oncology đã được đào tạo bởi các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu và điều trị ung thư Memorial Sloan Kettering (MSK) của Mỹ trong 5 năm, cùng với cơ sở dữ liệu khổng lồ được bổ sung thường xuyên, những gợi ý điều trị mà hệ thống này đưa ra đạt được sự đồng thuận cao từ các chuyên gia ung thư, đặc biệt là ung thư vú (90%).

Mặc dù tại Mỹ, ứng dụng AI đã được Uber thử nghiệm với xe tải không người lái OTTO giao hàng xuyên tiểu bang. Tuy nhiên, với lĩnh vực y tế, trí tuệ nhân tạo sẽ không thể thay thế con người mà chỉ hỗ trợ họ làm việc hiệu quả hơn, đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.

Ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) cho biết: "Việc áp dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực y tế sẽ là xu thế tất yếu. Do đó, chúng tôi sẽ xem xét thành lập một phòng khám theo yêu cầu ứng dụng công nghệ Watson for Oncology tại các bệnh viện đầu ngành để đánh giá mức độ khả thi và tính hiệu quả của công nghệ.

Việc áp dụng công nghệ này ở Việt Nam cũng được thực hiện theo mô hình ở Hàn Quốc, đó là Watson for Oncology tham gia hội chẩn như một bác sĩ, đưa ra những ý kiến khách quan, trung thực và không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến khác, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho bệnh nhân”.

Ông Tường cũng cho biết, Bộ Y tế cũng đã được Chính phủ chỉ đạo, kể từ ngày 1/1/2018, tất cả các bệnh viện sẽ phải triển khai bệnh án điện tử, nhằm đồng bộ hoá nguồn dữ liệu, tạo tiền đề cho các ứng dụng công nghệ cao khác nhau vào lĩnh vực y tế.

Cũng cần nói thêm, tại Hàn Quốc, Trung tâm Y tế Gil thuộc đại học Gachan (bệnh viện lớn thứ 5 Hàn Quốc) đã sử dụng Watson để hỗ trợ các bác sĩ và bệnh nhân ung bướu đưa ra các lựa chọn điều trị bệnh ung thư.

Dựa trên các thông tin về bệnh nhân, Gil đã sử dụng những gợi ý mà Watson đưa ra dựa trên đánh giá 15 triệu trang dữ liệu về điều trị y tế và phân tích bệnh nhân từ hàng nghìn ca. Ứng dụng này đang được đánh giá là giúp các bác sĩ tại Gil giảm mạnh các sai sót trong chẩn đoán và sử dụng thuốc, nhờ đó, chi phí y tế cho bệnh nhân cũng được cắt giảm.

Tin bài liên quan