Triển vọng cho bộ ba “bank – chứng – thép”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau những diễn biến tích cực ở bộ ba nhóm cổ phiếu bank – chứng – thép, bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE đã có những bình luận về cơ hội đối với các nhóm ngành này trong thời gian tới. Bình Minh thực hiện.

Quan sát diễn biến thị trường gần đây, theo bà, cổ phiếu nhóm ngành nào đã có mặt bằng tích luỹ đủ để bước vào một chu kỳ tăng giá mới?

Trong những phiên gần đây, dòng tiền tập trung vào các nhóm cổ phiếu lớn đã giúp VN-Index tăng tốc và lập đỉnh mới 1.140 điểm thành công trong phiên giao dịch ngày 10/7.

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE

Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE

Mặc dù khối ngoại vẫn liên tục bán ra trong thời gian qua, nhưng dòng tiền vào từ khối nội đã giúp thanh khoản được cải thiện rõ rệt, với tổng giá trị khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE trong khoảng 1 tháng gần đây đạt gần 11 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, số lượng mở mới tài khoản chứng khoán trong tháng 5 đạt hơn 104 nghìn tài khoản, tăng gấp khoảng 5 lần so với tháng trước và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2022.

Những diễn biến trên đã mở ra kỳ vọng một chu kỳ tăng giá mới của cổ phiếu sau khi thị trường tạo đáy đã trở thành hiện thực. Một khi thị trường đi vào chu kỳ tăng giá, thì lần lượt các ngành, cổ phiếu sẽ được xoay vòng hưởng lợi.

Chúng tôi cho rằng, yếu tố chính giúp thị trường khởi sắc trở lại đó là dòng tiền đã được cải thiện. Bên cạnh dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường chứng khoán một phần đến từ việc đáo hạn các khoản tiền gửi ngắn hạn, lãi suất huy động giảm cũng kích thích nhà đầu tư tìm đến kênh đầu tư khác và chứng khoán là một trong những điểm đến đó.

Ở chu kỳ lãi suất thì theo lý thuyết, những ngành có độ nhạy với lãi suất cao trong nhóm chứng khoán, ngân hàng, bất động sản… sẽ có xu hướng bật tăng mạnh. Tuy nhiên, đà tăng trưởng bền vững của các nhóm cổ phiếu này còn phải dựa vào thông tin hỗ trợ và yếu tố cơ bản. Hiện tại, có lẽ các yếu tố hỗ trợ này sẽ được củng cố và được xác định bởi kết quả kinh doanh trong quý II/2023 nhiều hơn.

“Bank - chứng - thép” được cho là ba nhóm cổ phiếu tạo lực kéo cho thị trường. Diễn biến của nhóm này thời gian qua có phát đi tín hiệu tích cực cho việc trở lại chưa?

Trước hết chúng ta nhìn vào biến động giá của các ngành này trong 6 tháng gần đây.

Diễn biến giá các ngành Ngân hàng, Môi giới chứng khoán và hàng hóa, kim loại và khai thác trong 6 tháng gần đây - Wichart

Diễn biến giá các ngành Ngân hàng, Môi giới chứng khoán và hàng hóa, kim loại và khai thác trong 6 tháng gần đây - Wichart

Chúng ta có thể thấy đa phần 3 ngành đều có xu hướng tăng trong quãng thời gian từ tháng 3/2023 đến nay. Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chính tạo động lực cho thị trường nói chung và 3 nhóm ngành này nói riêng đó là dòng tiền đã được cải thiện trong bối cảnh lãi suất huy động đã bắt đầu giảm.

Trong đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang đi lên nhờ yếu tố tâm lý, các nhóm cổ phiếu còn lại chúng tôi cho rằng vẫn đang trong quá trình chờ các yếu tố hỗ trợ đủ mạnh để có thể tăng tốc.

Triển vọng của nhóm này từ nay đến cuối năm thì sao?

Một số điểm tích cực từ nay đến nửa cuối năm đối với các ngành chúng tôi có thể đánh giá như sau:

Với ngành chứng khoán, như đã nhận định ở trên, với mặt bằng lãi suất điều hành đang có xu hướng giảm, thì ngành chứng khoán chũng tôi dự báo đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

Với ngành thép, một số tín hiệu khả quan đã xuất hiện như giá thép phục hồi tích cực từ đầu năm khi Trung Quốc mở cửa trở lại; kỳ vọng vào đầu tư công cuối năm, và thị trường bất động sản đang kỳ vọng từng bước phục hồi khi các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới.

Với ngành ngân hàng, chúng tôi cho rằng sẽ khả quan hơn một chút trong nửa cuối năm bất chấp việc cắt giảm lãi suất đang có xu hướng gia tăng. Thêm vào đó, thông tư 02 sẽ giúp ngân hàng tái ổn định được chất lượng tài sản.

Một điểm nữa là hiện tín dụng đang tăng khá chậm, đây sẽ là cơ hội đối với ngành ngân hàng và toàn nền kinh tế khi dư địa tín dụng vẫn còn khá nhiều từ nay đến cuối năm. Khi các doanh nghiệp cơ cấu được nguồn tiền tốt, tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ, sẽ tác động tích cực đến thị trường chứng khoán – vốn đang chờ các yếu tố hỗ trợ từ nội tại doanh nghiệp.

Theo bà, cần thêm các yếu tố gì để nhóm “bank - chứng - thép” có thể “vùng dậy” mạnh mẽ trong thời gian tới?

Chúng tôi cho rằng không riêng gì 3 ngành nói trên mà cả thị trường cần một sự tác động theo hướng tích cực về động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.

Hiện tại, bối cảnh vĩ mô liên quan tới lạm phát, lãi suất và tỷ giá vẫn đang khá lành mạnh khi mà việc hạ lãi suất điều hành được SBV duy trì trong thời gian qua. Tuy nhiên, các động lực cho tăng trưởng kinh tế vẫn còn tương đối yếu và chưa ghi nhận biến chuyển tích cực rõ rệt, đặc biệt là tăng trưởng tín dụng đang còn khá yếu.

Chúng tôi cho rằng động lực chính sẽ phải đến từ nội tại của chính nền kinh tế để có thể giúp các nhóm cổ phiếu này thực sự bật tăng trong thời gian từ nay đến hết năm 2023. Trong đó, việc tận dụng các chính sách hỗ trợ nền kinh tế như thị trường bất động sản, trái phiếu kéo theo tăng trưởng tín dụng cùng với việc hồi phục sức mua và dòng thương mại của toàn nền kinh tế sẽ là những yếu tố then chốt giúp toàn nền kinh tế tăng trưởng nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Tin bài liên quan