Triển vọng thị trường trước áp lực lạm phát

Triển vọng thị trường trước áp lực lạm phát

(ĐTCK-online) Thị trường chưa tìm được điểm cân bằng. Nhiều DN vẫn chịu sức ép lớn từ việc tăng giá xăng dầu và các mặt hàng cơ bản khác như điện, than... Lạm phát tháng 4 và quý II đang là dấu hỏi của NĐT, còn nhiều CTCK đang tạm khuyên NĐT đứng ngoài thị trường...

Áp lực lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 2,17% so với tháng trước (tháng 1 tăng 1,74%, tháng 2 tăng 2,09%), đưa CPI quý I lên trên 6%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, mức tăng CPI tháng 3 là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua. Đồng thời, lần đầu tiên kể từ năm 1990, mức tăng CPI tháng 3 cao hơn mức tăng tháng 2. Nguyên nhân chủ yếu là do giá hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm tăng mạnh. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, điện, gas, than bán cho điện và điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND, tăng lãi suất đã làm tăng chi phí đầu vào sản xuất, làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng.

Theo phân tích của Bộ KH&ĐT, việc tăng giá ở nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tác động đến tâm lý người tiêu dùng, gây phản ứng tăng giá dây chuyền lên nhiều mặt hàng khác. Lạm phát tháng 3 chưa phản ánh hết tác động của việc tăng giá điện, vì điện chính thức tăng giá từ 1/3. Do đó, tháng 4 sẽ phản ánh rõ nét của việc tăng giá này. Cộng thêm với việc tăng thêm 10% giá xăng dầu vào ngày 29/3, sức ép tăng CPI là điều có thể nhìn thấy.

Theo tính toán của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, riêng việc tăng giá xăng dầu vừa qua sẽ làm lạm phát tháng 4 tăng khoảng 0,4%. Với quan điểm kiên trì thực hiện giá thị trường của Bộ Tài chính, việc giá xăng dầu có tăng tiếp trong tháng 4 hay không phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thế giới. Theo quy định hiện hành, các đợt điều chỉnh giá xăng dầu được cách nhau ít nhất 10 ngày.

Điểm sáng

CPI tăng cao, nhưng kinh tế quý I vẫn có những điểm sáng. Mặc dù đặt mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng GDP vẫn tăng trưởng 5,43% (cùng kỳ năm trước tăng 5,83%). Điểm sáng thứ hai là nhập siêu có chiều hướng giảm, làm giảm áp lực lên cán cân thanh toán.

Theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 3 ước đạt trên 7 tỷ USD. Tính chung quý I, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 19,2 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước khoảng 8,2 tỷ USD, luỹ kế quý I khoảng 22,3 tỷ USD. Như vậy, nhập siêu 3 tháng đầu năm 2011 ước trên 3 tỷ USD, bằng 15,7% kim ngạch xuất khẩu. Với chủ trương hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ, nhập siêu được kỳ vọng sẽ giảm trong những tháng tiếp theo. Nguồn cung USD cũng sẽ được cải thiện khi tới đây các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ buộc phải bán lượng USD gửi có kỳ hạn. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi ngoại tệ của 78 tập đoàn, tổng công ty tại hệ thống ngân hàng là 1,61 tỷ USD, trong đó 376 triệu USD là tiền gửi có kỳ hạn.

Điểm sáng thứ ba là tăng trưởng kinh tế khu vực công nghiệp tháng 3 tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, quý I tăng 14,1%; nông nghiệp quý I tăng 3,5%.

Để kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp, mà trọng tâm là Nghị quyết 11. "Linh hồn" của nghị quyết này là giảm tổng cầu của nền kinh tế bằng việc thắt chặt đầu tư công, tiết kiệm 10% chi tiêu từ các bộ, ngành đến địa phương, không xây dựng các công trình mới chưa cần thiết, không mua sắm phương tiện đắt tiền, hạn chế nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ bằng các biện pháp kỹ thuật. Tính riêng việc giảm tuyệt đối đầu tư từ ngân sách (không kéo dài thời gian giải ngân, không ứng trước kế hoạch vốn năm 2012, giảm nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu chính phủ, giảm vốn tín dụng nhà nước ưu đãi) đã "nhốt" được 50.000 tỷ đồng không đưa ra lưu thông. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng phải quyết liệt trong việc cắt giảm dự án kéo dài không hiệu quả, dự án đầu tư mới khoảng 3.400 tỷ đồng. Số tiền này không phải thu về ngân sách, mà chuyển cho các dự án cấp bách, sắp hoàn thành trong năm 2011. Việc không đầu tư dàn trải nhằm tăng hiệu quả đầu tư công.

TTCK 2 phiên cuối tháng 3 dù tăng điểm nhẹ nhưng số mã mất giá vẫn chiếm đa số. Hầu hết các CTCK đều tạm khuyên đứng im quan sát thị trường, chờ đợi những tín hiệu tích cực cụ thể. Thanh khoản trên TTCK vì thế đang ở mức rất thấp, dưới 1.000 tỷ đồng trên cả hai sàn.

Nói về triển vọng TTCK trong tháng 4, chuyên gia chứng khoán Huy Nam cho rằng, lạm phát là yếu tố tác động đến tâm lý NĐT, còn tác động trực tiếp chính là vấn đề lãi suất. Do đó, giải quyết được câu chuyện lạm phát, nhưng đồng thời phải hạ lãi suất mới củng cố được niềm tin của NĐT. Theo ông Nam, những giải pháp của Chính phủ đã mang lại niềm tin cho nền kinh tế nói chung và NĐT trên TTCK nói riêng. Tuy nhiên, những giải pháp mang tính dài hạn như siết lại kỷ cương trong đầu tư và chi tiêu công, tái cơ cấu nền kinh tế nâng cao sức mạnh đồng nội tệ, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa mới giải quyết những vấn đề như lạm phát, bất ổn vĩ mô thực sự. Mặt khác, khi hội nhập kinh tế thế giới cũng phải thực hiện hội nhập các công cụ thị trường. Đơn cử, giá xăng dầu thế giới liên tục biến động, nhưng nếu các DN của Việt Nam tham gia vào thị trường hàng hóa, thực hiện những hợp đồng tương lai sẽ ổn định được giá xăng dầu trong khoảng thời gian dài hơn, thay vì chạy theo "nhịp thở" giá cả thế giới như hiện nay.