
Một cuộc khảo sát 40 nhà kinh tế và nhà phân tích vào tháng 6 dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình là 67,86 USD/thùng vào năm 2025, tăng so với dự báo 66,98 USD/thùng của tháng 5, trong khi giá dầu WTI của Mỹ dự kiến ở mức 64,51 USD/thùng, cao hơn mức ước tính 63,35 USD/thùng của tháng trước. Theo dữ liệu của LSEG, giá dầu Brent và dầu WTI đang ở mức trung bình lần lượt khoảng 70,80 USD/thùng và 67,50 USD/thùng tính tới thời điểm hiện tại trong năm nay.
Xung đột Iran-Israel và quyết định can thiệp của Mỹ đã dẫn đến những biến động mạnh về giá dầu trong tháng này, với giá dầu Brent đã chạm mức 81,40 USD/thùng trước khi giảm xuống còn 67,14 USD/thùng sau lệnh ngừng bắn.
"Chúng tôi hình dung khu vực này sẽ vẫn trong tình trạng căng thẳng trong thời điểm hiện tại... dẫn đến một số biến động giá kéo dài trong những ngày và tuần tới", Suvro Sarkar, nhà phân tích năng lượng hàng đầu tại DBS Bank cho biết.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích xem việc giá tăng đột biến do ảnh hưởng của xung đột chỉ là tạm thời, trừ khi có bất kỳ sự leo thang nghiêm trọng nào trong khu vực. Cyrus De La Rubia, nhà kinh tế trưởng tại Hamburg Commercial Bank cho biết, miễn là sản lượng của khu vực vùng Vịnh vẫn được duy trì, sản lượng của OPEC+ tăng và lượng hàng tồn kho thoải mái sẽ hạn chế đà tăng của giá dầu thô.
"Chúng tôi kỳ vọng giá dầu sẽ ổn định trở lại theo hướng cơ bản nếu xung đột Iran-Israel không lan rộng thêm nữa", ông cho biết thêm.
Vào tháng 5, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng thêm 411.000 thùng dầu/ngày trong tháng 7, nâng tổng mức tăng được công bố kể từ tháng 4 lên 1,37 triệu thùng/ngày.
Matthew Sherwood, nhà phân tích hàng hóa hàng đầu tại EIU cho biết, những đợt tăng này đang có tác động đáng kể đến tâm lý trên thị trường vốn đã lo sợ về tác động của chính sách thương mại của Mỹ đối với nhu cầu toàn cầu.
"Chúng tôi kỳ vọng OPEC+ sẽ thận trọng trong việc tăng sản lượng, thậm chí hoãn vô thời hạn các kế hoạch khi có dấu hiệu đầu tiên cho thấy giá có thể giảm đáng kể", ông cho biết.
Trong khi đó, các nhà phân tích kỳ vọng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng trung bình hơn 730.000 thùng/ngày vào năm 2025, so với mức 775.000 thùng/ngày trong cuộc khảo sát của tháng trước. Mặc dù thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã phần nào làm giảm bớt lo ngại về nhu cầu, nhưng thị trường vẫn thận trọng về tác động của nó.
"Thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể góp phần hỗ trợ khiêm tốn cho nhu cầu dầu bằng cách cải thiện tâm lý thị trường và dòng chảy thương mại, mặc dù tác động của nó có thể bị hạn chế và bị ảnh hưởng bởi động lực kinh tế và nguồn cung rộng lớn hơn", Tobias Keller, nhà phân tích tại UniCredit cho biết.