
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn trả lời báo chí tại buổi họp báo. (Ảnh: Mạnh Tuấn).
Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chia sẻ, nay là ngày thứ ba vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã. Theo báo cáo cập nhật, Trung tâm đã hoạt động thông suốt và liên tục đến 16 giờ chiều nay.
Ngày mùng 1/7, hồ sơ trực tuyến chiếm 57%, hồ sơ trực tiếp chiếm khoảng 43%, với số lượng rất lớn. Tổng cộng ngày mùng 2/7 có 38.000 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến chiếm 59,7%, hồ sơ trực tiếp chiếm 40,4%. Đến 16 giờ hôm nay, số lượng hồ sơ cập nhật đã vượt 40.000, trong đó trực tuyến chiếm 59,3%, trực tiếp chiếm 40,7%.
“Mục tiêu năm nay là tất cả thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp sẽ được giải quyết trực tuyến, đặc biệt là không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Đối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hiện nay chúng ta có một địa chỉ duy nhất, một “cửa sổ số” để thực hiện dịch vụ công. Người dân ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ nơi đâu chỉ cần có máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại di động kết nối internet đều có thể nộp hồ sơ trực tuyến. Qua cổng này, toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển đến các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh và cấp xã để giải quyết theo thẩm quyền” - ông Sơn cho biết.
Điều quan trọng nhất là thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, người dân có thể theo dõi và giám sát toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính của mình. Đồng thời, các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp cũng được tổng hợp và xử lý kịp thời qua cổng này.
Cùng trả lời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, cũng như giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện.
Các bộ, ngành đã ban hành 58 thông tư làm cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Các nghị định quy định chi tiết thủ tục hành chính, thẩm quyền, hồ sơ, thời gian, chi phí và biểu mẫu nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện ngay từ ngày 1/7/2025.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà tại buổi họp báo. (Ảnh: VGP). |
Cụ thể, phân cấp, phân quyền từ Trung ương xuống địa phương gồm 556 thủ tục hành chính: UBND tỉnh thực hiện 262 thủ tục; Chủ tịch UBND tỉnh 217 thủ tục; cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh 70 thủ tục; UBND xã 6 thủ tục; Chủ tịch UBND xã 1 thủ tục; đồng thời bãi bỏ 24 thủ tục.
Về phân định thẩm quyền giải quyết 346 thủ tục thuộc cấp huyện: chuyển lên cấp tỉnh 18 thủ tục; chuyển xuống cấp xã 278 thủ tục; bãi bỏ 50 thủ tục.
Tổng số thủ tục hành chính sau phân cấp, phân quyền là 1.261 thủ tục cấp tỉnh, 463 thủ tục cấp xã và bãi bỏ 74 thủ tục.
Sau khi nghị định được ban hành, các bộ, cơ quan ngang bộ đã công bố công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20/6/2025. Một số bộ đã gửi văn bản hoặc công khai danh mục thủ tục trên cổng thông tin điện tử để cung cấp thông tin đến chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp, giúp tiếp cận thuận lợi, nhanh chóng.
Bộ Nội vụ cũng đã xây dựng cẩm nang hướng dẫn cho chính quyền địa phương cấp xã, gửi về các địa phương trước ngày 1/7. Cẩm nang cụ thể hóa chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác và xử lý tình huống phát sinh, đảm bảo thống nhất và hiệu quả tổ chức thực hiện.
Các địa phương, căn cứ chỉ đạo của Trung ương, đã ban hành kế hoạch vận hành thử nghiệm mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ vận hành. Qua đó, cán bộ, công chức tiếp cận nhiệm vụ, quyền hạn và xử lý công việc trên môi trường điện tử qua hệ thống hội nghị trực tuyến, quản lý văn bản, báo cáo, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị qua tổng đài.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, về cơ bản, các thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành sớm, quy định rõ ràng và vận hành thông suốt từ ngày 1/7/2025.
Thời gian tới, cùng với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số, quá trình giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ tiếp tục được hoàn thiện nhằm giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo công khai, minh bạch và thuận tiện mọi lúc, mọi nơi.