Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ xử lý đất hiếm

Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ xử lý đất hiếm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trung Quốc vừa cấm xuất khẩu công nghệ xử lý đất hiếm, là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang đáp trả các biện pháp hạn chế do Mỹ dẫn đầu về việc cấm bán chip máy tính tiên tiến cho các công ty Trung Quốc.

Các biện pháp kiểm soát mới có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh về quyền kiểm soát chuỗi cung ứng tài nguyên và công nghệ toàn cầu. Đối với nhiều người ở phương Tây, chúng cũng sẽ nhấn mạnh sự thống trị của Trung Quốc đối với những vùng tài nguyên rộng lớn quan trọng của thế giới.

Trung Quốc kiểm soát phần lớn chuỗi cung ứng đất hiếm, nguyên liệu chính được sử dụng trong năng lượng sạch và các sản phẩm quốc phòng.

Hôm thứ Năm (21/12), Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, họ đã cấm xuất khẩu các công nghệ được sử dụng trong khai thác và tách đất hiếm, cũng như trong một số nam châm đất hiếm.

Lệnh cấm được đưa ra sau khi Trung Quốc trong năm nay bắt đầu yêu cầu giấy phép xuất khẩu bổ sung đối với gali, germani và than chì, những nguyên liệu mà nguồn cung phần lớn do Trung Quốc kiểm soát và là chìa khóa cho sản xuất công nghệ.

Các quan chức Trung Quốc trong những tháng gần đây đã nhấn mạnh an ninh quốc gia là lý do chính cho các biện pháp kiểm soát.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, các biện pháp kiểm soát của Mỹ đã mở rộng từ việc cấm bán công nghệ chip tiên tiến sang Trung Quốc, cho đến việc ngày càng ngăn chặn các nhà sản xuất pin và xe điện của Trung Quốc tiếp cận các khoản trợ cấp hào phóng của Chính phủ Mỹ.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc chiếm khoảng 60% sản lượng khai thác đất hiếm trên thế giới và sở hữu 90% công suất xử lý và tinh chế đất hiếm.

Các nhà hoạch định chính sách ở Mỹ và châu Âu từ lâu đã lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc về đất hiếm, cũng như nhiều vật liệu và tài nguyên khác được sử dụng trong công nghệ sạch.

Theo dữ liệu của Mỹ, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ, sản lượng oxit đất hiếm không phải của Trung Quốc đã tăng gần gấp 4 lần, lên 90.000 tấn trong vòng 7 năm tính đến năm 2022. Nhưng, Trung Quốc vẫn duy trì sự thống trị của mình, tăng gấp đôi sản lượng lên 200.000 tấn.

IEA cũng dự báo nhu cầu đất hiếm toàn cầu sẽ tăng gấp 7 lần trong hai thập kỷ tới năm 2040, khi được củng cố bởi sự chuyển đổi của thế giới từ sản xuất và vận chuyển năng lượng sử dụng nhiều carbon sang sản xuất điện và xe điện sạch hơn.

IEA lưu ý rằng, các quốc gia thường mất hơn 15 năm để phát triển các dự án khai thác đất hiếm từ khi phát hiện đến sản xuất đầu tiên, điều này đã làm dấy lên nghi ngờ về việc phương Tây có thể thoát khỏi nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng của Trung Quốc nhanh đến mức nào.

Tin bài liên quan