TS. Cấn Văn Lực nêu 3 kịch bản về thuế quan Mỹ và những việc doanh nghiệp cần làm ngay

TS. Cấn Văn Lực nêu 3 kịch bản về thuế quan Mỹ và những việc doanh nghiệp cần làm ngay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong kịch bản cơ sở, Việt Nam thành công trong đàm phán để giảm thuế đối ứng xuống 20 - 25%, giá trị các ngành xuất khẩu chủ lực sang Mỹ vẫn có khả năng giảm 6 – 7,5 tỷ USD. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng. 

Tại Chương trình Cafe Doanh nhân do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 10/05, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nhận định, kinh tế thế giới giai đoạn 2025 - 2026 sẽ đối mặt với nhiều biến động, trong đó chính sách thuế quan mới của Mỹ nổi lên như một yếu tố đầy thách thức.

Theo dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, từ mức 3,3% của năm 2024 xuống còn 2,8% trong giai đoạn 2025 - 2026. Lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm nhẹ, tuy nhiên, các rủi ro địa chính trị, chiến tranh thương mại và công nghệ, cùng với xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, tạo ra một bức tranh kinh tế thế giới tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn được các tổ chức kỳ vọng đạt mức tăng trưởng tích cực nhờ các điểm sáng nổi bật. Các động lực tăng trưởng của Việt Nam như tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư tư nhân, FDI đều có sự phục hồi khá đồng đều; nền tảng vĩ mô và quản trị rủi ro được tích luỹ tốt lên. Đồng thời, sự gia tăng đầu tư toàn cầu vào cơ sở hạ tầng, chuyển đổi xanh và công nghệ số, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh,… mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam năng động và biết nắm bắt thời cơ.

Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực lưu ý, chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể tạo ra những tác động đa chiều và phức tạp đến nền kinh tế Việt Nam. Theo phân tích của BIDV Research, chính sách thuế quan mới của Mỹ có thể chia thành ba kịch bản chính, mỗi kịch bản mang lại mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Trong kịch bản cơ sở (60% xác suất xảy ra), Việt Nam thành công trong đàm phán để giảm thuế đối ứng xuống 20 - 25%, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ giảm khoảng 6 - 7,5 tỷ USD so với năm 2024. Trong khi đó, kịch bản tiêu cực hơn (20% xác suất) với mức thuế 46% có thể khiến xuất khẩu giảm tới 22 - 24 tỷ USD. Trong kịch bản tích cực nhất (20% xác suất), Việt Nam chỉ bị áp thuế 10% thì xuất khẩu sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong kịch bản cơ sở, các ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, gỗ và giày dép… sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Ví dụ, sản phẩm điện tử có thể giảm 1,4 tỷ USD so với năm 2024, ngành dệt may có thể mất khoảng 0,9 tỷ USD kim ngạch nếu thuế đối ứng ở mức 20 - 25%. Ở chiều ngược lại, chi phí nhập khẩu nguyên liệu, máy móc từ Mỹ cũng tăng lên, đẩy giá thành sản xuất trong nước lên cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên cả thị trường quốc tế và nội địa.

Chưa kể, dòng vốn FDI vào Việt Nam được dự báo sẽ suy giảm từ 3 - 8% tùy theo kịch bản, đặc biệt là từ các nhà đầu tư Mỹ và châu Á do tâm lý e ngại rủi ro chính sách. Các ngành hỗ trợ như logistics và bất động sản khu công nghiệp cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp khi hoạt động xuất nhập khẩu chậm lại.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia.

Để giảm thiểu những tác động tiêu cực và tận dụng tối đa các cơ hội trong tình hình mới, TS. Cấn Văn Lực lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động triển khai một loạt giải pháp chiến lược. Quan trọng nhất là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Bên cạnh thị trường Mỹ truyền thống, các doanh nghiệp cần tích cực mở rộng sang các thị trường tiềm năng khác, đồng thời khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như Nhật Bản, Úc, Singapore,…

Song song với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh là yếu tố sống còn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí. Xây dựng thương hiệu uy tín, tạo dựng niềm tin với khách hàng thông qua chất lượng, dịch vụ và trách nhiệm xã hội cũng là một giải pháp quan trọng để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Ngoài ra, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, tìm kiếm các nguồn cung ứng thay thế và giảm sự phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao tính linh hoạt và khả năng chống chịu trước các biến động bên ngoài.

Bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp, chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ, cơ quan quản lý cũng vô cùng quan trọng trong việc tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trong đó, Chính phủ cần tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ; tăng cường đối thoại, đàm phán qua các kênh. Đặc biệt là sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ như: tăng nhập khẩu từ Mỹ, tiếp tục giảm thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Đối với doanh nghiệp trong nước, cơ quan nhà nước cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ; kích cầu đầu tư – tiêu dùng trong nước; giữ mặt trận xuất khẩu. Cùng với đó, cần cơ cấu lại nền kinh tế, tăng cường nội lực, tính tự chủ, tự lực và tự cường. Đồng thời, tập trung vào cả các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng...) và các động lực tăng trưởng mới.

Tin bài liên quan