Ông Vũ Bằng.

Ông Vũ Bằng.

TTCK đủ sức chống đỡ trước “bão” ngoại

(ĐTCK-online) Trước thông tin dồn dập về những biến cố trên thị trường tài chính Mỹ và thế giới, không ít NĐT đặt câu hỏi: TTCK Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao? Việt Nam có những giải pháp gì để chủ động chống đỡ trong trường hợp có tác động trực tiếp? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xoay quanh vấn đề này.

Theo ông, cuộc khủng hoảng tài chính trên thị trường Mỹ và một số nước tác động thế nào đến  TTCK Việt Nam?

Trước hết, cuộc khủng hoảng này có thể ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động xuất khẩu một vài nhóm hàng nhất định. Thứ đến là ảnh hưởng đến giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Thị trường vốn có thể chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi cuộc khủng hoảng hiện nay trên TTCK quốc tế làm cho giá trị tài sản, giá chứng khoán trên các thị trường này giảm đi, do đó, tính hấp dẫn của các thị trường khác tăng lên so với chúng ta. Mặt khác, bản thân các tổ chức quốc tế cũng sẽ phải co cụm, điều chỉnh danh mục, có thể làm cho luồng vốn gián tiếp vào Việt Nam không được nhiều như các năm trước.

Tôi cho rằng, mức độ ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến nền kinh tế toàn cầu nhiều hay ít phụ thuộc vào các giải pháp quyết liệt mà Chính phủ Mỹ sẽ phối hợp với châu Âu thực hiện. Nếu họ phối hợp mạnh, sẽ dập tắt những khó khăn sớm hơn và ngược lại.

Với Việt Nam, chúng ta đã có giải pháp nào để chủ động ngăn ngừa tác động từ cuộc khủng hoảng này, thưa ông?

Thời gian qua, Chính phủ đã chủ động tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế  phân tích những tác động nhiều chiều từ cuộc khủng hoảng này. Nhiều cơ quan của Chính phủ cũng có tham vấn các tổ chức quốc tế để nắm bắt tình hình và đề ra giải pháp cụ thể.

Có một điểm thuận lợi là chúng ta đã trải qua những khó khăn từ các tháng trước và đến nay, các giải pháp chỉ đạo của Chính phủ để vượt qua khó khăn đã phát huy tác dụng. TTCK cũng đã trải qua đợt điều chỉnh khá mạnh, nên vẫn đứng vững trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới. Nhiều yếu tố vĩ mô tích cực như tốc độ lạm phát, nhập siêu có xu hướng giảm, FDI, dự trữ ngoại tệ tăng lên, giá dầu thế giới giảm… sẽ giúp chúng ta chủ động hơn trong việc điều hành nền kinh tế thời gian tới.

Với riêng TTCK, UBCK sẽ làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng xấu của cơn bão tài chính thế giới, thưa ông?

Chúng tôi nhận thức được những khó khăn từ tình tình thế giới hiện nay và sẽ có những biện pháp chủ động đối phó. Vấn đề đầu tiên là kiểm soát tính thanh khoản, các rủi ro đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán trên thị trường. Chúng tôi sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra quy trình kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro của các CTCK. Việc nắm bắt kịp thời hoạt động của CTCK sẽ được tăng cường hơn. Thứ hai là trình Chính phủ đề án chống khủng hoảng. Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là UBCK sẽ xem xét lại hoạt động repo, cầm cố chứng khoán của CTCK. Các CTCK cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn danh mục họat động repo để giảm thiểu rủi ro. UBCK sẽ có văn bản riêng về vấn đề này.

Về phía các DN nói chung, tổ chức niêm yết nói riêng, khối này cần phải tăng cường quản trị rủi ro, tái cấu trúc hoạt động, kịp thời công bố thông tin ra công chúng. Hoạt động của DN mang tính quyết định đến diễn biến trên TTCK, đến khả năng chống đỡ lại những ảnh hưởng từ bên ngoài đối với thị trường.

UBCK đã nhiều lần đề cập đến đề án chống khủng hoảng. Tiến độ xây dựng đề án này đến đâu và những nội dung chính là gì, thưa ông?

Hiện Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng phê duyệt đề án này sau khi lấy ý kiến các bộ ngành. Đề án có hai nội dung chính. Một là ngăn ngừa khủng hoảng xảy ra; hai là khi khủng hoảng xảy ra thì cơ chế phối hợp giữa các bộ ngành để xử lý là như thế nào. Có thể nói đây là một đề án rất khó xây dựng, vì chúng ta chưa trải qua khủng hoảng. Trong khi đó giải pháp, kinh nghiệm của các nước có khủng hoảng cũng khó có thể áp dụng cho Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, mặc dù đã nghiên cứu thấu đáo, nhưng cần linh hoạt đưa ra các ứng xử  trong từng tình huống.

Gần đây UBCK cấp phép phát hành cho nhiều công ty đại chúng. Nhiều người lo ngại nguồn cung lớn này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của TTCK do sức cầu không có dấu hiệu tăng lên?

Như chúng ta đã biết, việc kiềm chế lạm phát, thắt chặt tín dụng khiến các DN tiếp cận vốn rất khó khăn. Khi thị trường có dấu hiệu khởi sắc, DN chuyển sang huy động vốn trên TTCK. Chính vì thế lượng hồ sơ phát hành nộp về UBCK rất lớn.

Về phía UBCK, chúng tôi không xét duyệt tính khả thi của dự án, mà DN nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định sẽ được cấp phép. Tuy nhiên, chúng tôi muốn khuyến cáo rằng, trong tình hình hiện nay, các DN nên rà soát lại phương án phát hành, phương án sử dụng vốn. Những dự án nào đại hội đồng cổ đông đã thông qua nhưng thấy không còn phù hợp thì cần cắt giảm, thắt chặt, chủ yếu tập trung huy động vốn cho các dự án hiệu quả, cấp thiết. Điều này nhằm tránh pha loãng giá cổ phiếu của chính DN, cũng như đảm bảo thành công cho đợt phát hành và lành mạnh thị trường tài chính trong tương lai.