Chủ tịch TTF trao đổi với các đối tác của Công ty

Chủ tịch TTF trao đổi với các đối tác của Công ty

TTF: Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường

(ĐTCK) “Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”, thông điệp như một lời cam kết mạnh mẽ về quyết tâm của HĐQT CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) trong việc tái cấu trúc tài chính và tái cơ cấu Công ty, được thể hiện ngay trên trang bìa Báo cáo thường niên (BCTN) TTF.

Hình ảnh của rừng cây xanh thẳm chạy dọc con đường dài được sử dụng để minh họa cho một chu kỳ phát triển mới.

Khác với lãnh đạo nhiều DN niêm yết, Chủ tịch HĐQT TTF Võ Trường Thành thường tự tay viết thông điệp của mình gửi đến cổ đông, NĐT, đối tác và khách hàng. Những dòng chữ viết tay hiếm thấy trong xã hội hiện đại, lại có sức mạnh đặc biệt chia sẻ tâm tư của người đứng đầu DN về những vấn đề nội tại, khó khăn và hướng giải quyết mà ông nung nấu. Sau thời kỳ dài phát triển mạnh mẽ, năm 2012, 2013, TTF rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, không có tâm lý “tốt khoe, xấu che”, năm nào Chủ tịch HĐQT và lãnh đạo DN này cũng thẳng thắn chia sẻ khó khăn. Có năm, TTF giới thiệu ngay bìa 1 BCTN việc Công ty vướng vào một vụ kiện lớn, bởi theo quan điểm của TTF, để TTF phát triển cần có sự đồng hành của cán bộ, công nhân viên, cổ đông, đối tác và khách hàng.

Vững tin “nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”, TTF đã thành công trong việc đàm phán với 13 ngân hàng và nhận được sự tư vấn của một số cổ đông lớn, cũng như NĐT nước ngoài trong kế hoạch tái cấu trúc. Nhiều CTCK nhận định, không phải doanh nghiệp nào rơi vào tình trạng có nguy cơ tạm ngừng hoạt động như TTF cũng có thể đạt được những thỏa thuận mang tính hỗ trợ và chia sẻ như Công ty. Điều này cho thấy uy tín, thương hiệu và tiềm năng của TTF còn rất lớn, rất nhiều chủ thể đã tin và kỳ vọng vào bước phát triển mới của Công ty.

Năm 2014, TTF đã bước đầu đạt kết quả khả quan với lãi sau thuế quý II hơn 50 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với mức lợi nhuận 2 tỷ đồng trong quý I vừa qua. Tính đến thời điểm hiện tại, TTF đã tái cơ cấu xong 543 tỷ đồng nợ tại Vietcombank thông qua việc bán nợ cho Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng (DATC). TTF đang đàm phán bán khoảng 353 tỷ đồng dư nợ tại các ngân hàng. Dự kiến việc này sẽ hoàn thành trong quý III. Như vậy, tổng nợ mà TTF có thể xử lý được là hơn 900 tỷ đồng, vượt kế hoạch tái cơ cấu 800 tỷ đồng nợ vay năm 2014.

Theo Chủ tịch TTF, hàng tồn kho chính là “điểm yếu chết người” của TTF, nhưng nay đã được giải quyết. Ngay sau khi DATC mua nợ xong, hàng tồn kho thế chấp được “giải phóng” để TTF tiếp tục sản xuất, chậm nhất là 3 tháng sau đã mang lại nguồn thu. Bên cạnh đó, sau một thời gian đầu tư dài hạn vào trồng rừng, từ tháng 3/2014, rừng trồng đã bắt đầu tạo dòng tiền.

Hiện tại, diện tích trồng rừng của TTF là hơn 11.000 hecta, dự kiến mỗi năm sẽ khai thác 500 - 1000 héc-ta, doanh thu 120 tỷ đồng/năm sau khi trừ đi chi phí khai thác. Điểm đặc biệt, TTF chỉ khai thác rừng ở năm thứ 10 trở lên nên chất lượng gỗ tốt, có thể cung cấp cho các xưởng veneer trong nước hoặc xuất khẩu vào thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản. Với diện tích rừng vào độ tuổi khai thác như trên, TTF có thể chủ động được 90% nguyên liệu sản xuất, 10% còn lại vẫn phải nhập khẩu. TTF có hướng chuyển dần nhập khẩu trong các nước nội khối TPP để hưởng ưu đãi về thuế suất khi Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Đây cũng chính là tiềm năng tăng trưởng dài hạn của TTF.

Nút thắt đã được gỡ, khó khăn liên quan dần được giải quyết. Vốn là DN có vị thế dẫn đầu ngành chế biến gỗ của Việt Nam và nắm bí quyết làm ra sản phẩm chất lượng cao, TTF nhanh chóng lấy lại lòng tin ở khách hàng. Từ cuối quý II, TTF đã có khá nhiều đơn hàng, dự kiến công suất sản xuất hai quý cuối năm sẽ tăng lên 30% mỗi quý mới đáp ứng được nhu cầu của khách. Với đà hồi phục hiện tại, lãi cả năm dự kiến của TTF là trên 100 tỷ đồng.

Không giấu niềm vui, ông Thành cho biết, sau thông tin TTF tái cơ cấu “gần xong”, nhiều khách hàng đã quay trở lại đặt hàng. Hơn 80% là khách hàng cũ, 20% là khách hàng mới đến từ Mỹ và châu Âu với đơn hàng rất lớn. Nếu như năm 2013, TTF chỉ đáp ứng được 50% đơn hàng do thiếu ngân lưu và nguyên liệu sản xuất thì nay, TTF đã có đủ cơ sở để đáp ứng những đơn hàng lớn kịp tiến độ.       

Tin bài liên quan