Tăng giá trần vé máy bay nội địa tác động đến giá tour trong nước.

Tăng giá trần vé máy bay nội địa tác động đến giá tour trong nước.

Từ ngày 1/3 điều chỉnh tăng giá trần vé máy bay nội địa, giá tour sẽ cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ ngày 01/03/2024, các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Từ ngày 01/03/2024, Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa sẽ chính thức có hiệu lực.

Cụ thể, với đường bay dưới 500 km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Các đường bay có khoảng cách dưới 500 km có mức giá trần là 1.600.000 đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1.700.000 đồng/vé/chiều với các đường bay khác dưới 500 km. Các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều; Đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều; Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3.400.000 đồng/vé/chiều và đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chiều.

Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Tác động đến hãng hàng không và giá tour du lịch

Trao đổi với báo chí bên lề Hội nghị hàng không quốc tế 2024 (International Airline Symposium), ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết, từ ngày 1/3 giá trần vé máy bay nội địa tăng trung bình 3,75% so với giá trần được áp dụng từ năm 2015. Việc điều chỉnh này giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào đặc biệt là giá nhiên liệu và tỉ giá tăng mạnh trong 10 năm qua.

Về vấn đề này, Vietravel Airlines căn cứ theo số liệu doanh thu năm 2022 cho thấy hoạt động khai thác trên các chặng bay nội địa với khung giá hiện tại chưa đảm bảo được chi phí vận hành cũng như hiệu suất lợi nhuận của hãng trong dài hạn. Chỉ số chi phí/ hành khách.km được ghi nhận đã vượt quá 150% với chỉ số doanh thu bay trên toàn bộ chặng bay nội địa.

"Việc tăng giá trần đảm bảo quyền lợi của khách hàng luôn ở mức cao nhất cùng với trải nghiệm trên mỗi chuyến bay. Về phía các hãng hàng không có thể cân đối được các khoảng chi phí trực tiếp và gián tiếp, đảm bảo được hoạt động khai thác trong dài hạn, bên cạnh đó các dải giá vé cũng được mở rộng", Vietravel Airlines cho hay.

Theo số liệu khai thác các chuyến bay đúng giờ, chậm, hủy chuyến của hãng hàng không Việt Nam của Cục Hàng không Việt Nam trong tháng 1/2024, Vietravel Airlines có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ cao nhất toàn ngành đạt 92,9% so với trung bình toàn ngành là 80,7%.

Trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán từ 15 tháng chạp đến 15 tháng giêng (25/01 – 24/02/2024), Vietravel Airlines khai thác an toàn tuyệt đối 610 chuyến bay với tỉ lệ lấp đầy trung bình các chuyến bay đạt trên 96,8%.

Bước vào giai đoạn thấp điểm để kích cầu, Vietravel Airlines đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi giá vé như săn vé 8K (8.000 đồng) từ thứ hai đến thứ 6 trong khung giờ từ 12h00 – 14h00, chương trình săn sale cuối tuần giá 9K9 (9.900 đồng) từ 09:09 đến 21:09.

Đối với giá tour, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing Công ty du lịch TST Tourist cho biết, việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3/2024 sẽ có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước. Do đó giá tour cũng bắt buộc phải điều chỉnh song song.

Năm 2024, ngành lữ hành bên cạnh yếu tố tích cực sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ hàng không bao gồm việc bảo dưỡng động cơ, giảm đường bay, tăng giá do đó khách hàng chính là người dùng sau cùng sẽ có quyết định trong việc lựa chọn hình thức du lịch phù hợp với nhu cầu. Tuy nhiên, qua đánh giá thì mức giá điều chỉnh tăng có thể chấp nhận được.

Dự báo đối với du lịch trong nước hình thức du lịch trong cự ly gần và du lịch tự túc sẽ tăng cao. Nếu lấy thị trường khách TP.HCM làm trọng tâm thì Vũng Tàu, Hồ Tràm, Phan Thiết, Phan Rang, thậm chí Nha Trang sẽ là lựa chọn của du khách, trong đó vận chuyển bằng ôtô sẽ tăng do ưu thế rút ngắn thời gian của đường cao tốc. Cao điểm hè có khoảng thời gian kéo dài, vì vậy sẽ có sự phân bổ đều, sẽ không có tình trạng "cháy" dịch vụ.

Nhóm khách gia đình tăng mạnh cùng với các tour đoàn dành cho doanh nghiệp. Các điểm đến có biển như Cần Giờ, Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc sẽ có cơ hội thu hút lượng khách lớn. Đối với Phú Quốc, Côn Đảo cần kết hợp và khai thác mạnh thị trường khách từ TP.HCM, đồng thời Du lịch TP.HCM cần khai thác để thu hút lượng lớn khu khách phía Bắc kết hợp tham quan tour nội đô thành phố kết hợp du lịch Côn Đảo bằng tàu cao tốc.

"Bên cạnh đó, chính sách thuế VAT đang ưu đãi ở mức 8%, áp dụng đến tháng 6/2024 cũng góp phần điều chỉnh giá theo hướng có lợi cho du khách. Tuy nhiên, nếu giảm đến tháng 12/2024 sẽ phù hợp và tạo điều kiện tốt hơn cho ngành lữ hành", ông Mẫn cho hay.

Tin bài liên quan