FCM sẽ tập trung vào mảng tôm, còn Khang An chú trọng vào mảng nông sản chế biến sâu.

FCM sẽ tập trung vào mảng tôm, còn Khang An chú trọng vào mảng nông sản chế biến sâu.

Tự tạo ra đối thủ, lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta (FMC) nói gì

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho rằng, công ty mới Khang An không phải là đối thủ, mà là bạn.

Đôi bên cùng có lợi

Báo Đầu tư Chứng khoán số 102 có bài viết phản ánh việc FMC chuẩn bị thành lập Thực phẩm Khang An (Khang An) hoạt động cùng ngành nghề với vốn điều lệ 234 tỷ đồng, trong đó Công ty sở hữu 77,1% thông qua góp 180,4 tỷ đồng bằng tiền mặt, còn lại góp bằng tài sản (nhà máy, kho lạnh…), tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn lợi ích khi tự tạo ra đối thủ cạnh tranh.

Phóng viên đã liên hệ với FMC nhằm làm rõ hơn nguy cơ trên. Ông Hồ Quốc Lực cho biết, Khang An không phải đối thủ, mà là đồng đội, bạn đồng hành. Cụ thể, FMC tập trung vào mảng tôm, còn Khang An sẽ chú trọng vào mảng nông sản chế biến sâu.

Do tính thời vụ nguyên liệu nông sản, Khang An sẽ kinh doanh thêm mặt hàng tôm, nhưng hướng vào phân khúc cao cấp, nên không trùng lắp về nhóm khách hàng với FMC.

Ông Lực cho biết thêm, thành lập Khang An sẽ giúp cải thiện công suất nhà máy, cũng như hiệu quả kinh doanh, nhất là khi công ty con độc lập trong hoạt động điều hành.

FMC góp vốn bằng tài sản là Nhà máy Thực phẩm An San, Khang An sẽ có nhà máy phối chế sâu và cải tạo, nâng công suất nhà máy này.

Mục tiêu chiến lược của Khang An là thúc đẩy mảng nông sản chế biến, phối chế và tôm chế biến sâu để tiếp cận tốt hơn hệ thống phân phối cấp cao tại các thị trường lớn.

Ngoài ra, nhóm cổ đông còn lại chiếm 22,9% vốn điều lệ Khang An chủ yếu là cán bộ, nhân viên Công ty. Thay vì bán cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP), FMC để cán bộ, nhân viên góp vốn vào Khang An nhằm tăng sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động.

Ẩn số kết quả kinh doanh quý III

6 tháng đầu năm 2020, FMC đạt doanh thu 1.585,5 tỷ đồng, giảm 2,7%; lợi nhuận sau thuế 92,4 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong nửa đầu năm, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của FMC âm 380,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 93,3 tỷ đồng.

Để bù đắp hoạt động kinh doanh thâm hụt vốn, doanh nghiệp đã phải huy động 391,7 tỷ đồng, chủ yếu là đi vay.

Tính tới 30/6/2020, tổng nợ vay của FMC tăng 167,6%, lên mức 740,8 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ vay/tổng nguồn vốn tăng từ 18,2% lên 37,8%; tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu tăng từ 29% lên 78%.

Tháng 7/2020, FMC công bố đạt doanh số 20,3 triệu USD, đây là tháng có doanh số cao nhất trong 25 năm qua. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tái xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 7 và dịch bệnh vẫn có diễn biến khó lường trên toàn cầu.

Hoạt động xuất khẩu chưa thoát khỏi khó khăn sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp như FMC. Theo bản cáo bạch năm 2019, thị trường xuất khẩu của FMC chủ yếu là Nhật Bản, EU và Mỹ.

Theo quy định về kế toán, khi doanh nghiệp tăng sở hữu hay thành lập công ty với tỷ lệ sở hữu chi phối (từ 51% trở lên) sẽ ngay lập tức hợp nhất toàn bộ tài sản, nguồn vốn, cũng như kết quả kinh doanh vào công ty mẹ, giúp báo cáo tài chính “đẹp” hơn.

Tuy nhiên, với chỉ tiêu lợi nhuận, giá trị từ tỷ lệ mà doanh nghiệp không sở hữu sẽ được ghi nhận vào khoản mục lợi ích cổ đông không kiểm soát (lợi ích cổ đông thiểu số).

Dự kiến, ngày 1/1/2021, Khang An sẽ chính thức đi vào hoạt động, theo đó, kể từ báo cáo tài chính quý I/2020 của FMC bắt đầu xuất hiện khoản mục lợi ích cổ đông không kiểm soát. Đây là khoản mục mà nhà đầu tư vào FMC cần loại trừ khi xem xét lợi nhuận công ty mẹ trong báo cáo hợp nhất.

Được biết, trong cơ cấu cổ đông tại FMC tính tới 30/6/2020, nhóm Tập đoàn PAN có tỷ lệ biểu quyết 64,45%, quyền sở hữu 60,85% thông qua trực tiếp nắm giữ cổ phần cũng như thông qua công ty con là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thuỷ sản Bến Tre.

Tin bài liên quan