Ông Lê Xuân Nghĩa.

Ông Lê Xuân Nghĩa.

Từng bước tăng cung tiền cho nền kinh tế

(ĐTCK-online) Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng lớn đã giảm, khủng hoảng kinh tế thế giới trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang chất thêm gánh nặng cho DN trong nước, nhu cầu được tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất thấp đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, trong khi các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng cung ứng tiền còn khá nhiều dư địa. Thực tế này có thể là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới, ĐTCK trao đổi với ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, NHNN.

Trong các diễn đàn gần đây, DN tha thiết đề nghị NHNN giảm lãi suất cơ bản để lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) dễ chịu hơn, quan điểm của NHNN về vấn đề này ra sao, thưa ông?

Do kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái, ngân hàng trung ương các nước một mặt giảm lãi suất để tăng lòng tin và tăng cung ứng tiền cho thị trường, một mặt nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế đề phòng suy thoái sâu. Trung Quốc đã nới lỏng chính sách tiền tệ, dùng thị trường nội địa làm trụ cột cho kinh tế trong thời kỳ khó khăn. Cụ thể, họ đã 2 lần giảm lãi suất cơ bản, mỗi lần giảm 1%; giảm dự trữ bắt buộc 1%; hoàn thuế xuất khẩu hàng hóa; đẩy tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Việt Nam trong điều kiện lạm phát không cao sẽ sử dụng chính sách tương tự để khắc phục tình trạng tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, lạm phát tại Việt Nam vẫn đang khá cao, muốn khẳng định chính sách tiền tệ, kiên trì mục tiêu chống lạm phát, NHNN chưa thể giảm lãi suất cơ bản, nhưng có động thái nới lỏng thận trọng chính sách tiền tệ theo hướng tăng lãi suất dự trữ bắt buộc. Lạm phát tiếp tục giảm mạnh như tháng 9, NHNN sẽ có chính sách giảm bớt thắt chặt tiền tệ, tạo điều kiện cho NHTM hạ lãi suất.

Một trong những cơ sở để thiết lập lãi suất cơ bản là mặt bằng lãi suất của các NHTM lớn, thực tế mặt bằng lãi suất này đã giảm, vậy đây có phải là động lực để NHNN xem xét lại lãi suất cơ bản trong tháng này?

Nhiều NHTM đã có động thái giảm lãi suất huy động và cho vay, song chỉ có thể thực hiện một cách nhất quán, có hiệu quả khi NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ thêm một bước nữa, vì lãi suất tiền gửi và cho vay suy cho cùng vận động theo cung cầu tiền tệ, chứ không thể theo mong muốn của DN, ngân hàng và xã hội. Việc giảm lãi suất cho vay hoàn toàn phụ thuộc động thái của NHNN có tăng cung ứng tiền hay không. Khả năng NHNN trong thời gian tới từng bước tăng cung ứng tiền là có thật. Thứ nhất, lạm phát có dấu hiệu chững và giảm. Thứ hai, năm nay chỉ tiêu cung ứng tiền dự kiến khoảng 25%, nhưng đến nay mới đạt xấp xỉ 10%; chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 30% cả năm, song gần 10 tháng mới đạt 18 - 19%. Trong khi đó, nền kinh tế có sức ép cần tăng cung tiền với lý do để mua ngoại tệ giữ ổn định tỷ giá hối đoái, cân đối giải ngân vốn đầu tư nước ngoài. Song về cơ bản, việc NHNN giảm thắt chặt chính sách tiền tệ từng bước phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ lạm phát những tháng cuối năm.

Như vậy, có thể hiểu là NHNN sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ khác, thay vì giảm lãi suất cơ bản?

NHNN phải tính toán để làm sao tiếp tục duy trì, củng cố vững chắc thành quả chống lạm phát, nới lỏng chính sách tiền tệ vô nguyên tắc có thể thỏa mãn đòi hỏi ngắn hạn của DN, nhưng ảnh hưởng tới mục tiêu dài hạn của nền kinh tế. Thực tế, lãi suất cơ bản không cản trở NHTM cho vay lãi suất thấp, không liên quan trực tiếp đến cung ứng tiền của NHNN. Nếu NHNN không bơm tiền thì NHTM không giảm được lãi suất cho vay, đơn cử giảm lãi suất cơ bản xuống 12%, trần lãi suất cho vay là 18%, trong khi NHTM vẫn huy động 17% thì họ hoặc là hoạt động một cách điêu đứng hoặc là thu thêm phụ phí, lách luật…

Hiện NHNN có 3 công cụ chủ chốt để điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, gồm dự trữ bắt buộc, lãi suất chiết khấu giấy tờ có giá và lãi suất tái cấp vốn. Hạ lãi suất chiết khấu giấy tờ có giá từ 13% xuống 10% chẳng hạn thì đem cầm cố giấy tờ có giá 100 đồng, trước kia ngân hàng được vay 87 đồng, giờ được 90 đồng, có nghĩa họ có thêm điều kiện cho vay.

Nhưng nếu như không giảm lãi suất cơ bản thì NHTM không buộc phải giảm lãi suất cho DN?

Một số DN yêu cầu giảm lãi suất cơ bản, trên thực tế đây là trần lãi suất mang tính hành chính để khống chế lãi suất cho vay tối đa của ngân hàng với DN, chứ không phải xuất phát từ yêu cầu thực thể tiền tệ. Lãi suất cơ bản không cản trở NHTM giảm lãi suất, trái lại còn giúp họ cấu trúc các sản phẩm theo rủi ro, lấy lợi nhuận khu vực rủi ro cao bù lại cho khoản vay lãi suất thấp. Giảm lãi suất cơ bản xuống mức nào? Theo tôi, tổng thể lãi suất cho vay 16 - 17%/năm vẫn là quá cao, tình hình tài chính của nhiều DN vừa và nhỏ đang khó khăn, họ có nhu cầu thực sự về tăng khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất. Hiện nhiều NHTM nhỏ cũng không có nhu cầu vay trên thị trường liên ngân hàng, điều này có nghĩa thanh khoản của họ đã tốt hơn, thậm chí có ngân hàng dư vốn nhưng 3 tháng vừa qua tăng trưởng tín dụng gần như đứng yên, thậm chí giảm. Điều này cho thấy, ngân hàng đang thực hiện phòng vệ thanh khoản, họ thà chịu lỗ, dư vốn nhưng không cho vay, vì sau này có thể rước nợ xấu.