Đối tác, khách hàng luôn hào hứng với các dòng sản phẩm mới mà Nhựa Tiền Phong 
nghiên cứu sản xuất nhằm tối ưu giá trị sử dụng cho khách hàng.

Đối tác, khách hàng luôn hào hứng với các dòng sản phẩm mới mà Nhựa Tiền Phong nghiên cứu sản xuất nhằm tối ưu giá trị sử dụng cho khách hàng.

Tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ

(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong) trong cuộc trò chuyện đầu năm mới 2020 với Báo Đầu tư Chứng khoán. Đây cũng là năm đánh dấu chặng đường tròn 60 năm hoạt động của Công ty.

Năm 2019, Nhựa Tiền Phong đạt kết quả tăng trưởng cao so với giai đoạn chững lại của 2 năm trước đó. Đây hẳn là tín hiệu đáng mừng, thưa ông?

Năm 2019, Nhựa Tiền Phong đạt doanh thu gần 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng mạnh so với năm 2018 và đạt 452 tỷ đồng. So với kết quả kinh doanh năm 2017, doanh thu Nhựa Tiền Phong tăng gần 600 tỷ đồng.

Đằng sau tất cả những cuộc chuyển giao, điều tôi cũng như Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong tự hào nhất - đó là giữ lại thành công thương hiệu Việt cho người Việt.

Nhờ đó, tôi hay các thế hệ lãnh đạo kế cận sau này sẽ tiếp tục gìn giữ, chăm chút cho thương hiệu Việt của ngành nhựa Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

- Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Tiền Phong

Còn so với năm 2018 thì tăng hơn 500 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 120 tỷ đồng về lợi nhuận. Nhìn lại các năm vừa qua, Nhựa Tiền Phong vẫn đang trên đà tăng trưởng và giữ vững được thị phần của mình tại thị trường phía Bắc.

Tại thị trường phía Nam, năm 2019, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong phía Nam (Tiền Phong Nam) cũng đạt doanh thu gần 1.100 tỷ đồng, với lợi nhuận gần 100 tỷ đồng.

Nếu so sánh kết quả này với năm 2017, Tiền Phong Nam đã giữ vững “phong độ” khi doanh thu tăng gần 91 tỷ đồng cùng lợi nhuận đạt 99 tỷ đồng.

Năm 2018 cũng vậy, doanh thu ở mức ổn định - gần 1.097 tỷ đồng và đạt 101 tỷ đồng lợi nhuận.

Khép lại năm 2019, doanh thu hợp nhất của Nhựa Tiền Phong trên cả 3 khu vực Bắc - Trung - Nam đạt khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cho các ngành xây dựng dân dụng, phát triển hạ tầng cấp thoát nước, giao thông đô thị…

Gần đây nhất, Nhựa Tiền Phong đã tiến vào ngành nuôi trồng thủy sản. Cuối năm 2018, chúng tôi đã ký hợp tác toàn diện với Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú để cung cấp ống dẫn nước biển nuôi tôm theo mô hình mới.

Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về việc hợp tác toàn diện với Thủy sản Minh Phú?

Tại Thủy sản Minh Phú, họ mới chỉ sử dụng 2,5% trong tổng số nhu cầu cần để phục vụ cho toàn bộ các dự án chuyển đổi mô hình nuôi tôm công nghệ cao, phục vụ xuất khẩu.

Chỉ tính riêng việc hợp tác này, chúng tôi vẫn còn dư địa rất lớn.

Đó là còn chưa tính, mô hình nuôi trồng tôm này sẽ lan toả từ Tập đoàn Minh Phú ra đến các hộ nuôi trồng đơn lẻ, các công ty cũng như các mô hình khác.

Ngoài Minh Phú, còn một số công ty thủy sản khác đã và đang hợp tác với Nhựa Tiền Phong như Đồng Tâm, Tôm Việt Úc, Nam Việt, NG…

Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận thấy cơ hội khác lớn hơn, đó chính là mục tiêu xây dựng Việt Nam đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Chính phủ.

Điều này sẽ mở ra rất nhiều hướng phát triển cho Nhựa Tiền Phong nói riêng và ngành Nhựa Việt Nam nói chung.

Dựa trên những tín hiệu khả quan đó, tôi tin tưởng, kế hoạch doanh thu 5.100 tỷ đồng, lợi nhuận 470 tỷ đồng trong năm 2020 này của Nhựa Tiền Phong và của Tiền Phong Nam lần lượt là 1.350 tỷ đồng và 110 tỷ đồng sẽ được thực hiện thành công.

Bản lĩnh người tiên phong

Cộng đồng vẫn nói vui “vượt sướng khó hơn vượt khổ”. Với Nhựa Tiền Phong, bước tiếp trên nền thành công, ông sẽ tiếp tục lãnh đạo Công ty như thế nào để thành công hơn nữa?

Tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ ảnh 1

Ông Đặng Quốc Dũng.

Thời điểm năm 1990, khi quyết định thay đổi chính mình, Nhựa Tiền Phong phải đối mặt với thử thách rất lớn, tồn tại hoặc biến mất trước sức ép cạnh tranh của thời kỳ đổi mới.

Còn hiện tại, mọi thứ đều đang rất thuận lợi với Công ty, nhưng trong kinh doanh, không có gì là mãi mãi. Sự cạnh tranh thì luôn có và luôn thay đổi với nhiều hình dạng.

Vậy nên, Nhựa Tiền Phong chưa bao giờ có tâm lý thoả mãn.

Chúng tôi luôn vận động trong chính nội tại của mình. Sự vận động đó không phải như “tắc kè hoa đổi màu”, mà phải là sự xoay quanh mục tiêu và định hướng đã được Công ty đề ra, để định danh thương hiệu cho cả một chặng đường dài.

Không thể vì cạnh tranh hạ giá thành của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực mà Nhựa Tiền Phong cũng hạ giá thành sản phẩm xuống đáy, kéo theo đó là chất lượng cũng sẽ phải giảm sút.

Chưa bao giờ Nhựa Tiền Phong chọn cách đó dù luôn đối mặt với thách thức này. Chúng tôi chọn cách chăm sóc tốt quyền lợi cho hệ thống các nhà phân phối để họ yên tâm là người đồng hành cùng đại gia đình Nhựa Tiền Phong.

Chúng tôi chọn cách làm mình trọn vẹn hơn thông qua việc đầu tư công nghệ, dây chuyền, thậm chí hợp tác với đối tác hàng đầu thế giới trong ngành ống nhựa xây dựng là Tập đoàn Sekisui - Nhật Bản, Tập đoàn Iplex - New Zealand để cải tiến sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mới hướng tới sự tiện lợi và tối đa giá trị sử dụng cho người dùng.

Không ồn ào trong việc mua - bán, sáp nhập, nhưng Nhựa Tiền Phong vẫn tìm được hướng đi phù hợp để có mối lương duyên mới với Tập đoàn Sekisui. Theo ông, việc này có giúp gia tăng giá trị cho Nhựa Tiền Phong?

Mọi thứ phải bắt đầu từ chữ Duyên. Có thể chính khó khăn lúc đầu lại là cơ hội cho chúng tôi tìm được nhau.

Thời điểm 2011 - 2012, Tập đoàn Sekisui đã đầu tư ở một số nước trong Đông Nam Á nhưng không khả thi và họ quyết định chọn Việt Nam vì tiềm năng rất lớn.

Cái bắt tay đầu tiên với Tập đoàn này đã diễn ra từ năm 2013, khi đó, tôi đang là thành viên Hội đồng quản trị Nhựa Tiền Phong, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tiền Phong Nam.

Sau đó, họ Nam tiến và chọn Tiền Phong Nam để bàn chuyện hợp tác. Đúng là cái duyên. Thời điểm này, tôi cùng Ban lãnh đạo Công ty nhận thấy sức ép cạnh tranh đang ngày càng lớn, đặc biệt là thị trường miền Nam đòi hỏi Nhựa Tiền Phong phải gia tăng hơn nữa chất lượng và ưu thế vượt trội của mình.

Sự hợp tác này sẽ đáp ứng cho những mong mỏi đó. Cái bắt tay thứ 2 được thực hiện ở một tầm cao mới đã diễn ra vào tháng 7/2017 - Tập đoàn Sekisui đã trở thành cổ đông chiến lược của Tiền Phong Nam khi nắm giữ đến 25% cổ phần. Đây được xem là một bước đi mới trong quan hệ hợp tác của hai bên.

Cũng ngay sau đó, khi Công ty TNHH Nawaplastic Industries (Thái Lan) muốn thoái toàn bộ vốn, tôi cùng Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong khi đó đàm phán với đối tác Thái Lan và Tập đoàn Sekisui để lên phương án cho việc mua lại cổ phần.

Nhờ sự hợp tác tốt được xây dựng từ trước đó với nhà đầu tư Thái, sự chuyển giao đã diễn ra tốt đẹp. Đến tháng 10/2017, Sekisui đã sở hữu 15% cổ phần của Nhựa Tiền Phong và trở thành đối tác ngoại mới tại Công ty.

Còn Nawaplastic Industries và Nhựa Tiền Phong cũng tiếp tục một mối lương duyên mới - đối tác kinh doanh và trở thành những người bạn lớn trong ngành.

Nhưng đằng sau tất cả những cuộc chuyển giao này, điều tôi cũng như Ban lãnh đạo Nhựa Tiền Phong tự hào nhất - đó là giữ lại thành công thương hiệu Việt cho người Việt.

Nhờ đó, tôi hay các thế hệ lãnh đạo kế cận sau này sẽ tiếp tục gìn giữ, chăm chút cho thương hiệu Việt của ngành nhựa Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Tham vọng của tôi không phải là vấn đề lợi nhuận bao nhiêu, mà là việc tôi có thể cùng Nhựa Tiền Phong xây dưng thương hiệu Việt của ngành nhựa lớn đến đâu.

M&A sẽ là chiến lược dài hơi mà tôi theo đuổi để thực hiện mong muốn này. Nó sẽ được thực hiện khi cơ hội đến.

Hợp tác với Sekisui, chúng tôi còn được học hỏi, được nhận chuyển giao công nghệ Nhật để phát triển nhiều sản phẩm mới mà trong nước chưa có; học hỏi được cách quản trị và tính kỷ luật cao trong công việc của người Nhật.

Đó là những giá trị vô hình không thể đo đếm bằng các con số. Nhưng giá trị mang lại thì được hiện hữu bằng những kết quả cụ thể.

Tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ ảnh 2

Sau hơn 2 năm triển khai, đến nay, đã có gần 40 cây cầu được Nhựa Tiền Phong khởi công và khánh thành trên toàn quốc từ  chương trình Cầu nối yêu thương.

Hướng về tương lai

Quả bóng bàn, dép nhựa trắng... đã là dấu ấn đẹp với nhiều người tiêu dùng Việt. Vậy nhìn về tương lai, Nhựa Tiền Phong sẽ chọn cho mình con đường thế nào, thưa ông?

Nhiều doanh nghiệp quy mô trong Top đầu của nền kinh tế Việt Nam đã và đang có những bước đi lớn trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là trong năm 2019 như lấn sân sang lĩnh vực mới, thu hẹp ngành nghề kinh doanh để tập trung cho lĩnh vực mũi nhọn, chủ động lên sàn chứng khoán, hoặc rút về với mô hình công ty gia đình…

Tất cả đều là sự linh hoạt điều chỉnh chính mình để đảm bảo cho định hướng chiến lược dài hơi được thực hiện thành công trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.

Nhựa Tiền Phong trong năm vừa qua cũng đã thực hiện nhiều điều chỉnh lớn trong quản trị doanh nghiệp.

Sau 30 năm kể từ ngày thành lập (19/5/1960), năm 1990, Nhựa Tiền Phong quyết định chia tay với những sản phẩm truyền thống và bắt tay vào sản xuất ống nhựa uPVC, HDPE, PPR để phục vụ cho các công trình xây dựng.

Thời điểm đó, Nhựa Tiền Phong đã chọn chia tay (chứ không phải từ bỏ) quá khứ để sống đúng thực tại. Chính nhờ quyết định chiến lược ấy mới có “Nhựa Tiền Phong luôn tiên phong” của ngày hôm nay, xứng đáng là cánh chim đầu đàn trong ngành ống nhựa xây dựng Việt Nam. Điều này cho thấy, tương lai không bao giờ là cái bóng từ quá khứ, mà phải bằng những hành động trong hiện tại và hướng tới tương lai.

- Ông Đặng Quốc Dũng, Chủ tịch HĐQT Nhựa Tiền Phong

Công ty cũng tăng vốn điều lệ lên gần 1.000 tỷ đồng, thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình hoạt động sang Tập đoàn và gia tăng hơn nữa những hoạt động vì cộng đồng để lan toả những giá trị nhân văn - vốn là nền tảng xây dựng lên Nhựa Tiền Phong từ những ngày đầu.

Trong giai đoạn ngắn hạn, chúng tôi tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất, trong đó sản phẩm ống nhựa xây dựng và các sản phẩm phụ tùng vẫn tiếp tục là trục chính, được đầu tư công nghệ, nhân lực và tài chính, hướng tới sự tối ưu giá trị và thuận tiện cho người sử dụng.

Song song với đó, việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và một số công ty cấp thoát nước sẽ được thực hiện để gia tăng giá trị lợi nhuận cho Nhựa Tiền Phong.

Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư yên tâm trong việc gia tăng giá trị cổ phần, đồng thời giúp Công ty tích luỹ tài chính cho những kế hoạch lớn hơn - M&A trong ngành nhựa.

Tập đoàn Sekisui cũng hiểu điều này, nên khi họ mua cổ phần tại Nhựa Tiền Phong phía Nam, dù giá cao hơn so với định giá của công ty tư vấn, nhưng họ vẫn chấp nhận.

Họ hiểu, chúng tôi sử dụng giá trị đó để tái đầu tư, chứ không phải để phân chia lợi nhuận.

Thực tế thì ngay dịp cuối năm vừa qua, Tiền Phong Nam đã đầu tư xong nhà máy thứ hai tại khu đất liền kề với nhà máy thứ nhất ở Bình Dương.

Nhà máy này đã sẵn sàng đưa vào hoạt động trong năm 2020 để nâng cao năng lực cung ứng lên đến 60.000 tấn sản phẩm/năm.

Ông dự cảm như thế nào về nền kinh tế 2020?

Kinh tế thế giới đang có nhiều biến động nhưng tôi luôn lạc quan về triển vọng của nền kinh tế đất nước. Thương chiến Mỹ - Trung, Hiệp định CPTPP sẽ góp phần tác động chuyển hướng dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc - Hoa Kỳ sang Việt Nam và một số nước ASEAN, tiếp tục kích cầu ngành bất động sản khu công nghiệp, ngành xây dựng và ngành vật liệu xây dựng.

Cơ hội và thách thức luôn hiện hữu, nhưng Nhựa Tiền Phong luôn trong tâm thế sẵn sàng để đón nhận, biến những thách thức thành động lực phát triển.

Và trong chặng đường đó, chúng tôi luôn hướng về cộng đồng, đồng hành và phục vụ cộng đồng trong chiến lược phát triển bền vững của mình.

Tin bài liên quan