Tỷ giá khó biến động mạnh

(ĐTCK-online) Sau hơn một tuần tỷ giá VNĐ/USD có sự biến động tăng mang tính chất bất thường so với diễn biến tỷ giá từ đầu năm thì đến đầu tuần này đã chững lại, với tỷ giá liên ngân hàng được công bố ở mức 16.122 đồng/USD (thứ Ba), giảm so với hôm trước 2 đồng/USD.

Theo đánh giá của một số ngân hàng thương mại, về cơ bản những dao động mang tính chất ngắn hạn như vừa qua sẽ còn tiếp tục, nhưng trong dài hạn thì sự biến động tăng mạnh về tỷ giá sẽ khó xảy ra.

Từ đầu năm tới nay, mặc dù nhập siêu đang tăng lên nhưng do nguồn vốn đầu tư gián tiếp cũng như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp và kiều hối tăng mạnh nên trên thị trường nguồn cung ngoại tệ rất dồi dào. Việc dư cung ngoại tệ đã tạo sức ép lên tỷ giá, mà biểu hiện là hầu hết các ngân hàng đều công bố tỷ giá mua bán thấp hơn tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố.

Chỉ đến tuần vừa qua mới có diễn biến "bất thường" là tỷ giá đột ngột tăng hơn 10 đồng/USD trong vòng một tuần, bản thân ngân hàng có lượng kinh doanh ngoại tệ lớn nhất hiện nay là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đưa tỷ giá giao dịch của mình vượt lên trên tỷ giá liên ngân hàng.

Đã có khá nhiều nhận định khác nhau về vấn đề này, chẳng hạn như do NHNN tăng mua ngoại tệ cho quỹ dự trữ ngoại hối, nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp cũng tăng lên… Nhưng theo ông Phạm Chí Quang, Phó phòng Kinh doanh ngoại tệ Vietcombank, thì diễn biến thị trường như vừa qua là bình thường trên cơ sở cân đối ngoại tệ của các ngân hàng, không thể dựa vào sự biến động nhỏ của tỷ giá trong một giai đoạn ngắn để kết luận về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới. Cũng theo ông Quang, về tổng thể thì cung cầu ngoại tệ của ngân hàng vẫn đang khá ổn định, không có biểu hiện của sự thiếu hụt ngoại tệ.

Trên thực tế, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ giá đang chịu sức ép giảm chứ không phải tăng, hay nói khác đi là đồng nội tệ đang chịu sức ép lên giá. Mức tỷ giá 16.122 đồng/USD như hiện nay vẫn thấp hơn mức 16.140 đồng/USD vào thời điểm tháng 1/2007, như vậy VNĐ đã lên giá một chút. Luồng vốn bên ngoài vào, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư gián tiếp đang đặt ra bài toán đối với việc quản lý tỷ giá của NHNN phục vụ mục tiêu hỗ trợ xuất khẩu.

Luồng vốn chảy vào Việt Nam nói riêng và nguồn vốn đầu tư vào các thị trường châu Á đang tăng lên tạo sức ép rất mạnh lên đồng nội tệ, nhiều nước đã phải chấp nhận việc lên giá của đồng nội tệ dù ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu. Để ngăn chặn sự lên giá này là điều không dễ, hồi đầu năm, Thái Lan đã tính tới giải pháp hạn chế các luồng vốn đầu tư ngắn hạn là một trong các nguyên nhân chủ đạo khiến đồng Bath tăng giá nhưng đã không thành công.

Còn tại Việt Nam, NHNN vẫn khẳng định sẽ giữ mục tiêu ổn định tỷ giá như các năm trước theo hướng hỗ trợ xuất khẩu, nhưng kết quả chỉ có thể biết vào cuối năm, bởi với diễn biến từ đầu năm tới nay, cũng rất có thể đây là lần tăng giá đồng nội tệ hiếm hoi sau nhiều năm VNĐ đều đặn giảm giá nhẹ so với ngoại tệ.