Tỷ trọng dịch vụ tăng theo xu hướng tích cực

Tỷ trọng dịch vụ tăng theo xu hướng tích cực

Một trong những điểm đáng lưu ý trong giai đoạn từ khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đến nay là, nhóm ngành dịch vụ đã có tốc độ tăng cao hơn và chiếm tỷ trọng cao hơn so với nhóm ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản và nhóm ngành công nghiệp - xây dựng.

Theo đó, từ năm 2006 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP do nhóm dịch vụ đóng góp luôn cao hơn tốc độ tăng chung và cao hơn tốc độ tăng GDP do nhóm ngành nông - lâm nghiệp - thủy và nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tạo ra trong thời gian tương ứng.

Nhờ có tốc độ tăng cao hơn, nên tỷ trọng GDP do nhóm ngành dịch vụ tạo ra trong tổng GDP cao hơn và liên tục cao nhất trong 3 nhóm ngành.

Tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành dịch vụ tăng lên là xu hướng tích cực xét dưới 3 mặt.

Thứ nhất, đây là xu hướng chung của thế giới. Tỷ trọng GDP của nhóm ngành dịch vụ của Việt Nam hiện đứng thứ 5/11 nước ASEAN, thứ 26/40 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á và đứng thứ 123/150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có số liệu so sánh. Thứ hai, Việt Nam mở cửa ngày một sâu rộng hơn với thế giới. Nếu cơ cấu kinh tế cứ nghiêng về sản xuất sản phẩm hàng hóa và tỷ trọng dịch vụ thấp kéo dài sẽ gây thiệt thòi cho cả sản xuất và dịch vụ, do bị ép giá.

Thứ ba, nhóm ngành dịch vụ tuy được xếp thứ ba trong lời dạy của cha ông “phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”, nhưng khi nông nghiệp đã có “của ăn của để”, công nghiệp chưa giàu, thì “thương” (theo nghĩa rộng bao gồm cả thương mại trong nước, xuất khẩu, du lịch, tài chính - tiền tệ, bảo hiểm, vận tải…) sẽ góp phần làm cho nền kinh tế năng động, có thể ứng phó được với những biến động trên thế giới.

Cùng với sự tăng lên của tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành dịch vụ là sự gia tăng việc làm và vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trong nhóm ngành này.

Về lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ, nếu năm 1989 mới chiếm 13,8%, thì năm 2000 tăng lên 21,8%, năm 2010 là 30,3%, năm 2013 đạt 32% và thời điểm giữa năm 2014 là 32,1%. Năng suất lao động trong nhóm ngành này cao hơn so với năng suất lao động của hai nhóm ngành sản xuất hàng hoá cũng như năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế (cao gấp 1,62 lần và 1,35 lần).

Về vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng khá cao, bình quân đạt trên dưới 50% (1996 - 2000 đạt 50,3%; 2001 - 2005 đạt 48,7%; 2006 - 2010 đạt 52,4%; 2011 - 2013 đạt 50,9%).

Xuất khẩu dịch vụ đã gia tăng về kim ngạch (năm 2013 đạt 10,5 tỷ USD, cao gấp 2,5 lần năm 2005), trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch tăng cao hơn (tương ứng là gần 3,3 lần và 16%/năm). Đồng thời, nhập siêu dịch vụ 3 năm nay đã giảm về kim ngạch (từ 3.168 triệu USD năm 2011, xuống 2.900 triệu USD năm 2012, còn 1.400 triệu USD năm 2013).

Tuy đạt được nhiều kết quả, nhưng trong nhóm ngành này cũng còn một số hạn chế, bất cập và đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là, tính chuyên nghiệp của lao động trong ngành này chưa cao. Tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ còn thấp và giảm (từ 11,6% năm 2005, còn 9,4% năm 2010, còn 7,4% năm 2013). Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, thị phần của dịch vụ vận tải của Việt Nam còn rất nhỏ bé và nhập siêu về dịch vụ này khá lớn. Các loại dịch vụ khác, như tài chính, bảo hiểm cũng còn nhỏ bé.

Tin bài liên quan