Chia sẻ tại buổi talkshow ông Trịnh Hà, chuyên gia tài chính độc lập cho biết, hiện nay đang có những thay đổi rất lớn trong cấu trúc của chuỗi cung ứng và cuộc đua về công nghệ giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Lợi thế cạnh tranh thuộc về những nước áp dụng công nghệ tốt giúp phát triển bền vững.
Chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào tính cạnh tranh và chi phí cơ hội
Ngay sau khi tái đắc cử, chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục mở rộng các biện pháp thuế quan lên nhiều đối tác có thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Động thái này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và giới đầu tư.
Theo ông Trịnh Hà, Tổng thống Donald Trump đang thực hiện theo khẩu hiệu MAGA-"Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" nhằm đưa lượng lớn công việc trở về Mỹ, trong đó, có một số ngành rất quan trọng để tránh phụ thuộc vào các nước khác như bán dẫn, chip và gần đây là đóng tàu. Đây là một động lực sâu xa khiến ông Donald Trump đưa đến một mức thuế rất lớn đối với rất nhiều nước khác nhau.
Nhưng hiện tại phải nhìn nhận một thực tế cấu trúc của nền kinh tế Mỹ thay đổi rất nhiều với tỉ trọng của ngành dịch vụ chiếm tới khoảng 76,5% trong tổng sự đóng góp vào toàn nền kinh tế về GDP. Điều này đặt dấu hỏi liệu việc đưa những công việc, đặc biệt là những công việc mang tính chất lao động giản đơn, phổ thông về Mỹ hiệu quả hay không, cũng cần phải xét thêm yếu tố về sau, về mặt chi phí hay về mặt tính cạnh tranh. Đấy là động lực được nhắc đến nhiều nhất của ông Donald Trump khi đưa ra những mức thuế như hiện nay.
Tuy nhiên, ông Trịnh Hà cho rằng, động lực thứ hai, nguyên nhân sâu xa hơn đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, gần đây có sự phát triển rất mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là khu vực Đông Á, thách thức khả năng dẫn đầu của nền kinh tế Mỹ. Tổng thống Donald Trump nhận thấy vấn đề này và đã bắt đầu có những ngăn chặn bằng cách cấm vận hay tăng cường thuế để làm suy yếu dần những nước đang thách thức vị thế của Mỹ ban đầu như thế.
Thứ hai, động cơ tiếp theo nữa, trong quá trình ứng cử ông Donald Trump đưa ra những chính sách như hỗ trợ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thu nhập cho người dân và kích thích nền kinh tế. Điều này làm tăng việc thấu chi ngân sách rất lớn. Việc tăng thuế với các nước cũng là một phần để bù đắp cho mức chi rất mạnh trong kế hoạch của ông trong thời gian trước đó.
“Chuỗi cung ứng trên toàn cầu hiện phụ thuộc nhiều vào tính cạnh tranh và chi phí cơ hội để sản xuất một mặt hàng. Mỹ tập trung vào những công việc liên quan đến ngành dịch vụ nhiều hơn thay vì sản xuất trong thời gian trước đó. Trong khi sản xuất sẽ thâm dụng lao động. Nếu lao động của Mỹ sử dụng để sản xuất những ngành nghề có thâm dụng lao động lớn như dệt may, da giày hay một số ngành lắp ráp linh kiện điện tử, thì chi phí cơ hội của họ rất lớn, bởi ngành dịch vụ vốn có hiệu suất và lợi nhuận cao hơn. Lĩnh vực sản xuất sẽ dịch chuyển đến những nước có lợi thế về sản xuất như chi phí nhân công thấp, chi phí thuê mặt bằng, chi phí điện nước…”, ông Trịnh Hà nhận định.
Chia sẻ thêm về xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, vị chuyên gia tài chính độc lập này cho rằng, chuỗi cung ứng về sản xuất sẽ tiếp tục tồn tại như hiện nay hoặc dịch chuyển theo một phần sẽ đưa về nước Mỹ những ngành nghề liên quan ít đến thâm dụng lao động như công nghệ cao, ngành nghề có thể sử dụng máy móc, áp dụng công nghệ vào để sản xuất, như sản xuất chip.
Những ngành nghề khác có thể tiếp tục dịch chuyển và có thể ra khỏi Trung Quốc, với xu hướng đến những nước thân thiện hơn với Mỹ như Ấn Độ và ASEAN.
“Chuỗi cung ứng về mặt dài hạn vẫn duy trì cấu trúc như cũ, nhưng cần phải có thời gian dài để các bên đi đến thống nhất chung các điều khoản về thuế”, ông Trịnh Hà cho hay.
![]() |
Ông Trịnh Hà, chuyên gia tài chính độc lập trao đổi tại Talkshow. Ảnh Chí Cường. |
Lợi thế cạnh tranh: Át chủ bài công nghệ
Chia sẻ với Báo Tài chính - Đầu tư, ông Trịnh Hà phân tích, lợi thế cạnh tranh của các nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu nằm ở yếu tố công nghệ. Ngành công nghệ áp dụng vào trong chuỗi cung ứng sẽ nắm được mạch máu của nền kinh tế, giúp loại trừ các yếu tố liên quan về chi phí, nhân công, tăng trưởng mạnh mẽ về sản lượng. Tại Mỹ, những công ty có vốn hoá lớn nhất đều là công ty công nghệ, họ nắm giữ nhiều về công nghệ và có ảnh hưởng lớn. Để sản xuất những con chip có khả năng vượt trội và kích thước nhỏ, công nghệ là yếu tố tiên quyết.
Đối với Trung Quốc, họ đã bắt đầu chế tạo được chip dù về kích thước còn cách xa so với Mỹ, nhưng trong tương lai họ có thể làm được. Trong thời gian gần đây Trung Quốc đưa ra một số mô hình AI khá là tiên tiến và có thể cạnh tranh trực tiếp được những mô hình AI nổi tiếng như Chat GPT, Gemini.
Với những tiến bộ công nghệ và trong điều kiện là Trung Quốc đang nắm giữ mạch máu của ngành sản xuất của cả thế giới và chuỗi cung ứng của toàn cầu họ đã biết tận dụng lợi thế công nghệ để năng cao năng suất. Như mô hình nhà máy tối, sử dụng toàn bộ robot để vận hành công việc, tiết kiệm tối đa chi phí liên quan về nhân công, điện, nước… Với công nghệ mạnh, họ không cần dịch chuyển quá nhiều việc sản xuất qua những nước khác khi chịu áp lực về nguồn nhân cao có chi phí tăng lên trong thời gian gần đây.
Theo ông Trịnh Hà, Việt Nam đã tận dụng tốt quá trình dịch chuyển ngành sản xuất đến những nơi thâm dụng lao động cao, thu hút vốn FDI, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ thời gian gần đây. Vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á nói chung và trên thế giới nói riêng được nâng cao.
Việt Nam có lợi thế đặc biệt khi có vị trí địa lý ngay cạnh Trung Quốc, là nước đang nắm giữ mạch máu của ngành sản xuất, nên thường được chọn là điểm dịch chuyển chuỗi cung ứng với chi phí thấp, chính trị ổn định, lao động rẻ.
Tuy nhiên trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ đối mặt với vấn đề dân số sẽ già đi trong 20-30 năm tới, bắt buộc phải chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế hướng đến ngành nâng cao năng lực về công nghệ và sản xuất sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với lợi thế về lao động giá rẻ. Đồng thời, nâng cao kỹ năng của người lao động để sản xuất được những mặt hàng có giá trị gia tăng lớn hơn, đầu tư vào sản phẩm hơn, thích ứng với chính sách thuế quan của Mỹ.
Việt Nam có thể có một số những thứ có thể đưa vào đàm phán để có thể có những cái điều kiện tốt hơn đó chính là đất hiếm. Thứ hai, cần phải chứng minh rằng Việt Nam có sự quan trọng rất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam có thể sẽ được mức thuế tốt hơn đáng kể khi chứng minh được tầm quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng này.
Một số yếu tố cần chú trọng theo ông Trịnh Hà cần phải xóa bỏ những cái rào cản về việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Mỹ, đồng thời kiểm tra rất kỹ xuất xứ để tránh việc hàng hóa chỉ đến Việt Nam để đội lốt xuất xứ.
Hiện nay, Việt Nam đã có những hành động đáng kể trong việc tăng mua hàng hóa Mỹ để giảm được chênh lệch cán cân thương mại như nhập khẩu khí hoá lỏng LNG, máy bay, thuốc…
Talkshow "Thách thức và cơ hội từ biến động thuế quan” nằm trong chuỗi chương trình do Báo Tài chính- Đầu tư tổ chức nhằm đem đến cái nhìn đa chiều, chuyên sâu nhưng dễ tiếp cận cho công chúng và giới đầu tư có thể phản ứng trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, đặc biệt trên các lớp tài sản.