Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính Việt Nam

Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ứng dụng khí sạch LNG vào nhà máy sản xuất điện, khu dân cư, nhiên liệu thay thế cho xăng và dầu trong ngành công nghiệp và xây dựng là giải pháp tất yếu nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, nhưng quá trình triển khai còn nhiều khó khăn.

Đây là thông tin được chia sẻ tại hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành Công nghiệp: Ứng dụng khí mới LNG, nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính” do báo Xây dựng phối hợp với Viện Đào tạo Tư vấn và Phát triển Kinh tế (IDE) tổ chức chiều 30/1.

TS Nguyễn Hữu Lương, chuyên gia cao cấp - Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao, an toàn cho con người và môi trường, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao nhất. Trong khi theo các tài liệu đã được công bố trước đó, trữ lượng LNG trên thế giới còn dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài của nhân loại.

Một số ứng dụng phổ biến nhất của LNG trong đời sống, sản xuất là làm nhiên liệu thay thế cho than đá trong buồng đốt tại nhiều nhà máy nhiệt điện; hệ thống sưởi ấm, hệ thống sấy khô trong các khu dân cư và xưởng sản xuất thực phẩm; thay thế cho xăng, dầu diesel; trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất gạch, gốm sứ…

Theo dự báo, nhu cầu thị trường khí Việt Nam, giai đoạn 2030 – 2050 sẽ bao gồm khí tự nhiên nội địa và khí LNG nhập khẩu. Trong đó, cơ cấu nguồn cung khí tại Việt Nam từ nguồn mỏ trong nước sẽ chiếm từ 40 – 45%, nhu cầu khí nhập khẩu LNG ở Việt Nam sẽ dao động từ 55 - 60%. Nhu cầu sử dụng LNG sẽ tập trung tại 4 lĩnh vực gồm sản xuất điện; công nghiệp; sản xuất phân bón và hóa dầu.

Tuy vậy, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về cung ứng nguồn khí LNG. Theo TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, thị trường tiêu thụ điện đang tăng chậm so với mục tiêu trong các quy hoạch điện. Bỏ bảo lãnh Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp lại chưa đủ hành lang pháp lý để bảo lãnh thay thế, chính vì vậy làm khó khăn hơn cho hợp đồng mua bán điện.

Về vấn đề bảo lãnh/bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ nội tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế khi nhập khẩu LNG: khi mua LNG thường phải trả bằng ngoại tệ, nhưng thu về bằng tiền đồng, nhà đầu tư phải chuyển đổi tiền nhưng được yêu cầu phải bảo lãnh về khối lượng và tỷ giá.

Về vấn đề ban hành khung giá phát điện cho nhà máy phát điện khí LNG, hiện vẫn còn đang nghiên cứu xem xét. Bộ Công Thương cho đến nay vẫn chưa thực hiện được do khó khăn về Luật Điện lực chưa cho phép thực hiện. Trong khi đó, Luật giá đã cho phép tính đúng, tính đủ về cơ cấu giá thành.

Ngoài ra, vấn đề về cam kết tổng sản lượng điện mua hàng năm (Qc) và cam kết bao tiêu sản lượng khí LNG hàng năm cũng đang là một thách thức. Bởi theo ông Thập, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được mua điện của các nhà máy và bán ra theo sự điều tiết, đầu vào phải đi đàm phán với các nhà máy nên không đủ để thực hiện cam kết. Thêm vào đó, cam kết về đường dây truyền tải và đầu nối của dự án cũng là vấn đề gặp rất nhiều khó khăn. Điều này dẫn tới nguy cơ mất kiểm soát tiến độ của chuỗi các dự án điện khí LNG.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Thập, khó khăn và thách thức lớn nhất khi phát triển điện khí LNG theo quy hoạch điện VIII hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách cho mọi hoạt động của chuỗi khí điện LNG và tiêu thụ điện LNG.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động độc lập và tự chủ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)/EVN còn thiếu khi Chính phủ không còn bảo lãnh cho tất cả các loại hình dự án. Cách tiếp cận và xử lý của cơ quan quản lý các cấp như hiện tại sẽ làm giảm hiệu quả và nhiệt huyết của các nhà đầu tư và đối tác trong chuỗi dự án.

Với thực tế trên, TS. Nguyễn Quốc Thập đã chỉ ra một số nhóm giải pháp. Thứ nhất là cần thay đổi nhận thức và tư duy rằng điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện mà cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy.

Thứ hai là điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế. Giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá. Các cam kết dài hạn và thị trường cũng là các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch.

Thứ ba là cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch Điện. Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn. Thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng.

Ngoài ra cần sửa đổi Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn. “Cần thiết có một nghị quyết của Quốc hội để đảm bảo mục tiêu quy hoạch năng lượng và Quy hoạch điện 8”, ông Thập nhấn mạnh.

Tin bài liên quan