UPCoM thay áo mới…

UPCoM thay áo mới…

(ĐTCK-online) Kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 95/2010/TT-BTC ngày 30/6/2010 về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng (CTĐC) chưa niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội, thị trường UPCoM trở thành tâm điểm quan tâm của các thành viên thị trường.

Nhìn lại quãng thời gian từ khi thành lập và đưa thị trường UPCoM vào giao dịch ngày 24/6/2009 với 10 mã cổ phiếu, đây được coi là động thái rất tích cực, nhằm tạo môi trường hấp dẫn, thu hút các cổ phiếu của CTĐC chưa niêm yết đăng ký giao dịch. Trước khi thông tư này được ban hành, cơ chế giao dịch trên UPCoM rất kém hấp dẫn các thành viên thị trường. Về tính thanh khoản, nếu so với "chợ" OTC, thì UPCoM bị nhiều NĐT đánh giá vẫn còn kém xa, giá trị giao dịch bao gồm cả khớp lệnh điện tử và khớp lệnh thỏa thuận khá thấp, thấp nhất là tháng 12/2009, tổng giá trị toàn thị trường chỉ đạt gần 54 tỷ đồng, có những mã không có giao dịch trong nhiều phiên liên tiếp.

Mặc dù biên độ giao dịch là cao nhất so với HOSE, HNX (10%), nhưng các NĐT ít mua bán trên thị trường này do e ngại rủi ro thanh khoản. Cách thức giao dịch thông qua thỏa thuận thông thường hầu như không có khác biệt gì so với cách thức giao dịch cũ trên "chợ" OTC. Còn với cách thức giao dịch điện tử, các đại diện giao dịch kiểm tra những lệnh thoả thuận điện tử đang được chào mua, chào bán và chọn các lệnh phù hợp để thực hiện giao dịch. Ở đây, vai trò tạo lập thị trường của  CTCK là rất lớn, nhưng rất nhiều công ty đã không chủ động trong việc chia lệnh để khớp thành công.

 

Và những động thái tích cực…..

Từ đầu năm 2010 đến nay, số lượng CTĐC đăng ký giao dịch trên UPCoM tăng mạnh, trong đó xuất hiện không ít hàng "khủng" về quy mô và vị thế như CTCP Thủy điện miền Trung (CHP) với vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng, CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) với vốn điều lệ 2.560 tỷ đồng và có tới 16 DN có vốn điều lệ trên 80 tỷ đồng. Một số mã có khối lượng giao dịch khá lớn như UDJ, API, GTH, VPC…

Theo quy định tại Thông tư 95, ngày 19/7 tới đây sẽ thực hiện giao dịch khớp lệnh liên tục trên thị trường UPCoM. Đón nhận tin vui này, nhiều CTCK đã hoàn tất việc chuẩn bị cơ sở vật chất và các dịch vụ online cho giao dịch trên UPCoM. CTCK vào cuộc là một tín hiệu tốt, cùng với giá trị khớp lệnh trên UPCoM tăng vọt trong những phiên đầu tháng 7, chứng tỏ NĐT cũng rất quan tâm đến thị trường này.

Cùng với việc hoàn chỉnh cơ chế khớp lệnh cho thị trường UPCoM, ngày 4/6/2010, HNX đã ban hành quy chế công bố thông tin tại Sở, trong đó quy định rất rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của các CTĐC đang giao dịch tại UPCoM. Việc siết chặt hoạt động công bố thông tin của DN chắc chắn sẽ giúp NĐT yên tâm hơn khi giao dịch.

 

….vẫn cần thêm các giải pháp tạo hàng

Những động thái tích cực nêu trên đã đóng góp rất lớn vào tâm lý lạc quan trên thị trường UPCoM những ngày qua, nhưng để duy trì sự khởi sắc này lâu dài, hấp dẫn được hàng ngàn CTĐC đăng ký giao dịch, chấm dứt hoạt động của các "chợ" OTC tự phát, thì vẫn cần thêm sự đồng thuận và hỗ trợ từ tất cả các thành viên thị trường.

Thiết nghĩ, bên cạnh những chế tài đối với các CTĐC chưa thực hiện kế hoạch lưu ký tập trung thì vẫn cần có những giải pháp tăng thêm tính hấp dẫn về thanh khoản cho thị trường, thúc đẩy việc đăng ký giao dịch, thu hút sự quan tâm của NĐT và do đó cũng sẽ thu hút các CTĐC.

Ngoài ra, khối CTCK cũng cần thực sự đóng vai trò là nhà tạo lập thị trường, linh hoạt trong cơ chế giao dịch thỏa thuận, cung cấp thêm dịch vụ về thông tin đối với các công ty đăng ký giao dịch tại UPCoM, hỗ trợ DN trong công tác quan hệ với cổ đông để nâng cao tính minh bạch của cổ phiếu giao dịch.