Hiện tại vẫn có nhiều ý kiến trái chiều đối với quan điểm nên giữ hay bỏ Quỹ BOG (Ảnh minh hoạ)

Hiện tại vẫn có nhiều ý kiến trái chiều đối với quan điểm nên giữ hay bỏ Quỹ BOG (Ảnh minh hoạ)

Uỷ ban Tài chính Ngân sách: Quỹ bình ổn xăng dầu đôi khi gây tác dụng "ngược"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) do doanh nghiệp quản lý nhưng lại được trích lập và sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước; nguyên tắc trích lập, chi sử dụng quỹ chưa rõ ràng... dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp.

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, sáng 23/5, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo nói trên của Chính phủ.

Đây là lần đầu tiên ông Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo trước Quốc hội, sau khi được bầu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách vào chiều 22/5.

Theo đó, tân Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhận định, những tồn tại, hạn chế, lãng phí trong tổ chức quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách (trong đó có quỹ BOG) chậm được khắc phục.

Cụ thể là chậm rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ sở pháp lý để quản lý các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Việc rà soát, sắp xếp các quỹ theo Nghị quyết 792/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH chưa được quan tâm. Chưa đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ, trong đó có Quỹ bình ổn giá xăng dầu...

Qua giám sát tại các địa phương, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do địa phương quản lý hầu hết có quy mô nhỏ, được thành lập bằng các văn bản dưới luật. Mỗi quỹ có quy định về quy chế, điều lệ hoạt động riêng; một số quỹ ở địa phương nhưng do cơ quan trung ương quản lý nên địa phương khó đánh giá được hiệu quả hoạt động.

Có quỹ khó huy động nguồn vốn, mức huy động thấp, không đảm bảo nguồn kinh phí để hoạt động; một số quỹ có tính chất, nhiệm vụ, mục tiêu và đối tượng phục vụ giống nhau; một số quỹ không tự đảm bảo được kinh phí hoạt động, quy định về chế độ, định mức chi quản lý không thống nhất... Việc duy trì nhiều quỹ tại địa phương trong khi hiệu quả hoạt động của hầu hết các quỹ không cao dẫn đến phân tán, lãng phí nguồn lực.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ.

Dẫn kết quả giám sát của Ủy ban Kinh tế, Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhận định, Quỹ bình ổn giá xăng dầu do doanh nghiệp quản lý nhưng lại được trích lập và sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước; nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, không có cơ sở thuyết phục để quy định mức trích lập, mức chi cho từng sản phẩm xăng, dầu tại mỗi kỳ điều hành, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng Quỹ còn thiếu công khai, minh bạch, chưa chặt chẽ, rõ ràng; việc sử dụng Quỹ không đạt được các mục tiêu đề ra, chưa thể hiện đúng bản chất của Quỹ.

Theo chương trình kỳ họp, sáng 25/5 Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Việc giữ hay bỏ Quỹ BOG là vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều trong suốt thời gian qua, khi xây dựng Luật giá (sửa đổi).

Trước đó, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, cho ý kiến về Luật Giá (sửa đổi) diễn ra chiều 5/4, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, đa số ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đề nghị giữ quy định về quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định về Quỹ bình ổn giá trong Luật giá song cần hoàn thiện cơ chế quản lý Quỹ, quy định nguyên tắc, điều kiện thành lập Quỹ, nguồn hình thành Quỹ, thời hạn hoạt động của Quỹ và giao cho Chính phủ quyết định, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhân dân.

Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này tại Dự thảo Luật.

Sau đó, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Cơ quan soạn thảo thống nhất xin được giữ quy định về Quỹ bình ổn giá tại Dự thảo Luật (nếu không quy định về quỹ trong Luật, trường hợp phát sinh cần thiết phải thành lập quỹ, sẽ không có căn cứ để triển khai).

Về phía cơ quan phụ trách, cả Bộ Công thương và Bộ Tài chính đều cho rằng quỹ bình ổn là công cụ linh hoạt duy nhất để Nhà nước có thể điều hành mức tăng giảm giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành. Nếu bỏ quỹ bình ổn giá sẽ đồng nghĩa với việc bỏ điều hành giá xăng dầu.

Tuy nhiên, việc điều hành Quỹ này trong năm ngoái theo đánh giá của một số chuyên gia là chưa phát huy hiệu quả.

Tại Hội nghị góp ý dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương tổ chức ngày 14/2 tại Hà Nội, TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân phát biểu rằng: "Nên gọi Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ gây bất ổn xăng dầu thì đúng hơn, vì nguyên tắc hoạt động quỹ không đảm bảo bình ổn giá xăng dầu".

TS. Phạm Thế Anh cho rằng, qua nghiên cứu thực tế vận hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ "sáng tạo" của Việt Nam nhưng đi ngược với thế giới. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc trích lập trước để chi sau qua giá thì không giúp hạ thấp chi phí xăng dầu. Quỹ có xu hướng trích lập khi kỳ điều hành trước giá thế giới giảm và ngược lại. Nhưng trên thực tế có thời điểm trích lập quỹ ngay cả khi giá xăng dầu tăng và chi quỹ khi giá giảm.

"Năm 2022, có thời điểm giá xăng lên đến 29.000 - 30.000 đồng/lít thì vẫn trích lập quỹ ở mức cao, còn hiện nay giá xăng thế giới giảm thì lại tiếp tục chi quỹ thì không đảm bảo nguyên tắc bình ổn giá xăng dầu", ông Thế Anh dẫn chứng.

Vị chuyên gia cũng khẳng định, qua khảo sát trong 3 năm gần đây thì thấy, mức độ biến động (đo bằng lệch chuẩn) của giá xăng dầu sau khi sử dụng quỹ có xu hướng cao hơn. Vấn đề tái phân phối thu nhập trong sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang làm gia tăng bất bình đẳng, khi người dùng dầu đang phải "trợ giá" cho những người dùng xăng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Tổng thư ký VCCI cũng cho rằng, từ nghiên cứu của TS. Phạm Thế Anh và phân tích thị trường, xét về cả lý thuyết lẫn thực tiễn, Quỹ bình ổn giá xăng dầu không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá xăng dầu như mong muốn của Nhà nước. Vì thế, trong văn bản góp ý dự thảo nghị định sửa Nghị định 95 gửi Chính phủ, VCCI cũng đề xuất nên bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tính đến hết 31/3, số dư Quỹ BOG là hơn 5.640 tỷ đồng, tăng khoảng 1.040 tỷ đồng so với quý IV/2022. Đây cũng là số dư quỹ cao nhất từ đầu năm 2021 đến nay.

Quý đầu năm nay, cơ quan quản lý sử dụng hơn 658,99 tỷ đồng từ quỹ bình ổn và trích quỹ 1.681 tỷ đồng. Lãi vay phát sinh trên số dư quỹ trong quý IV/2022 là 2,17 tỷ đồng.

Trong 33 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là doanh nghiệp có số dư quỹ cao nhất với 1.985 tỷ đồng, chiếm 35% tổng quỹ. Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà dư quỹ hơn 561 tỷ đồng...

Trong khi đó, 7 đơn vị đang âm quỹ bình ổn. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) âm nhiều nhất với hơn 513 tỷ đồng. Các thương nhân đầu mối khác như Petro Bình Minh, Long Hưng, Trường An, Hải Linh, Tân Nhật Minh cũng âm hàng chục tỷ đồng.

(Theo Báo cáo ngày 22/5/2023 của Bộ Tài chính)

Tin bài liên quan