Ông Nguyễn Đoan Hùng.

Ông Nguyễn Đoan Hùng.

Vẫn cấp phép cho CTCK, vì sao?

(ĐTCK-online) Hoa Anh Đào, Phượng Hoàng, SJC… một loạt công ty chứng khoán (CTCK) vẫn được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cấp phép trong thời gian qua mặc dù trên thị trường đã có gần 90 công ty, hiện TTCK chưa thoát khỏi chu kỳ điều chỉnh, tăng trưởng kém bền vững. Báo ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK xung quanh việc cấp phép cho các CTCK cũng như một số vấn đề khác của thị trường.

UBCK đã có quyết định tạm ngừng nhận hồ sơ thành lập mới CTCK. Vì sao đến nay vẫn có những công ty được chấp thuận nguyên tắc, thưa ông?

Ngày 28/4, UBCK đã thông báo tạm dừng nhận hồ sơ thành lập các CTCK. Tuy nhiên, đến nay vẫn có công ty được cấp phép là do những hồ sơ UBCK đã nhận trước thời điểm trên. UBCK sẽ nhận hồ sơ và cấp phép trở lại khi Quyết định 27/2007/QĐ-BTC được sửa đổi, theo đó tiêu chí thành lập CTCK sẽ được nâng lên nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động cũng như hạn chế việc thành lập ồ ạt. Hiện còn 25 hồ sơ xin thành lập CTCK nộp lên UBCK (từ trước ngày 28/4/2008), trong đó có khoảng 14 công ty không còn ý định thành lập; hơn 10 bộ hồ sơ đang bổ sung và chờ xem xét cấp phép về nguyên tắc.

Xin ông cho biết quy trình cấp phép một CTCK?

Khi nhận hồ sơ xin thành lập CTCK, chúng tôi xem xét hồ sơ đó đủ điều kiện được cấp phép hay không. Điều kiện ở đây là vốn điều lệ, cơ cấu cổ đông, nghiệp vụ hoạt động… Nếu DN nào đủ điều kiện sẽ được đồng ý cấp phép về nguyên tắc. Sau khi được cấp phép về nguyên tắc, trong vòng 6 tháng, các CTCK phải đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ, kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ người hành nghề, góp vốn phong tỏa tài khoản, tuyển dụng, đào tạo nhân lực…, đáp ứng các yêu cầu của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này. 

Hết khoảng thời gian kể trên, UBCK kiểm tra xem đã đủ điều kiện chưa và cấp phép chính thức cho CTCK đi vào hoạt động. Sở dĩ có những trường hợp bị kéo dài là do CTCK thay đổi cổ đông sáng lập, thay đổi vốn điều lệ, rút bớt hoặc thêm các nghiệp vụ, thay đổi trụ sở…

Như trên ông đã nói, UBCK sẽ nhận hồ sơ và cấp phép trở lại khi có tiêu chí mới cho việc thành lập CTCK. Cụ thể, những tiêu chí mới là gì, thưa ông?

UBCK đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK ban hành kèm theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC. Theo đó, đối với CTCK không phải là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cần có tối thiểu 2 cổ đông sáng lập là pháp nhân, trong đó có ít nhất 1 pháp nhân (nhưng không phải là CTCK) được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm hoặc Luật Chứng khoán. Các cổ đông sáng lập là pháp nhân phải cùng nhau nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ của CTCK, trong đó tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông sáng lập là pháp nhân (nhưng không phải là CTCK) được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm hoặc Luật Chứng khoán  tối thiểu phải đạt 30% vốn điều lệ của CTCK. Đối với CTCK là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên chủ sở hữu phải là pháp nhân được thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm hoặc Luật Chứng khoán.

Một điểm quan trọng nữa là vốn đầu tư của chủ sở hữu sau khi trừ đi tài sản dài hạn tính theo báo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán và báo cáo tài chính quý gần nhất tính đến thời điểm hồ sơ đề nghị thành lập CTCK đã đầy đủ hợp lệ tối thiểu phải bằng 2 lần số vốn dự kiến góp vào CTCK.

Trên đây là một trong nhiều nội dung thay đổi về tiêu chí thành lập CTCK và UBCK đang lấy ý kiến đóng góp và trình Bộ Tài chính xem xét ban hành.

Cũng như CTCK, UBCK đã tạm dừng nhận hồ sơ thành lập công ty quản lý quỹ. Việc cấp phép đến nay ra sao, thưa ông?

Đối với hồ sơ thành lập công ty quản lý quỹ thì về cơ bản, chúng tôi đã cấp phép hết do điều kiện về vốn điều lệ thấp hơn và yêu cầu về số lượng nhân lực ít hơn, lĩnh vực hoạt động cũng đỡ phức tạp hơn. Hồ sơ thành lập công ty quản lý quỹ sẽ được UBCK nhận trở lại và xem xét cấp phép khi có các tiêu chí mới.