PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Văn hóa - “sức mạnh mềm” định vị tên tuổi Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Văn hóa chính là “sức mạnh mềm” để định vị Việt Nam trên bản đồ quyền lực của thế giới.

Theo PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, sức sống của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943, tạo nên sự khởi đầu đột phá về văn hóa.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Trong ảnh: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Trong ảnh: Biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương tháng 2/1943, Đề cương về Văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo đã được thông qua. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, tạo nền tảng cho sự nghiệp xây dựng một nền văn hóa mới. Được soạn thảo trong bối cảnh đặc biệt của cuộc đấu tranh cách mạng, Đề cương về Văn hóa Việt Nam có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

Cách đây 80 năm, Đề cương về Văn hóa Việt Nam ra đời trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với mỗi người làm văn hóa, đặc biệt là với những văn, nghệ sĩ. Đề cương chỉ với hơn 1.400 từ, nhưng đã đề ra những mục tiêu để phát triển nền văn hóa tân dân chủ mang tinh thần dân tộc và dựa trên các nguyên tắc: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa.

Với những giá trị như vậy, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã tạo ra sự chuyển động rất mới mẻ, mang sức sống mới cho sự phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn đó. Văn hóa thực sự đã trở thành một mặt trận, mà ở đó, những người làm văn hóa đóng vai trò như những chiến sĩ. Nhờ đó, chúng ta đã có một giai đoạn “thăng hoa” những tác phẩm đỉnh cao, ghi dấu những cống hiến to lớn của các văn, nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa, trải dài qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng đất nước.

Những tư tưởng của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã góp phần định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong thế kỷ 21, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, theo bà, bản Đề cương còn giá trị thực tiễn không?

Tôi khẳng định, Đề cương về Văn hóa Việt Nam vẫn còn giá trị thực tiễn đến hôm nay. Với công nghệ 4.0 và nhiều cơ chế để phối hợp hiện nay, chúng ta hãy thực hiện mục tiêu và những nguyên tắc Đề cương vạch ra một cách khoa học, tạo sự liên kết giữa các chủ thể với tinh thần trách nhiệm và cái nhìn thấu suốt. Và đây không phải câu chuyện riêng của ngành văn hóa, nếu muốn phát triển văn hóa như một ngành kinh tế mũi nhọn.

Quay lại những năm 2019 - 2021, điều gì khiến Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19? Đó chính là sự cấu kết về văn hóa tinh thần, phát huy cao độ những giá trị văn hóa và vận dụng một cách vô cùng linh hoạt khoa học - công nghệ. Ngày nay, văn hóa tinh thần là một mặt trận. Đối diện với những thách thức, nhất là những thách thức phi truyền thống như đại dịch Covid-19 - cũng có thể coi đó là một loại “giặc”, chúng ta sẽ phải dựa vào sức mạnh văn hóa, dựa vào các nguyên tắc mà bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đưa ra để vận dụng vào thực tế.

Tổng Bí thư Trường Chinh đã khẳng định, văn hóa là một mặt trận ngang hàng với chính trị và kinh tế. Ngày nay, văn hóa là một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa chính là nguồn mạch để phát triển đất nước theo hướng bền vững hơn.

Việt Nam đang ở thời điểm dân số vàng. Tỷ lệ người trẻ có khả năng chuyển hóa được những giá trị văn hóa truyền thống gắn với sự sáng tạo của khoa học - công nghệ ở mức cao. Họ sẽ tạo ra một diện mạo mới, để một lần nữa văn hóa trở thành một mặt trận. Điều này được biểu thị qua những sản phẩm, dịch vụ văn hóa, các hoạt động văn hóa. Đây cũng chính là cách chúng ta có thể phát huy được động lực và sức mạnh về văn hóa Việt Nam và văn hóa Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh mềm, trong sức mạnh tổng thể quốc gia, để có thể định vị được sức mạnh của Việt Nam trên “bản đồ quyền lực” của thế giới.

Việt Nam là một quốc gia rất giàu tài nguyên văn hóa, nhưng các ngành công nghiệp văn hóa phát triển chưa như kỳ vọng. Vì sao chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu và hệ thống dữ liệu về văn hóa, thưa bà?

Hiện nay, công nghiệp văn hóa đóng góp 3,61% tổng GDP; có khoảng 3 triệu lao động, chiếm khoảng 6% tổng lao động của Việt Nam.

Việc xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa là vấn đề chúng tôi luôn đau đáu quan tâm. Bởi nếu chúng ta không có một hệ thống dữ liệu toàn vẹn về văn hóa, sẽ rất khó xác định thực tế đóng góp của văn hóa cho kinh tế; các tác phẩm, sản phẩm, dịch vụ văn hóa của chúng ta đang ở các dạng thức gì, giá trị về mặt tinh thần và doanh thu ra sao… Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải tiến hành xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa.

Từ những số liệu thực tiễn, mới có thể định lượng và chứng minh được văn hóa đang đóng góp gì. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn nhận được các tác phẩm mang tính đỉnh cao, những tác phẩm đáp ứng nhu cầu của đại chúng và đâu là tác phẩm chứa đựng những giá trị để dự đoán được về tương lai. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống dữ liệu về văn hóa chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Chính vì chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu về văn hóa, nên chúng ta chưa có số liệu đáng tin cậy, thuyết phục để định vị thương hiệu.

Để tạo ra được những tác phẩm đỉnh cao, theo bà, cần có những giải pháp nào?

Để tạo ra được tác phẩm đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực, chúng ta cần có một môi trường đủ mạnh để có thể thúc đẩy sự sáng tạo của những người thực hành văn hóa. Chúng ta cần phải tạo ra một mô hình có sự phối hợp đồng bộ của 3 nhà: nhà nước, nhà đầu tư và nhà thực hành sáng tạo về văn hóa. Nhưng mô hình ấy không thể xác lập được ngay, mà cần có sự khảo sát rất kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến của rất nhiều chủ thể liên quan một cách cầu thị, khoa học và phải đáp ứng được nhu cầu của đại chúng.

Hiện nay, văn hóa chưa được đầu tư đúng tầm vì liên quan đến luật, phải bổ sung, điều chỉnh về chính sách hợp tác công - tư thì văn hóa mới trở thành một mặt trận được đầu tư ưu đãi. Khi đó, mới có thể tạo ra sự thay đổi đột phá. Ngoài ra, liên quan đến quỹ về văn hóa, phải tạo ra hành lang pháp lý để cho quỹ được triển khai...

Theo bà, trong thời gian tới, các địa phương cần phải làm gì để có thể phát huy tốt hơn nữa Đề cương về Văn hóa Việt Nam?

Theo tôi, trước tiên, các chủ thể văn hóa, các địa phương cần phải nhìn lại mục tiêu phát triển một nền văn hóa mới mà Đề cương về Văn hóa Việt Nam đặt ra, các mục tiêu về phát triển văn hóa được đặt ra ở Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cũng như Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Thứ hai, căn cứ theo chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, có một hệ thống giải pháp đi kèm và nhìn thẳng vào thực tế của địa phương, xem xét địa phương có thế mạnh gì để phát triển văn hóa, đi theo lộ trình thế nào và lộ trình này phải gắn với tính liên vùng, liên ngành trên phạm vi toàn quốc, kết nối với quốc tế.

Hiện nay, mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO có khoảng 21 tiêu chí, giúp chúng ta có một điểm tựa khung để rà soát lại, hướng tới việc ưu tiên mục tiêu phát triển của quốc gia gắn với phát triển bền vững và gắn với sự biểu đạt đa dạng văn hóa của thế giới.

Tôi thấy, có 2 địa phương có tính năng động, chủ động rất cao: Hà Nội đã trở thành thành phố sáng tạo và ban hành nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa; Hội An đang triển khai rất nhiều hoạt động để có thể trở thành thành phố sáng tạo tiếp theo của Việt Nam gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là hai mô hình thí điểm trả lời cho câu hỏi: địa phương cần phải làm gì để hiện thực hóa những nguyên tắc, giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là một trong những đơn vị phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển”, diễn ra vào ngày 27/2.

PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, ngoài phần khai mạc, Hội thảo sẽ có hai phiên. Phiên thứ nhất tập trung phân tích giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam. Phiên thứ hai tập trung vào những vấn đề về văn hóa con người Việt Nam dựa trên nền tảng giá trị của Đề cương và tạo ra động lực để phát triển trong giai đoạn mới. Ở phần này, sẽ tập trung vào những giải pháp mang tính liên ngành, coi văn hóa là một mặt trận được đầu tư để văn hóa thực sự trở thành một trụ cột, trở thành “ngọn đuốc soi đường cho quốc dân đi”.

“Thực hiện mục tiêu và những nguyên tắc của Đề cương, nói theo ngôn ngữ của ngày hôm nay, chúng ta phải làm thế nào để chấn hưng văn hóa Việt Nam, để văn hóa Việt Nam trở thành một trụ cột của sự phát triển theo hướng bền vững. Làm thế nào để bản sắc văn hóa Việt Nam, tinh thần dân tộc Việt Nam, giá trị của Việt Nam sẽ được định vị trên trường quốc tế thông qua năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa, ngoại giao văn hóa, truyền thông văn hóa…”, PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương nhấn mạnh.

Bà bày tỏ mong muốn, các vấn đề đặt ra tại Hội thảo sẽ tạo được sự chú ý, hình thành sự lan tỏa và sẽ có nhiều giải pháp tập trung đầu tư cho văn hóa, tối ưu hóa các nguồn lực văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành một mặt trận ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Tin bài liên quan