Văn hóa… từ chức

Văn hóa… từ chức

Mấy năm gần đây, báo chí Việt Nam bắt đầu nhắc đến cụm từ trên. Mặc dù việc này đã trở nên quá phổ biến ở các nước trên thế giới, khi mà người chịu trách nhiệm đứng đầu rút lui khỏi vị trí do không hoàn thành được nhiệm vụ mà họ nắm giữ. Tuy nhiên, văn hóa từ chức ở Việt Nam dường như vẫn còn là một khái niệm khá xa lạ đối với nhiều người. Tuy vậy, người ta cũng thỉnh thoảng nhắc đến việc xin từ chức ở một vài cơ quan nhà nước, hay chuyện phổ biến hơn ở một số câu lạc bộ bóng đá. Nhưng hình như việc người đứng đầu một doanh nghiệp làm ăn thua lỗ tự nguyện xin từ chức là chuyện có lẽ ít người nghe.

Mới đây nhất, CEO của hãng sản xuất máy tính lớn thứ 4 trên thế giới Lenovo đã từ chức sau khi Hãng chịu thua lỗ 96,7 triệu USD trong ba tháng cuối năm ngoái do doanh số sụt giảm bởi ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Trước đó, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn tài chính Mỹ đã xin từ chức sau khi cuộc khủng hoảng tín dụng nổ ra tại đây và lan ra toàn cầu.

Trở lại với câu chuyện ở Việt Nam, ngày 9/2/2009, Sở GDCK TP. HCM đã có thông báo đưa 4 cổ phiếu REE, VHG, BHS và VTA vào diện kiểm soát do kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2008 thua lỗ. Cụ thể, trong năm 2008 REE lỗ 152,39 tỷ đồng trên vốn điều lệ hơn 804 tỷ đồng. VHG lỗ 17,02 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 250 tỷ đồng. BHS lỗ 43,27 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 185 tỷ đồng. VTA lỗ 2,8 tỷ đồng trên vốn điều lệ là 60 tỷ đồng. Trước đó, HOSE cũng đã đưa cổ phiếu của TRI và BBT vào diện kiểm soát.

Ngoài 6 doanh nghiệp trên, còn gần 50 doanh nghiệp vẫn chưa nộp báo cáo tài chính nên con số trên có thể còn tăng tiếp. Dưới góc độ một nhà đầu tư, một cổ đông của doanh nghiệp, tôi tự hỏi liệu những người lãnh đạo công ty nghĩ gì về kết quả kinh doanh ngày hôm nay? Họ là những người đã được cổ đông tin tưởng giao cho nắm chức vụ cao nhất trong doanh nghiệp, nhưng dường như họ đã không hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Liệu đã đến lúc doanh nghiệp cần sự đổi mới, cần một người lãnh đạo thực sự có khả năng lèo lái "con thuyền" vượt qua những khó khăn trước mắt. Hoặc đơn giản chỉ là sự thay máu, tạo nên một không khí mới lạ hơn trong ban lãnh đạo doanh nghiệp và qua đó níu giữ niềm tin của các cổ đông. Có ai trong số những lãnh đạo kia đã tự vấn bản thân về chuyện xin rút lui khỏi sân khấu để nhường chỗ cho người khác? Hay mức lương hàng chục triệu đồng mà cổ đông trả cho họ vẫn còn níu chân họ ở lại!?

Vào đầu năm, đến hẹn lại lên, mùa Đại hội cổ đông lại bắt đầu. Đây chính là thời điểm mà cổ đông có quyền đem những câu hỏi trên ra chất vấn những người đứng đầu bộ máy quản lý công ty. Nên chăng, cụm từ văn hóa từ chức cần được nhắc đến nhiều hơn nữa, để nó đi vào cuộc sống như một khái niệm bình thường.