Vàng nội đứng nhìn vàng ngoại giảm

Vàng nội đứng nhìn vàng ngoại giảm

(ĐTCK) Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước lại lên trên 5 triệu đồng/lượng.

Vàng nội đứng nhìn vàng ngoại giảm ảnh 1

Mở cửa phiên giao dịch sáng hôm qua, giá vàng SJC được tập đoàn DOJI niêm yết ở mức 37,12 mua vào và 37,20 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 4.000 đồng/lượng chiều mua vào và 6.000 đồng chiều bán ra so với chốt phiên ngày hôm trước. Còn Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết mức giá mua vào là 37,0 triệu đồng/lượng, bán ra 37,1 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giảm mạnh hơn do bế tắc trong vấn đề tài khó của Mỹ. Chiều qua, giá vàng giao ngay tại châu Âu giảm mạnh xuống 1.255 USD/ounce. Tính theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 31,7 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 5,4 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo cấp cao một DN kinh doanh vàng cho rằng, xu hướng giảm của giá vàng thế giới sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Trong khi đó, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới vẫn “doãng rộng”. Đây có thể là do phản ứng của các doanh nghiệp kinh doanh vàng trước việc NHNN bắt đầu giảm bớt tần suất các phiên đấu thầu vàng. Thực tế, thời gian gần đây, cơ quan này chỉ tổ chức mỗi tuần 1 phiên đấu thầu, với khối lượng chào thầu rất hạn chế, chỉ bằng khoảng 1/3 so với phiên chào thầu nhiều nhất. Thậm chí, có tuần, NHNN không tổ chức phiên đấu thầu vàng nào.

TS. Tô Ánh Dương, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, thị trường vàng cần quản lý theo quy luật cung - cầu trên cơ sở liên thông, gắn kết với thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, do vàng là tài sản quốc gia và là hàng hóa mang tính tiền tệ đặc biệt nên Nhà nước có cơ chế quản lý sao cho huy động tối đa nguồn lực này phục vụ mục tiêu phát triển và bình ổn kinh tế vĩ mô, có thể điều tiết được thị trường khi cần.

Bên cạnh đó, cùng với quá trình tự do hoá thị trường tài chính, thị trường vàng cũng cần tự do từng bước nhằm phù hợp với trình độ phát triển chung của thị trường tài chính. Theo kinh nghiệm của nhiều quốc gia, tiến trình tự do hoá thị trường vàng nên bắt đầu từ tự do hoá thị trường vàng vật chất, sau đó đến kinh doanh vàng tài khoản và cuối cùng là từng bước xoá bỏ kiểm soát đối với hoạt động xuất - nhập khẩu vàng.

Đồng thời, NHNN là đầu mối quản lý thị trường vàng và điều tiết thị trường này theo quy luật cung - cầu thị trường cần phải hướng tới việc kiểm soát được việc kinh doanh, đầu tư vàng của công chúng. Muốn vậy, NHNN cần xây dựng cơ sở pháp lý đảm bảo đối tượng đầu tư, tiêu dùng chỉ có thể mua, bán vàng trên mạng lưới mà NHNN thiết lập như các NHTM, các quỹ đầu tư, sàn/sở giao dịch vàng… Từ đó, Chính phủ không cần thiết phải cấm người dân mua, bán và tích trữ vàng miếng mà vẫn quản lý được nguồn lực tài chính quốc gia, đủ năng lực và công cụ để đưa ra các biện pháp cần thiết, kịp thời nhằm ổn định và điều tiết thị trường khi cần.

Một lãnh đạo cao cấp Vụ Quản lý ngoại hối NHNN cho rằng, Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng. Do vậy, để giá vàng trong nước bằng hoặc sát với giá vàng thế giới thì thị trường vàng trong nước phải liên thông tuyệt đối hoặc liên thông tương đối với thị trường vàng quốc tế. Trong khi đó, để thị trường vàng trong nước liên thông tương đối với thị trường vàng thế giới thì: hoặc cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài thông qua các sàn vàng; không cho phép hoặc hạn chế việc xuất nhập khẩu vàng khi có nhu cầu; hoặc không cho phép kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài; cho phép xuất nhập khẩu vàng (một cách tự do hay có điều kiện).

“Khi đó, trong trường hợp đầu tiên, mặc dù được mua, bán vàng theo giá vàng thế giới vào bất kỳ thời điểm nào nhưng nhà đầu tư lại không được tự do xuất, nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam nên giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn có chênh lệch tương đối. Trong trường hợp thứ hai, dù được xuất - nhập khẩu vàng ra vào Việt Nam một cách tự do hay có điều kiện, nhưng lại không được mua bán vàng trên tài khoản vàng ở nước ngoài nên do hoạt động xuất - nhập khẩu phải có thời gian, trong khi giá vàng thế giới lại biến động liên tục làm cho giá vàng trong nước vẫn chênh tương đối so với giá vàng thế giới”, vị lãnh đạo trên phân tích.

Trong khi đó, chia sẻ với ĐTCK, TS. Lê Xuân Nghĩa, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nêu quan điểm, giá vàng chênh lệch ngang bằng nhau giữa trong nước và quốc tế thì rủi ro sẽ hoàn toàn do thị trường gánh chịu. Thị trường đang duy trì một mức chênh lệch có nghĩa phải có một ai đó đứng ra làm lực lượng cân bằng thị trường và chịu rủi ro. Như hiện nay, NHNN đang đứng ra cân bằng, tạo lập thị trường đồng nghĩa với việc NHNN chịu sự rủi ro trong khi không phải là cơ quan đáng phải chịu rủi ro của thị trường vàng.

“Chính phủ cần nhanh chóng có những thay đổi, hoạch định lại chiến lược, chính sách quản lý thị trường vàng, trong đó xây dựng sàn vàng giao dịch quốc gia, chứng chỉ giao dịch tài khoản… Tuy nhiên, tình hình như hiện nay sẽ kéo dài một thời gian mới có thể thay đổi được”, TS. Nghĩa nhấn mạnh.