Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau tại Singapore hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Trump gặp nhau tại Singapore hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Vì sao Mỹ ngần ngại tuyên bố kết thúc chiến tranh với Triều Tiên?

Mỹ vẫn nghi ngờ về cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên và lo ngại về suy giảm sự hiện diện quân sự ở châu Á.

Triều Tiên đang liên tục thúc giục Mỹ tuyên bố kết thúc chiến tranh. Báo đảng Triều Tiên Rodong Sinmun viết rằng đây là "nhu cầu của thời đại" và sẽ là "bước đầu tiên" hướng tới bảo đảm hòa bình và an ninh.

Tongil Shinbo, tuần báo của Triều Tiên, nhấn mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa không thể có thêm bước tiến đáng kể nào nếu Mỹ không tuyên bố kết thúc chiến tranh để xây dựng lòng tin giữa hai bên.

Giới quan sát cho rằng Bình Nhưỡng dường như muốn có bước đi để đảm bảo an ninh cho chính quyền của mình. Tuy nhiên, Mỹ chưa sẵn sàng đồng ý.

Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 diễn ra giữa một bên là Hàn Quốc được hậu thuẫn bởi lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn đầu và bên kia là Triều Tiên do Chí nguyện quân Trung Quốc hỗ trợ.

Về mặt lý thuyết, hai bên vẫn trong tình trạng chiến tranh vì cuộc chiến được dừng bằng hiệp ước đình chiến chứ không phải hiệp định hòa bình.

Tiến trình phi hạt nhân hóa

Chính quyền Trump, giống như Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton, dồn sự chú ý vào chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vì Bình Nhưỡng đã phát triển được tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn đến lục địa Mỹ.

Trong tuyên bố chung sau cuộc họp thượng đỉnh Trump - Kim tại Singapore hồi tháng 6, Bình Nhưỡng "cam kết làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên". Nhưng hai bên không thống nhất về định nghĩa của phi hạt nhân hóa, theo NYTimes.

Đối với các quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Trump như Ngoại trưởng Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, phi hạt nhân hóa có nghĩa là Triều Tiên đã phải dừng và tháo dỡ chương trình vũ khí hạt nhân.

Bolton tuần trước nói rằng Triều Tiên đã không thực hiện các bước cần thiết để phi hạt nhân hóa - tiến trình mà quan chức Mỹ cho rằng nên bao gồm việc bàn giao danh sách các kho vũ khí nguyên tử, cơ sở sản xuất hạt nhân và tên lửa.

Tuy nhiên, Triều Tiên không đồng ý làm vậy. Theo Pompeo, Bình Nhưỡng vẫn sản xuất vật liệu phân hạch ở các nhà máy. Các quan chức tình báo Mỹ kết luận rằng Triều Tiên đang tiếp tục chế tạo tên lửa tầm xa tại khu vực phía bắc Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Hàn Quốc muốn Mỹ đáp ứng tuyên bố kết thúc chiến tranh để khiến Triều Tiên cảm thấy yên tâm. Quan chức nước này nhấn mạnh rằng Triều Tiên tập trung vào thứ tự các điểm được đưa ra trong tuyên bố chung tại Singapore.

Cam kết phi hạt nhân hóa chỉ đứng thứ ba, trong khi các điểm đầu tiên và thứ hai kêu gọi Mỹ và Triều Tiên thiết lập mối quan hệ mới và xây dựng "hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo".

Đối với người Triều Tiên, điều đó có nghĩa là ưu tiên tuyên bố kết thúc chiến tranh và ký kết hiệp định hòa bình.

Joseph Y. Yun, từng là nhà ngoại giao cấp cao Mỹ chuyên về Triều Tiên, đề xuất Washington và Bình Nhưỡng thử phương án song song: Triều Tiên công khai toàn bộ kho vũ khí hạt nhân để đổi lấy việc Mỹ ủng hộ tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.

Quá sớm

Hàn - Triều mong muốn đưa ra được tuyên bố vào trước cuối năm và lý tưởng nhất là vào mùa thu, có thể là ngày 18/9, khi bắt đầu cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thường niên tại New York. Nhiều người tin rằng các quan chức Liên Hợp Quốc có thể mời ông Kim tham dự hội nghị và phát biểu.

"Kịch bản tốt nhất là Kim Jong-un đến Liên Hợp Quốc với một tuyên bố kết thúc chiến tranh trong tay", John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận định.

Với sự hoài nghi về cam kết của Triều Tiên, các quan chức Mỹ cho rằng lịch như vậy là quá sớm. Dù vậy, Trump vẫn luôn là yếu tố gây bất ngờ. Chính ông là người đã nhấn mạnh yêu cầu tổ chức họp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore vào tháng 6, mặc dù các quan chức Mỹ muốn có thêm thời gian để chuẩn bị.

Trump có thể nhắm tới điều tương tự vào mùa thu, trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 ở Mỹ, cây bút Edward Wong của NYTimes nhận xét.

Sự hiện diện của Mỹ ở châu Á

Các quan chức Mỹ lo ngại một tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể làm suy yếu sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Á.

Tuyên bố kết thúc chiến tranh chưa phải là hiệp ước hòa bình mang tính ràng buộc, tuy nhiên, nó sẽ khởi động quá trình để đạt được điều đó và cuối cùng sẽ dẫn đến việc xem xét lại về số lượng lính Mỹ cần đóng ở Hàn Quốc. Mỹ đang có 28.500 quân tại Hàn. Trước cuộc họp tại Singapore, Trump đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc chuẩn bị các phương án để giảm số lượng.

Đối với một số quan chức Mỹ, sự hiện diện của quân đội ở Hàn Quốc không chỉ là biện pháp răn đe đối với Triều Tiên. Việc đó còn giúp Mỹ duy trì dấu chân quân sự ở châu Á và là chiến lược duy trì ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, điều đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội.

Các quan chức cũng lo ngại rằng Tổng thống Hàn Moon Jae-in có thể cố gắng thúc đẩy thu hẹp sự hiện diện quân sự của Mỹ hoặc làm suy yếu liên minh sau khi tuyên bố kết thúc chiến tranh.

"Đối với Mỹ, tuyên bố kết thúc chiến tranh hay hiệp ước hòa bình luôn phải được đặt trong bối cảnh lớn hơn để hiểu rõ vấn đề", Yun nói.

Tin bài liên quan