Vì sao Viconship “chốt” mua cảng Nam Hải Đình Vũ?

Vì sao Viconship “chốt” mua cảng Nam Hải Đình Vũ?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc ký kết hợp đồng chính thức được thực hiện trong tháng 4 này. Toàn bộ quá trình bàn giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong vòng 1- 2 tuần.

Tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship, mã VSC) cho biết, Công ty đã đạt được thỏa thuận với Công ty cổ phần Gemadept để thống nhất ký hợp đồng mua lại toàn bộ phần vốn của GMD tại Cảng Nam Hải Đình Vũ. Việc ký kết hợp đồng chính thức được thực hiện trong tháng 4 này. Toàn bộ quá trình bàn giao dự kiến sẽ được hoàn tất trong vòng 1- 2 tuần.

Nam Hải Đình Vũ là cảng container, công suất thiết kế 500.000 TEU/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ năm 2014, hiện chiếm 10% thị phần khu vực cụm cảng Hải Phòng. Năm 2022, Công ty cổ phần Nam Hải Đình Vũ đạt doanh thu xấp xỉ 700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng.

Việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Nam Hải Đình Vũ với VSC sẽ đem đến mức độ tăng trưởng đáng kể cho VSC.

Quan trọng hơn, việc kiểm soát cảng Nam Hải Đình Vũ sẽ giúp Viconship “liền thổ” với cảng VIP, một trong 2 cảng chính mà Viconship đang khai thác tại Hải Phòng.

Việc “liền thổ” sẽ đem đến nhiều lợi ích cho Viconship. Thứ nhất là tối ưu hóa chi phí vận hành. Chi phí vận hành một hệ thống cầu cảng dài hơn 800 m có thể giúp tiết giảm 10 - 30% chi phí so với việc vận hành 2 cầu cảng 400 m. Thứ hai, Viconship sẽ gần như không còn phải chuyển tàu ra các cảng khác khi phát sinh tình huống trùng lịch tàu. Điều này trực tiếp làm giảm thêm chi phí thuê ngoài (hiện chiếm 5 - 10% doanh thu), giữ lại lợi nhuận cho Viconship.

Ngoài ra, Viconship có phần vốn góp tới 36% tại cảng VIMC Đình Vũ (cạnh cảng Nam Hải Đình Vũ), cho thấy một tiềm năng lớn hơn khi Viconship có thể hợp lực tạo nên một hệ thống cầu cảng dài 1.500 m.

Trước mắt, việc sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ có thể giúp Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng trong năm 2023, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU, tăng 36% so với năm 2022 và chiếm 30% thị phần khu vực.

Tin bài liên quan