Đại diện VKS tham gia tranh luận tại tòa.

Đại diện VKS tham gia tranh luận tại tòa.

Viện kiểm sát: Diễn biến tâm lý của bị cáo Cường không nhất quán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiều 17/5, phiên tòa xét xử 14 bị cáo trong vụ án Buôn bán thuốc giả xảy ra tại VN Pharma tiếp tục với phần đối đáp.

Trước đó, một số luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Quốc Cường cho rằng, đây là vụ án chưa được điều tra toàn diện, việc đánh giá chứng cứ chưa chính xác.

Ngoài ra, cáo trạng có dấu hiệu hoài nghi kết luận điều tra, chưa làm chủ được hệ thống chứng cứ nên chưa đánh giá đúng tội.

Theo luật sư, cơ quan tố tụng đã dùng chứng cứ buộc tội cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang để buộc tội ông Trương Quốc Cường là chưa đúng bản chất sự thật và bị cáo Cường đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.

Đối đáp với quan điểm trên, công tố viên cho rằng, đây là ý kiến chủ quan của luật sư, không có căn cứ.

Ngoài ra, theo ý kiến của luật sư, kết luận điều tra xác định bị cáo Cường có thái độ hợp tác nhưng cáo trạng lại ghi bị cáo không thành khẩn. Theo VKS, điều này là thực tế diễn biến tâm lý của bị cáo. “Quá trình điều tra, bị cáo chỉ nhận trách nhiệm người đứng đầu. Trong giai đoạn truy tố, khi VKS hỏi cung, bị can thừa nhận nội dung cụ thể từng hành vi. Đến khi nhận cáo trạng lại không nhận tội. Tại tòa, diễn biến tâm lý cũng thay đổi, không nhất quán”.

Theo VKS, nếu diễn biến tâm lý bị cáo Cường là nhất quán, thành thật, hối lỗi, cơ quan tố tụng sẽ xem xét, đánh giá tiếp.

Cũng theo VKS, bị cáo Trương Quốc Cường giữ 2 vai trò là Cục trưởng Cục Quản lý Dược và Phó chủ tịch hội đồng xét duyệt thuốc. Toàn bộ quá trình diễn biến thẩm định, xét duyệt 7 loại thuốc được nêu trong cáo trạng, có sai phạm về mặt hành chính và chuyên môn. Sai phạm đến mức phải xử lý hình sự. Bị cáo thừa nhận ban hành văn bản sai.

“Bị cáo không quản lý cấp dưới của mình, để bị cáo Phạm Hồng Châu (Trưởng phòng Đăng ký thuốc) tự ý kết luận biên bản trái pháp luật, đưa ra ý kiến không đúng, dẫn đến 7 hồ sơ thuốc lọt vào hội đồng xét duyệt. Quá trình thẩm định của nhóm chuyên gia, bị cáo không kiểm tra, giám sát”, VKS đối đáp.

Còn về hành vi không đình chỉ lưu hành thuốc giả, VKS cũng khẳng định, thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người. Luật và Thông tư quy định chỉ cần có nghi ngờ, dấu hiệu là phải thu hồi. “Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới ban hành văn bản gửi cơ quan hải quan để tạm dừng nhập khẩu. Chính bị cáo đã thực hiện không hết chức trách của mình, dừng nhập khẩu nhưng không dừng lưu hành dẫn đến thuốc nhập vào vẫn tiêu thụ được”, VKS nói thêm.

Ý kiến của bị cáo Nguyễn Thị Thu Thủy (cựu Phó Phòng Đăng ký thuốc) và luật sư cho rằng, bị cáo thực hiện hành vi không phải lỗi cố ý. Bị cáo không có động cơ, mục đích, vụ lợi.

Tranh luận ý kiến trên, VKS cho rằng, khi thẩm định hồ sơ lần đầu, bị cáo Thủy và các chuyên gia khác thuộc tổ pháp chế đều có chung quan điểm không đủ điều kiện cấp hồ sơ. Sau đó, bị cáo xem lại hồ sơ, dùng bút xóa, xóa ý kiến của mình là “không cấp”, viết vào đó là “cho bổ sung”. Cáo trạng nêu hành vi của bị cáo là tẩy xóa là có căn cứ.

Cũng theo công tố viên, từ hành vi cố ý sửa chữa biên bản của bị cáo Thủy, kết luận biên bản không đúng của bị cáo Châu thể hiện các bị cáo có cùng ý thức, mong muốn tạo điều kiện cho Vimedimex. “Kể cả các bị cáo không nhận tiền, vật chất thì các bị cáo đã đem lại cho Vimedimex”, VKS nhấn mạnh

Tin bài liên quan