"Việt Nam cần tham khảo các nước để hành động"

(ĐTCK-online) Ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã cho biết như thế khi trao đổi với ĐTCK về cách đối phó của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ. Ông nói:

Nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ có thể thấy Chính phủ Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ không cứu các ngân hàng đầu tư bên bờ vực phá sản, mà chỉ tập trung cứu ngân hàng thương mại và các định chế tài chính có liên quan đến ngân hàng thương mại và bất động sản. Tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đến thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam , theo tôi là có và cần nhìn cả về ngắn hạn lẫn dài hạn.

Nhìn ngắn hạn thì hiện nay thanh khoản của hệ thống ngân hàng thế giới đang bị ảnh hưởng, bằng chứng là lãi suất Libor (lãi suất cho vay USD liên ngân hàng, kỳ hạn 3 tháng, ở Luân Đôn - Anh) hôm qua (18/9) tăng từ 3,0625% lên 4,45%, một số ngân hàng trung ương các nước sẵn sàng bơm thêm tiền vào thị trường để đảm bảo tính thanh khoản cho các ngân hàng, lãi suất các khoản vay ngắn hạn của Việt Nam có thể tăng, gây khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ Mỹ liên tục phải bơm tiền cứu các ngân hàng có thể khiến hệ số tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Mỹ sụt giảm, đồng USD do vậy có thể mất giá. Hiện tại, sau thông tin cứu AIG, đồng USD đang tăng giá.

Giá bất động sản tại các thị trường giảm, có thể giá bất động sản tại Việt Nam cũng giảm, gây tác động xấu tới các ngân hàng thương mại và cả TTCK.

Nhìn về tác động dài hạn, có thể các khoản ODA, FDI giải ngân chậm, nguồn vốn vào Việt Nam hạn chế, xuất khẩu có thể giảm gây ra gánh nặng cho cán cân thanh toán quốc tế.

Trước tình hình này, nhiều nước đã có điều chỉnh về mặt chính sách vĩ mô. Đơn cử như Trung Quốc, song song với đẩy mạnh xuất khẩu, chính phủ nước này chủ trương phục hồi thị trường nội địa để kích thích tăng trưởng, một loạt giải pháp đã được đưa ra như nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm dự trữ bắt buộc 1%, giảm lãi suất cho vay 1%, hoàn thuế xuất khẩu hàng hóa… Tôi cho rằng, ở thời điểm này, Việt Nam cũng cần tham khảo để có điều hành chính sách vĩ mô linh hoạt, hỗ trợ cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.