Việt Nam, một năm không ngủ

Việt Nam, một năm không ngủ

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam vừa có một năm không ngủ. Không ngủ vì lo nỗi nước nhà…

Vượt bão

Năm 2020 vừa qua đi trong tiếng cười nhẹ nhõm. Bởi cuối cùng, đất nước đã “vượt bão” thành công. Kinh tế vẫn có tăng trưởng dương, lên tới 2,91%, thuộc diện top đầu thế giới. Bởi bất chấp thương mại toàn cầu đứt gãy, xuất nhập khẩu vẫn tăng, nhập siêu thậm chí còn cao nhất 5 năm qua, với trên 19,1 tỷ USD. Bởi lạm phát được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định vững chắc. Bởi thu ngân sách chẳng thâm hụt quá nặng nề như lo ngại từ giữa năm…

Biết bao chỉ số kinh tế vĩ mô có thể chỉ ra, để chứng minh cho một năm “vượt bão” thành công của nước Việt. Nhưng hơn hết, người Việt Nam có thể tự hào nói rằng, đến ngày cuối cùng của năm, dù đây đó vẫn có thêm ca bệnh mắc Covid-19, song Việt Nam đã thành công trong công cuộc phòng chống, ngăn chặn đại dịch thế kỷ, với chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả vô cùng. Không chỉ giảm thiểu được số người chết và những thiệt hại về kinh tế, mà an sinh xã hội cũng được bảo đảm, văn hoá, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… đều đạt kết quả ấn tượng.

Cũng bởi thế, đã nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói, dù một số chỉ tiêu không hoàn thành, chủ yếu do nguyên nhân khách quan, nhưng năm 2020 vẫn được xem là năm thành công hơn năm 2019, thành công nhất trong 5 năm vừa qua. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng từng nhiều lần nhấn mạnh, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Đâu phải ngẫu nhiên mà cả thế giới đang hướng về Việt Nam, như một hình mẫu thành công trong phòng chống dịch, như một “thiên đường” sản xuất mới của Đông Nam Á. Thành công trong phòng chống dịch chính là nền tảng để kinh tế - xã hội Việt Nam đạt những thành tựu quan trọng trong năm 2020. Trong khi cả thế giới kinh tế suy thoái đến nặng nề, Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương, vẫn đưa hàng hóa thông thương khắp thế giới…

Đầu năm, rồi giữa năm, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khi du lịch, hàng không “trắng” khách quốc tế, đóng cửa và thua lỗ nặng nề; khi nhà máy, công xưởng không thể nhập nguyên liệu về sản xuất; khi các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện; khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ…, chẳng ai dám tin, kinh tế Việt Nam từng bước dần phục hồi, để rồi đến nay, trở thành điểm sáng trong khu vực và trên toàn cầu.

Thế nên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới hồ hởi nói rằng, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Và rằng, chúng ta không chỉ thành công về phát triển kinh tế, mà công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Nhà nước đẩy mạnh, qua đó thiết lập lại kỷ cương phép nước, đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và môi trường xã hội…

Nhắc lại câu chuyện 5 năm trước, khi Kế hoạch 2016-2020 bắt đầu trong bộn bề khó khăn, người đứng đầu Chính phủ cũng nói rằng, nhìn lại chặng đường đã đi, ông vui mừng được chia sẻ, đất nước ta thực sự tốt đẹp hơn bao giờ hết. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển, biên cương, bờ cõi được giữ vững, niềm tin được củng cố, niềm tự hào với bè bạn năm châu được nhân lên…

Thế nên, đón năm mới 2021, pháo hoa vẫn rực rỡ bầu trời đêm!

Một năm không ngủ

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn câu ngạn ngữ rằng, thành công không chỉ được đo bằng những gì đạt được, mà còn bởi những trở ngại đã vượt qua, để nói rằng, năm 2020 có thể được xem là năm thành công nhất trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua về ý chí và tinh thần vượt khó vươn lên.

Với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, thành công đặc biệt của năm 2020 cũng chính là đã nêu cao lòng yêu nước, tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước…

Không có điều đó, không có sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc, thì nước Việt đã chẳng thể có được một năm 2020 thành công đến thế.

Cứ ngẫm mà xem, nếu nói về trở ngại, quả thật những năm gần đây, chẳng năm nào có thể sánh bằng năm 2020. Suốt cả năm lo chống đại dịch Covid-19, đến bây giờ chưa dứt, thì cuối năm, lại lo thiên tai bão lũ. Nhưng trong khó khăn, như muôn đời nay vẫn thế, người Việt lại đứng bên nhau, đoàn kết một lòng, kết thành tường thành vững chãi để vượt qua giông bão.

Nếu cả thế giới có một năm quay cuồng vì Covid-19, thì Việt Nam có một năm không ngủ. Không ngủ với đúng mọi nghĩa đen của từ đó, bởi khi những ca bệnh Covid-19 đầu tiên xuất hiện, đặc biệt khi dịch bệnh lan rộng ở Hà Nội, ở TP.HCM, hay sau này, ở “làn sóng” thứ hai, tại Đà Nẵng, các thành viên của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, hay của các tỉnh, thành phố lại trắng đêm họp tìm biện pháp xử lý.

Các cán bộ chiến sĩ, các y bác sĩ trắng đêm lo chữa chạy cho bệnh nhân, lo cách ly, ngăn chặn dịch lây lan. Các hộ dân, các con phố trắng đêm nấu bánh chưng, luộc bánh tét, nấu nồi cháo để sớm mai kịp đưa đến các trung tâm cách ly, cho y bác sĩ, cho các cán bộ chịu trách nhiệm phòng chống dịch bệnh có bữa ăn ấm lòng. Sau này, là cho cả các đồng bào miền Trung chịu cảnh màn trời, chiếu đất vì mưa lũ, bão bùng.

Chống dịch như chống giặc, mà chống suy giảm kinh tế cũng như chống giặc. Cả hai đều vô cùng quan trọng, dù Chính phủ luôn xác định sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Thế nên, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng có những đêm trắng, lúc lo từng xe container ùn ứ nơi cửa khẩu vì không thể xuất khẩu qua biên giới, khi lo đứt gãy chuỗi cung ứng, không thể nhập nguyên liệu về sản xuất…

Lo xây dựng các kịch bản kinh tế cho phù hợp với tình hình mới của nền kinh tế, dù kịch bản vừa lập xong đã trở nên lạc hậu, bởi đại dịch Covid-19 diễn biến quá nhanh, quá bất thường và khó dự đoán. Nào ai có thể tưởng tượng, chỉ sau gần 1 năm, thế giới đã có hơn 82 triệu người nhiễm virus SARS CoV-2.

Kịch bản lập xong, lại hồi hộp theo dõi các chỉ số vĩ mô qua từng tháng, từng quý. Sốt ruột đến không ngủ vì khi thực hiện giãn cách xã hội, sức mua lao dốc thẳng đứng. Sốt ruột vì các tổ chức quốc tế, hết Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục hạ dự báo tăng trưởng của khu vực, của thế giới và cả Việt Nam. Sốt ruột khi số lượng doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động không ngừng tăng lên. Sốt ruột thì thấy những dãy phố vắng lặng, vì các cửa hàng, cửa hiệu, các khách sạn phải đóng cửa vì kinh doanh thời Covid-19 chỉ có lỗ dài dài…

Và vì thế, những tháng ngày ròng rã, liên tục, liên tục các cuộc họp bàn, để làm sao ra được các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cho giải ngân đầu tư công, cho thu hút đầu tư, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, cho các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19…

Tình thế gấp gáp và tinh thần triển khai quyết liệt đến nỗi, Chính phủ chỉ vừa họp, chỉ đạo hôm trước thì hôm sau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức các đoàn công tác để xuống từng địa phương, vào từng dự án, từng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc giải ngân chỉ là một chuyện, còn là thúc sản xuất - kinh doanh và đầu tư… Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định họp phiên bất thường, để kịp bỏ phiếu thông qua các đề xuất của Chính phủ, nhất là với gói hỗ trợ an sinh 62.000 tỷ đồng, lần đầu tiên được triển khai…

Cũng đã thấy lãnh đạo các địa phương chia năm, chia bảy xuống từng công trình, từng dự án để thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai. Không chỉ vì lời hứa với Chính phủ, vì hai tiếng trách nhiệm người đứng đầu, mà còn vì tất cả đều hiểu rằng, chỉ chậm thêm một ngày, nền kinh tế bớt đi một cơ hội tăng trưởng. Mà chỉ cần 1% tăng trưởng GDP, như Thủ tướng Chính phủ đã nói, là có thêm 300.000 việc làm. Từng ấy việc làm là bao nhiêu gia đình có thêm thu nhập, thêm cơ hội để có cuộc sống đủ đầy hơn.

Ngay cả những người dân lành cũng có những đêm trắng, lo chỗ này nơi kia có ca mắc mới trong cộng đồng, chưa kịp cách ly, chữa trị. Lo để rồi thấu hiểu và đồng thuận, đồng lòng với Chính phủ trong thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Hơn bao giờ hết, tình đồng bào, nghĩa đồng chí lại thắp sáng trong tim triệu triệu người dân Việt. Chúng ta thành công cũng là bởi những trái tim vì Việt Nam mà yêu thương và chung tay đoàn kết như thế!

Viết tiếp câu chuyện đặc biệt

Giữa muôn vàn khó khăn, gian khó, Việt Nam đã viết nên câu chuyện đặc biệt của riêng mình. Đó là điều mà Ngân hàng HSBC đã nói. Còn Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Jacques Morisset thì nói: “Việt Nam kiên cường trong một thế giới suy sụp”.

Đúng là Việt Nam đã có một năm không ngủ, để toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị bước vào “cuộc chiến đấu mới”, với Covid-19, với suy giảm kinh tế, để cuối năm, vỡ òa trong cảm xúc vui mừng vì những thành công đã đạt được.

Nhưng mừng đấy và cũng lo đấy. Bởi đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, nhiều nước trên thế giới đang phải tiếp tục các biện pháp phong tỏa. Bởi kinh tế Việt Nam dù đã có tăng trưởng dương, nhưng tốc độ tăng trưởng ấy, lại đặt ở một nền kinh tế có quy mô trung bình như Việt Nam, thì vẫn ở mức thấp.

Nhìn trong cả nước, hiếm có, thậm chí là chưa có bao giờ kể từ 3 thập kỷ Đổi mới đến nay, có chuyện nhiều địa phương tăng trưởng âm như vậy. Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu…, kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng vì Covid-19, sụt giảm đến không ngờ, như Khánh Hòa âm 10,52%, còn Đà Nẵng cũng âm gần 9,77%.

Bù đắp sự sụt giảm đó, rồi tăng tốc và vượt lên, sẽ là một câu chuyện không đơn giản, khi khó khăn, thách thức còn rất lớn ở phía trước. Dù GDP không đo lường được sự tận tụy, cống hiến của cán bộ viên chức, công chức, không đong đếm được tình người trong bão lũ miền Trung và đại dịch Covid-19, cũng không thể phản ánh đầy đủ được bản chất tốt đẹp của chế độ ta, như Thủ tướng đã nói, nhưng rõ ràng, mục tiêu tăng trưởng trong năm tới - dù là 6% như Quốc hội quyết nghị, hay 6,5% như mục tiêu mà Chính phủ đặt ra, phải nỗ lực đạt được. Không thể để những thành quả đạt được trong năm qua bị phá vỡ, không thể để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công gây dựng.

Một năm mới đã bắt đầu, dù khó khăn còn lớn, nhưng cơ hội cũng không nhỏ. Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang mang lại nhiều cơ hội lớn. Ngay cả Covid-19 cũng đã đặt Việt Nam vào vị trí được nhiều nền kinh tế, nhiều nhà đầu tư quan tâm lựa chọn là đối tác hàng đầu. Và hơn hết, chúng ta có tinh thần dân tộc, có sức mạnh đoàn kết, sự dẻo dai và bền bỉ. Chúng ta có nền tảng để viết tiếp câu chuyện đặc biệt của riêng mình…

Đúng là Việt Nam đã có một năm không ngủ, để toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị bước vào “cuộc chiến đấu mới”, với Covid-19, với suy giảm kinh tế, để cuối năm, vỡ òa trong cảm xúc vui mừng vì những thành công đã đạt được.

Tin bài liên quan