Kỳ vọng mục tiêu lợi nhuận tăng 55%
Năm 2025, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng dự báo ở mức 16%, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo diễn biến kinh tế vĩ mô và tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và ổn định.
Điều này tạo cơ hội tích cực cho các ngân hàng trong hoạt động cho vay, kỳ vọng hoàn thành mục tiêu kinh doanh được đại hội đồng cổ đông giao phó.
Với định hướng và mục tiêu hoạt động hiệu quả, bứt phá, bền vững, lãnh đạo Vietbank chia sẻ, năm 2025, Ngân hàng sẽ hoàn thiện tái cấu trúc tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất nhân viên và quản lý chi phí hiệu quả.
Cấu trúc danh mục huy động và cho vay theo định hướng bán lẻ, giảm cấp tín dụng vào các ngành nghề nhiều rủi ro, tập trung vào phân khúc khách hàng và ngành nghề mục tiêu.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng tài sản, tăng khả năng sinh lời và đẩy mạnh hoạt động thu hồi nợ và xử lý nợ xấu. Vietbank cũng cải tiến quy trình vận hành, quy trình hỗ trợ kinh doanh (thẩm định, phê duyệt và giải ngân) để nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng tốt nhu cầu khách hàng.
Dự kiến, năm 2025, tổng tài sản của Vietbank đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Tổng dư nợ cấp tín dụng 112.000 tỷ đồng, tăng 20%. Tổng huy động (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 132.000 tỷ đồng, tăng 17%. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 1.750 tỷ đồng, tăng 55% so với thực hiện năm 2024, đồng thời đảm bảo tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Kết thúc quý I/2025, Vietbank ghi nhận lãi trước thuế hơn 248 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, tăng 3,4 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 703 tỷ đồng.
Với đà tăng mạnh của nguồn thu chính, dù chi phí hoạt động tăng 14% lên 398 tỷ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietbank vẫn tăng 2,2 lần cùng kỳ, lên gần 367 tỷ đồng. Nhờ vậy, Ngân hàng báo lãi tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ, cho dù đã tăng trích lập dự phòng rủi ro thêm 31% lên hơn 118 tỷ đồng.
Vietbank đã đặt ra giải pháp mục tiêu, yêu cầu tốc độ tăng trưởng ngay từ đầu năm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng dư nợ khoảng 20% cả năm 2025, bên cạnh phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Tốc độ tăng trưởng này sẽ đóng góp trong tăng thu nhập lãi thuần năm nay cũng như giai đoạn tới.
Vietbank đã rà soát, tăng hệ số sinh lời về tài sản, tăng tỷ trọng, cơ cấu lại danh mục đầu tư để tăng tài sản có sinh lời, đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh. Chiến lược phát triển trong giai đoạn tới cũng tập trung vào việc kiện toàn, vận hành bộ máy.
Được sự chấp thuận của Hội đồng quản trị, Vietbank sẽ triển khai mô hình kinh doanh mới, mở rộng kênh phân phối từ Hội sở đến các trung tâm kinh doanh, thúc đẩy bán hàng. Đây là một trong những mục tiêu để Ngân hàng có thể hoàn thành kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm nay.
Cùng với đó, Vietbank sẽ tăng cường đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ. Với kênh truyền thống, Ngân hàng tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, Vietbank gia tăng thu nhập ngoài lãi, tiếp tục củng cố, bán chéo các sản phẩm nhằm thu thêm các khoản thu nhập ngoài lãi để đảm bảo kế hoạch.
Ngân hàng cũng phải tiếp tục kiểm soát chất lượng nợ, không phát sinh thêm trích lập dự phòng sẽ ảnh hưởng đến thu nhập. Điều này giúp Vietbank nâng cao chất lượng dư nợ ngay từ khi bắt đầu cho vay đến khi kiểm soát nợ quá hạn, nợ xấu.
Nâng cao năng lực tài chính
Đại hội cổ đông thường niên 2025 của Vietbank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ trong năm nay. Theo đó, Vietbank dự kiến tăng vốn từ 7.139 tỷ đồng lên 10.919,7 tỷ đồng thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu và huy động vốn từ cổ đông).
Ngày 3/6/2025, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận cho Vietbank tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 3.780 tỷ đồng, thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Cụ thể, trong đợt 1, Vietbank dự kiến phát hành hơn 107 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 15% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu (lợi nhuận giữ lại và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến ngày 31/12/2024). Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng.
Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II-III/2025. Khi phát hành thành công, vốn điều lệ sẽ tăng thêm gần 1.070 tỷ đồng.
Ở đợt 2, Vietbank sẽ phát hành thêm gần 271 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (bao gồm cổ đông góp vốn mới), giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ dự kiến 33% so với vốn điều lệ đã tăng sau đợt 1.
Dự kiến, việc chào bán cổ phiếu được thực hiện trong quý III-IV/2025. Số cổ phần phát hành trong đợt này cũng không bị hạn chế chuyển nhượng. Mức vốn điều lệ dự kiến tăng thêm tối đa 2.709 tỷ đồng.
Như vậy, nếu hoàn thành cả 2 đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vietbank sẽ tăng từ 7.139 tỷ đồng lên gần 10.920 tỷ đồng. Ngân hàng cho biết, toàn bộ lượng vốn tăng thêm sẽ được sử dụng cho việc đầu tư tài sản cố định, công nghệ thông tin, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, mở rộng mạng lưới...
Việc nâng cao năng lực tài chính cũng sẽ giúp cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR) khoảng 13%. Với hệ số này, Vietbank nâng cao được khả năng huy động vốn và mở rộng danh mục tín dụng chất lượng cao cho năm 2025 và các năm tiếp theo.
Năng lực vốn được cải thiện cũng giúp Vietbank nâng hạng tín nhiệm theo các chuẩn mực quốc tế cũng như trong nước như theo Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, khi vốn điều lệ được tăng thêm sẽ tạo điều kiện để Vietbank có nguồn lực đầu tư vào chuyển đổi số và các hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, nhằm theo đuổi mục tiêu phát triển vượt bậc và bền vững, cũng như sử dụng tối ưu vốn thặng dư mà vẫn đảm bảo thanh khoản của Ngân hàng.
Về việc niêm yết cổ phiếu VBB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) như đã được thông qua tại đại hội cổ đông năm ngoái, Vietbank cho biết sẽ thực hiện khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Căn cứ vào kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, 2023 và phương án cơ cấu lại hoạt động gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, Vietbank đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật về kết quả kinh doanh, hiệu quả hoạt động, các chỉ số tài chính và quản trị điều hành để thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, trong năm 2024, bối cảnh thị trường và môi trường kinh tế chưa thuận lợi và hiện tại, thị trường chứng khoán vẫn đang chịu tác động từ diễn biến vĩ mô khó lường, làm gia tăng rủi ro khi niêm yết.
Do đó, Ngân hàng sẽ cân nhắc lựa chọn thời điểm phù hợp, có thể vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026 nhằm đảm bảo định giá cổ phiếu tối ưu khi lên sàn. Vietbank sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh doanh, củng cố giá trị của Ngân hàng để khi lên sàn sẽ tối ưu hóa được giá trị cổ phiếu, mang lại lợi ích lớn nhất cho các cổ đông.