Vietcombank, BIDV tăng hơn 30% thu nhập từ trái phiếu

Vietcombank, BIDV tăng hơn 30% thu nhập từ trái phiếu

(ĐTCK) Trong khi hoạt động tín dụng tiếp tục chật vật, hoạt động kinh doanh trái phiếu vẫn đều đặn đem lại tăng trưởng lớn cho các ngân hàng nhóm đầu.

Vietcombank bất ngờ báo cáo thu nhập từ chứng khoán nợ, gồm chủ yếu là trái phiếu chính phủ (TPCP) và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tăng vọt 35% so với năm ngoái lên 5.512 tỷ đồng, theo báo cáo hợp nhất quý IV/2013. Kết quả của đầu tư trái phiếu vượt trội so với các hoạt động khác của Ngân hàng khi lợi nhuận trước thuế của Vietcombank gần như giữ nguyên, thậm chí còn giảm vài chục tỷ đồng so với năm trước đó.

Trong giai đoạn từ đầu năm 2013 đến cuối năm 2013, khi giá TPCP tăng cao lên mức đỉnh điểm vào giữa năm rồi đảo chiều đem lại lợi nhuận lớn cho những tổ chức bán ra chốt lời đúng thời điểm, dư nợ đầu tư TPCP của Vietcombank cũng đã giảm đáng kể gần 11.000 tỷ đồng so với đầu năm xuống còn 49.767 tỷ đồng. Dư nợ đầu tư TPDN giảm gần 2.000 tỷ đồng xuống còn 14.300 tỷ đồng.

Tại BIDV, thu nhập từ chứng khoán nợ của năm 2013 cũng tăng 31% so với năm trước đó lên hơn 6.400 tỷ đồng, gấp rưỡi tốc độ tăng lợi nhuận trước thuế của cả ngân hàng, theo báo cáo hợp nhất quý IV/2013 của BIDV.

Khác với Vietcombank, dư nợ đầu tư TPCP của BIDV tính đến cuối năm 2013 tăng gần 7.000 tỷ đồng lên 47.400 tỷ đồng.

Những con số tăng trưởng lên tới trên 30% từ đầu tư trái phiếu tại hai ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối phản ánh lợi ích mà công cụ đầu tư này tiếp tục đem lại trong năm 2013. Lãi suất huy động giảm xuống mức kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây khiến loại tài sản này đem lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng - phần lớn là các ngân hàng nhóm đầu, huy động được vốn rẻ.

Không tăng trưởng mạnh như BIDV và Vietcombank, thu nhập từ chứng khoán nợ của Vietinbank trong năm 2013 gần như giữ nguyên so với việc lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng giảm 5,3%, đạt mức rất cao, lên tới 8.543 tỷ đồng, .

TPDN, trong khi đó, cũng được các ngân hàng quan tâm ngày một nhiều. Số lượng TPDN phát hành thành công trong năm 2013 đã lên cao nhất từ trước đến nay - đạt hơn 40.000 tỷ đồng theo thống kê riêng của ĐTCK. Tham gia chính yếu vào các thương vụ phát hành này vẫn là các ngân hàng lớn với nguồn tiền dồi dào và quan hệ tín dụng lâu năm với các doanh nghiệp đầu ngành.

Dư nợ TPDN tại BIDV vào thời điểm cuối năm 2013 tăng mạnh hơn 10.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm lên 22.000 tỷ đồng. Dư nợ TPDN của Vietinbank cũng tăng gần 7.400 tỷ đồng lên 34.000 tỷ đồng. Nguồn tin trong các ngân hàng ước tính, số tiền giải ngân mới vào TPDN của một ngân hàng đầu ngành trong năm qua đạt trên dưới 10.000 tỷ đồng.

Thời điểm đầu năm 2013, biên lợi nhuận (NIM) TPDN đem lại thậm chí có thể lên tới 4 -5% - cao hơn nhiều so với NIM chung của ngành ngân hàng là 2 - 3%. Ngay cả tại thời điểm này, mức sinh lời mà TPDN đem lại vẫn được ước tính cao hơn hoạt động tín dụng truyền thống.

“Lãi suất TPDN vẫn cao hơn lãi suất tín dụng truyền thống khoảng 3 - 3,5 điểm phần trăm, tính trên giá vốn trung và dài hạn”, ông Phạm Xuân Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) ước tính.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có lợi lớn từ trái phiếu. Tại Techcombank - một ngân hàng lớn khác trên thị trường trái phiếu, thu nhập lãi từ chứng khoán nợ giảm 17% xuống còn 4.800 tỷ đồng - mặc dù tài sản đầu tư vào cả TPCP và TPDN của ngân hàng này tại thời điểm cuối năm 2013 đều tăng lên đáng kể so với đầu năm 2013. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank đã giảm 14% trong năm 2013.

Cho dù lợi suất của cả TPCP và TPDN sang đến năm 2014 đã giảm rất mạnh so với đầu năm ngoái, nhưng vẫn có những lý do để kênh đầu tư này được kỳ vọng: lạm phát tiếp tục thấp khiến nhiều người trong giới đầu tư đang kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay.

Năm 2013, mặc dù tỷ trọng tài sản phân bổ cho kênh đầu tư này không tăng hoặc tăng không đáng kể tại ngân hàng, tỷ trọng của thu nhập từ trái phiếu đã tăng lên đáng kể: tỷ lệ thu nhập lãi từ chứng khoán nợ trên tổng thu nhập lãi (trong đó có một phần chủ yếu là lãi từ hoạt động tín dụng) hiện đã đạt 19% tại Vietinbank và Vietcombank, và 15% tại BIDV.         

Tin bài liên quan